Những chiếc xe "vội" như cứu thương cứu hỏa, lũ lượt chạy vào làn khẩn cấp
(Dân trí) - Cảnh tượng này diễn ra vào ngày 9/8, cũng như nhiều ngày khác, trên đường Vành đai 3 trên cao, đoạn qua Tòa án nhân dân Hà Nội, hướng từ Linh Đàm về nút giao Khuất Duy Tiến.
Theo đó, hàng loạt ô tô đã nối đuôi nhau chạy vào làn khẩn cấp với tốc độ không khác gì xe cứu thương, cứu hỏa đang đi làm nhiệm vụ.
Việc này lâu nay vẫn gây bức xúc cho nhiều người tham gia giao thông nghiêm chỉnh chấp hành quy định luật trên tuyến đường Vành đai 3 trên cao, nhưng dường như chỉ giảm bớt khi có các đợt ra quân của CSGT.
Làn khẩn cấp dùng để làm gì?
Làn dừng xe khẩn cấp (hay được gọi tắt là "Làn khẩn cấp") là làn nằm ngoài cùng bên phải trên đường cao tốc, được ngăn cách bằng vạch liền màu trắng. Đúng như tên gọi, làn đường này được thiết kế để khi gặp sự cố, các xe có thể tấp vào đó và dừng lại, không gây ảnh hưởng đến giao thông.
Điểm c Khoản 1 Điều 26 Luật giao thông đường bộ năm 2008 quy định rằng người điều khiển phương tiện không được phép chạy ở làn dừng xe khẩn cấp trên đường cao tốc.
Người lái sẽ chỉ được dừng ở làn đường này nếu gặp trường hợp khẩn cấp, bao gồm: xe bị hư hỏng, thủng lốp xe; trục trặc phần rơ-moóc của xe, hoặc tài xế gặp vấn đề về sức khỏe, không thể tiếp tục lái xe.
Ngoài ra, các phương tiện ưu tiên bao gồm xe cứu thương, xe cứu hỏa hoặc xe quân sự trong các trường hợp khẩn cấp được phép đi vào làn đường này.
Mức phạt dành cho tài xế lái ô tô đi vào làn dừng khẩn cấp
Theo quy định tại điểm g khoản 5 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP, người điều khiển ô tô chạy ở làn dừng xe khẩn cấp trên đường cao tốc, không nhường đường hoặc gây cản trở phương tiện đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ là trái với quy định pháp luật sẽ bị phạt tiền 4-6 triệu đồng và bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 1-3 tháng.
Nếu người điều khiển phương tiện giao thông đi vào làn dừng xe khẩn cấp gây thiệt hại đến tài sản, sức khỏe, tính mạng của người khác thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, theo quy định tại Điều 260 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 với mức phạt lên tới 15 năm tù.