Ô tô bị vỡ hộp số, bó máy vì một sơ suất của tài xế

Nhật Minh

(Dân trí) - Một chiếc ô tô đã được mang tới xưởng sửa chữa vì không thể khởi động sau khi được lai dắt bởi xe khác. Kết quả kiểm tra cho thấy hộp số đã bị vỡ tung và xe bị bó máy.

Theo trang The Drive, nhân viên kỹ thuật cho biết sự việc xảy ra khi chủ chiếc Fiat 500 đi dã ngoại ở Grand Canyon, tiểu bang Arizona, Mỹ.

Ô tô bị vỡ hộp số, bó máy vì một sơ suất của tài xế - 1

Chủ chiếc Fiat 500 đã có một kinh nghiệm đắt giá khi quên nhả số về N lúc lai dắt xe (Video: Careful_Dig4627/Reddit).

Không rõ chính xác quãng đường xe nó được lai dắt là bao xa, nhưng điều đó không quan trọng bằng tốc độ mà nó được lai dắt.

Theo phán đoán của nhân viên kỹ thuật, chiếc xe dã ngoại (RV) đã chạy với tốc độ lên tới 129km/h, và tài xế quên không về số N cho chiếc Fiat 500 đời 2018 được lai dắt ở phía sau, mà vẫn để số 1, nên nhiều khả năng là động cơ 1.4L của chiếc Fiat có thời điểm đã quay tốc độ 15.000 vòng/phút.

Hậu quả là hư hại lớn cho cả hộp số và động cơ. Video ở bên cho thấy vỏ hộp số vỡ thành từng mảnh.

Chiếc xe được trang bị hộp số sàn 5 cấp và mới chạy 70.811km, nhưng giờ đây cả hộp số và động cơ đều đã hỏng.

Chi phí sửa chữa xe sẽ là 18.000 USD, đắt hơn cả mua xe mới, nên công ty bảo hiểm quyết định đưa xe vào bãi phế liệu.

Một chiếc Fiat 500 như vậy khi còn mới có giá cũng chỉ khoảng 17.500 USD tại Mỹ.

Đây là bài học kinh nghiệm về việc lai dắt xe. Chỉ một sơ suất nhỏ có thể phải trả giá bằng cả chiếc xe.

Ngoài tình huống lai dắt như trên, tài xế cũng cần lưu ý một số điểm trong trường hợp cần gọi xe cứu hộ, để tránh làm xe hư hỏng nặng hơn. Cụ thể, tài xế cần báo chính xác loại xe và kiểu dẫn động khi gọi đến trung tâm cứu hộ. Việc này sẽ giúp trung tâm cứu hộ điều động đúng loại phương tiện hỗ trợ cần thiết.

Có 3 kiểu dẫn động chính là dẫn động cầu trước, cầu sau, và 2 cầu (AWD hoặc 4WD). Với xe dẫn động cầu trước, có thể dùng cả hai hình thức cứu hộ là kéo hoặc chở. Với biện pháp kéo, xe cứu hộ sẽ được nâng phần bánh trước lên xe trong khi phần bánh sau tiếp đất và được xe cứu hộ kéo theo phía sau.

Với xe dẫn động cầu sau, cũng có thể sử dụng cả hai hình thức cứu hộ là kéo và chở. Với biện pháp kéo, xe cứu hộ sẽ nâng phần bánh sau lên xe trong khi phần bánh trước tiếp đất và được kéo theo sau.

Với xe dẫn động 2 cầu, nên sử dụng biện pháp cứu hộ chở để tránh gây ảnh hưởng đến hệ thống dẫn động của xe. Trong trường hợp phải sử dụng biện pháp kéo, cần dùng con lăn cho hai bánh còn lại không tiếp xúc với mặt đường khi kéo xe. Nếu không có con lăn, khi xe được kéo đi, bánh xe quay sẽ tác động ngược lại lên bộ truyền động và hộp số trong khi động cơ không hoạt động, dầu bôi trơn không được cung cấp đầy đủ sẽ tăng ma sát và gây hư hại cho các chi tiết máy.

Tựu chung lại, không được để bánh xe dẫn động tiếp xúc với mặt đường khi xe được cứu hộ kéo đi.