Dẹp nạn tua công-tơ-mét sẽ giúp người mua xe cũ yên tâm hơn

Nhật Minh

(Dân trí) - Tua công-tơ-mét là việc làm khá phổ biến lâu nay trên thị trường ô tô cũ, nhằm nâng giá trị xe, gian dối khách hàng.

Bộ Công an vừa chỉnh lý, bổ sung dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ vào tháng 8 để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV tới.

Theo đó, việc tự ý thay đổi chỉ số trên đồng hồ báo quãng đường đã chạy của ô tô (tua công-tơ-mét) được bổ sung vào danh sách các hành vi bị nghiêm cấm.

Dẹp nạn tua công-tơ-mét sẽ giúp người mua xe cũ yên tâm hơn - 1

Ở nhiều nước trên thế giới, việc tua công-tơ-mét bị coi là hành vi phạm pháp, có thể bị phạt tù (Ảnh minh họa: Nhật Minh).

Việc tua công-tơ-mét được thực hiện chủ yếu nhằm 2 mục đích: tua lùi số để giảm chỉ số km xe chạy nhằm nâng giá trị xe, lừa khách mua ô tô cũ, và tua tăng chỉ số km để gian lận cước vận chuyển hoặc khai khống chi phí xăng dầu.

Với ô tô cũ, hành vi tua ngược công-tơ-mét không chỉ khiến người tiêu dùng không đánh giá đúng hiện trạng xe, mà còn làm sai lệch chu kỳ bảo hành, bảo dưỡng định kỳ, từ đó có thể gây mất an toàn cho người sử dụng xe khi việc thay thế một số chi tiết hao mòn bị bỏ qua.

Hành vi này cũng dễ dẫn tới những rắc rối về pháp lý, phần nào ảnh hưởng tới sự phát triển lành mạnh của thị trường ô tô cũ. Sự việc gần đây khách hàng tố Anycar bán một chiếc Honda City bị tua công-tơ-mét từ trước đã thu hút nhiều sự chú ý.

Nhiều ý kiến cho rằng cần bổ sung việc tua công-tơ-mét vào danh mục các hành vi bị nghiêm cấm như ở nhiều nước trên thế giới, đưa nó vào phạm trù vi phạm pháp luật, chứ không chỉ dừng ở đạo đức kinh doanh.

Việc này được cho là vừa góp phần chấn chỉnh thị trường xe cũ, vừa đảm bảo an toàn kỹ thuật của phương tiện. Khi có quy định pháp luật, các cơ quan chức năng sẽ có cơ sở để xây dựng chế tài xử phạt hành vi tua công-tơ-mét.

Anh Đức Hùng ở Đà Nẵng cho rằng để tiến tới loại bỏ hành vi tua công-tơ-mét, cần có quy định về trách nhiệm của chủ xe trong việc hóa đơn, chứng từ liên quan tới việc sửa chữa, bảo dưỡng xe, trong đó có thông tin về chỉ số km, để tạo hồ sơ lịch sử xe minh bạch.

Trong khi đó, chị Phương Linh ở Hà Nội cho rằng bản chất việc tua ngược công-tơ-mét không khác gì hành vi lừa đảo, lại gây mất an toàn sức khỏe, tính mạng của người mua xe cũ, nên cần bị xử lý hình sự.

"Theo tôi, việc cơ quan đăng kiểm lưu chỉ số công-tơ-mét vào cơ sở dữ liệu của xe trong mỗi kỳ kiểm định sẽ giúp ngăn chặn tình trạng tua công-tơ-mét", chị Linh nói.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm