Showroom Anycar nói gì về thông tin "tua" công-tơ-mét trước khi bán xe?
(Dân trí) - Liên quan đến câu chuyện chiếc Honda City cũ đang gây chú ý trên mạng xã hội, đại diện đơn vị kinh doanh ô tô đã qua sử dụng Anycar đã chia sẻ xung quanh vấn đề công-tơ-mét cũng như chất lượng của xe.
Một thành viên mới đây đã chia sẻ câu chuyện xung quanh chiếc Honda City cũ anh mua tại Anycar - showroom kinh doanh xe cũ có tiếng có trụ sở tại Hà Nội. Theo đó, xe thuộc phiên bản TOP 1.5 AT, đăng ký tháng 10/2017 và công-tơ-mét (ODO) thể hiện quãng đường xe đã đi được là 66.276 km.
Sau khi hoàn tất thủ tục, người này nói đã cho kiểm tra chiếc Honda City trong hãng và được biết xe từng làm bảo dưỡng ở mốc 184.940 km. Chủ xe kể rằng không nghĩ xe bị "tua" (việc làm thay đổi số trên công-tơ-mét của phương tiện) quá nhiều như vậy.
Anh sau đó chia sẻ câu chuyện của mình lên một số hội nhóm về ô tô, thu hút sự quan tâm của cộng đồng.
Anycar có "tua" công-tơ-mét trước khi bán xe?
Trao đổi với phóng viên Dân trí, bà Nguyễn Thị Thanh, Giám đốc kinh doanh Anycar Long Biên, cho biết chiếc Honda City trên được một khách hàng ký gửi tại Anycar Long Biên từ ngày 4/7.
"Để đủ điều kiện lưu kho của Anycar, xe được kiểm tra theo quy trình 143 hạng mục liên quan đến động cơ, hộp số; hệ thống điện, điều hòa, làm mát, nhiên liệu; thân vỏ hay nội thất… Để đánh giá đầy đủ 1 chiếc ô tô đã qua sử dụng cần rất nhiều tiêu chí, nhưng có những tiêu chí không đủ cơ sở xác định chính xác thì chỉ có giá trị tham khảo", bà nói.
Đại diện Anycar cũng cung cấp các giấy tờ liên quan và trên đó thể hiện rằng ODO của chiếc Honda City tại thời điểm đơn vị này tiếp nhận là 66.276km.
Giám đốc kinh doanh Anycar Long Biên khẳng định công ty không lừa dối khách hàng về số ODO mà chỉ đơn thuần ghi nhận theo con số trên xe. "Mốc 66.276km thể hiện xuyên suốt tất cả văn bản làm việc của chúng tôi, từ lúc tiếp nhận xe ký gửi tới khi lưu kho và đăng thông tin rao bán. Không có chuyện Anycar nhập xe rồi "tua" ODO xuống thấp", bà Thanh nói.
Giải thích thêm, bà Thanh cho biết Anycar là trung gian đánh giá xe ô tô độc lập, kết nối giữa người mua và người bán nên không có quyền can thiệp vào hiện trạng của xe.
"Anycar cam kết với khách hàng về các tiêu chí có thể kiểm tra được tại thời điểm nhận xe ký gửi và chịu trách nhiệm thay người bán về các điều đã cam kết. Trường hợp xe không bán được mà đơn vị ký gửi bán rút xe về, khi hoàn trả, Anycar còn phải chịu trách nhiệm với những hỏng hóc, thay đổi gây ra trong thời gian nhận xe ký gửi. Thậm chí, nếu ODO thay đổi quá lớn chúng tôi phải giải trình (có thể do vận chuyển, khách hàng lái thử…)", bà Thanh thông tin.
Vì sao Anycar không phát hiện ODO lệch gần 2,8 lần?
Về phía khách hàng, sau khi mua xe thì người này cho biết đã mang chiếc Honda City trên tới kiểm tra tại đại lý chính hãng. Anh được cung cấp thông tin rằng lần gần nhất xe đã làm bảo dưỡng chính hãng tại mốc 184.940km. Chủ xe mới cho rằng chiếc Honda City trên đã bị "tua" công-tơ-mét quá nhiều so với con số 66.276 thể hiện trên xe.
"Dưới góc độ của người kinh doanh ô tô cũ, về cơ bản thì số km đã đi không phản ánh toàn diện "chất" của một chiếc xe và cũng không nói lên được chất lượng của phương tiện. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn ghi nhận và cung cấp thông tin này tới khách hàng theo đúng hiện trạng của xe tại thời điểm bắt đầu nhận xe ký gửi lưu kho", bà Thanh cho biết.
Khi được hỏi tại sao Anycar không kiểm tra chéo với hãng xe, đại diện đơn vị này cho rằng số ODO chỉ cung cấp một phần thông tin nhỏ về chiếc xe và việc kiểm tra trong hãng cũng không đảm bảo tuyệt đối.
"Ở Việt Nam hiện không có trung tâm dữ liệu tập trung, không có đơn vị nào có thể đảm bảo chắc chắn chính xác về số km xe đã vận hành. Thông thường, nguồn dữ liệu chỉ được ghi nhận bằng mắt thường khi xe bảo dưỡng tại hãng hoặc các điểm dịch vụ thông qua ODO hiển thị trên phương tiện. Trong khi đó, mà việc can thiệp vào đồng hồ đo (nếu có) hoàn toàn có thể xảy ra và khó kiểm soát", bà Thanh giải thích.
Lấy ví dụ, một chiếc xe đã "tua" công-tơ-mét trước khi đi làm dịch vụ bảo dưỡng tại hãng thì dữ liệu cũng chỉ đơn thuần là ghi nhận theo con số hiển thị trên xe, tại thời điểm đó chứ không phải dựa trên máy móc hay thiết bị nào để đo chính xác số km thực tế xe đã đi.
"Nếu khách hàng không bảo dưỡng trong hãng, bảo dưỡng ngắt quãng hoặc chủ động thay đổi ODO trước khi vào hãng thì những con số kiểm tra được cũng đã bị sai lệch. Trong khi đó, chỉ tốn vài phút và với chi phí vài trăm nghìn đồng là đã có thể "tua" công-tơ-mét xuôi, ngược hoặc thậm chí là chọn một con số tùy ý", bà Thanh giải thích thêm.
Cam kết của khách hàng có được đảm bảo?
Theo Anycar, mỗi xe đơn vị này bán ra đều đi kèm Biên bản chất lượng ô tô đã qua sử dụng, ở đó có thể hiện cam kết xe: chưa từng va chạm ảnh hưởng tới khung xe; chưa từng đại tu động cơ, hộp số; chưa từng thủy kích, số khung, số máy trùng khớp với đăng ký và xe không thế chấp.
"Chúng tôi cam kết chịu trách nhiệm về các nội dung đó và còn nêu rõ rằng trong thời hạn 7 ngày kể từ thời điểm nhận xe, khách hàng có thể đi kiểm tra tại các điểm dịch vụ ủy quyền chính hãng. Nếu không đúng các hạng mục cam kết trên, khách hàng có thể yêu cầu trả lại xe và hoàn lại số tiền đã thanh toán cho Anycar.
Ngoài việc không can thiệp vào ODO kể từ khi nhận xe ký gửi, căn cứ theo các văn bản, chúng tôi khẳng định không vi phạm bất cứ cam kết nào đã ký với khách hàng. Thực tế, thời điểm khách hàng ký hợp đồng mua chiếc Honda City này thì hệ thống của Anycar đang có sẵn thêm 7 chiếc xe khác để người mua lựa chọn và quyết định", bà Thanh cho biết.
Giám đốc kinh doanh Anycar Long Biên cho biết sau khi có thông tin trên mạng xã hội thì đơn vị đã chủ động liên hệ với khách hàng để giải thích. "Mặc dù chúng tôi không lừa dối khách, không tua công-tơ-mét và không vi phạm bất kỳ cam kết nào với người mua, nhưng trên tinh thần cầu thị nên đã mời khách hàng lên làm việc trực tiếp", bà Thanh nói.