Cập nhật logo mới thay đổi của một loạt hãng xe
(Dân trí) - Như một trào lưu, trong khoảng 3 năm trở lại đây, nhiều nhà sản xuất ô tô đã thiết kế lại logo mang tính biểu tượng của mình. Và đặc biệt là gần như tất cả đều theo cùng một hướng.
Sự thay đổi này cho thấy xu hướng logo viền bạc có vẻ đã lỗi thời. Giờ đây, các nhà thiết kế đồ họa đi theo hướng tối giản, sử dụng logo 2D, thay vì 3D như trước. Mini đã đi trước thời đại từ năm 2015, còn các thương hiệu lớn khác, như Audi, Aston Martin, và BMW mãi gần đây mới thay đổi hình ảnh nhận diện.
Để không bỏ lỡ sự thay đổi nào, hãy cùng điểm lại toàn bộ logo mới của các hãng trong những năm gần đây.
Aston Martin (2022)
Đôi cánh trên logo của Aston Martin không thay đổi nhiều vì nó đã trở thành hình ảnh mang tính biểu tượng của hãng từ đầu thập niên 30 của thế kỷ trước. Tuy nhiên, vào năm 2022, công ty đã đơn giản hóa biểu tượng này, bỏ bớt một số nét trên đó, như đường hình cung nhưng lại làm đậm chữ "Aston Martin" lên.
Audi (2022)
Audi không thay đổi logo quá nhiều mà chỉ thay kiểu 3D bằng 2D nhìn đơn giản hơn. Thiết kế 4 hình trong lồng vào nhau ra đời từ năm 1969.
BMW (2021)
Logo hình tròn của BMW không thay đổi nhiều kể từ khi được sử dụng vào năm 1917. Nhưng thiết kế mới này đi theo trào lưu tối giản và phẳng. Các đường viền trên logo đã được thiết kế lại vào năm 1997 giờ đây nhạt hơn, tạo hình ảnh phẳng và tối giản, với ít chi tiết hơn. Màu đen ở vành ngoài logo đã không còn, thay bằng nền trắng.
Buick (2022)
Logo mới của Buick là một trong số ít có sự thay đổi lớn về thiết kế, chứ không chỉ đơn giản là thay thiết kế 3D bằng 2D. Logo mới không còn đường bao tròn mà chỉ có 3 hình chiếc khiên viền nhỏ đứng cạnh nhau.
Cadillac (2021)
Khi thay đổi vào năm 2021, logo kiểu mũ sắt của Cadillac mất đi các màu đỏ, xanh và vàng, chỉ còn lại đen và trắng. Hình dáng tổng thế không thay đổi, nhưng cũng như các hãng khác, Cadillac chọn thiết kế 2D thay cho kiểu 3D.
FCA / Stellantis (2020)
Đây không chỉ đơn giản là sự thay đổi logo mà là định vị lại hoàn toàn thương hiệu. FCA và PSA về chung một nhà, trở thành tập đoàn Stellantis từ năm 2020. Sự ra đời của nhà sản xuất ô tô lớn thứ 4 thế giới đi cùng một logo hoàn toàn mới như trên.
Citroen (2016)
Citroen đã đơn giản hóa logo của mình, đồng thời hồi sinh một số chi tiết có tính lịch sử. Hai mũi tên hướng lên trên giờ đây nhọn hơn, mảnh mai hơn nhưng được đặt trong một hình bầu dục, thay vì "tự do" như trước. Đây là kiểu thiết kế có trên logo đầu tiên của Citroen từ năm 1919.
General Motors (2021)
GM đã thay đổi logo vào năm 2021, bỏ các góc vuông thay bằng bo tròn và đổi phông chữ sang kiểu mềm mại hơn, dùng chữ thường thay vì chữ in hoa. Nền màu xanh cũng đã được đổi sang màu trắng, với ẩn ý "bầu trời trong sạch", vì công ty đang đẩy mạnh làm xe điện. Đây là lần đầu tiên logo của GM được thiết kế lại trong vòng 50 năm.
Jaguar Land Rover / JLR (2023)
Trước mắt, từng dòng xe của Jaguar và Land Rover không thay đổi logo, nhưng sau thời gian khá dài về chung dưới mái nhà tập đoàn Tata (Ấn Độ), Jaguar Land Rover đổi tên thành JLR - cũng là một hình thức tối giản và giới thiệu logo hoàn toàn mới như trên.
Kia (2021)
Kia có sự thay đổi logo gây nhiều tranh cãi nhất trong danh sách này. Công ty đã bỏ hẳn thiết kế logo cũ, thay bằng một thiết kế mới, chỉ còn chữ Kia, không có viền hình bầu dục. Đáng chú ý hơn cả là chữ "I" và "A" dính liền vào nhau, khiến nhiều người nhầm thành chữ "KN".
Lancia (2022)
Thương hiệu ô tô Italy này từng nổi tiếng với các mẫu xe đua đường trường như Delta Integrale và O37. Việc thay đổi logo đánh dấu sự trở lại của huyền thoại sau thời gian chìm lắng. Một mẫu xe concept mới mang logo mới của Lancia đã ra mắt vào cuối năm ngoái, đưa thương hiệu này vào kỷ nguyên xe điện.
Lotus (2019)
Logo mới thể hiện sự khởi đầu mới của thương hiệu Lotus. Tuy nhiên, hình thức logo không khác quá nhiều so với trước, chỉ là đơn giản hơn và bỏ viền, giống như nhiều hãng khác. Chữ Lotus được xếp thẳng, thay vì hình vòng cung.
Mini (2015)
Mini là một trong những thương hiệu đầu tiên bỏ thiết kế 3D để chuyển sang kiểu 2D và bỏ đường viền. Nền đen bên dưới chữ MINI cũng đã đổi thành màu trắng, tạo sự đơn giản cho logo.
Nissan (2021)
Logo cũ của Nissan đã được dùng từ thập niên 90 của thế kỷ trước, với viền dày dặn và bề mặt bạc sáng bóng. Logo mới được thiết kế kiểu 2D và thay viền dày bằng đường nét thanh mảnh hơn hẳn. Hình chữ nhật làm nền cho chữ Nissan cũng bị lược bỏ, thay bằng thiết kế hình tròn mở hai bên.
Peugeot (2021)
Peugeot đã mạnh dạn thiết kế lại toàn bộ logo hình chú sư tử đã trở thành biểu tượng lâu nay. Logo mới kiểu chiếc khiên, bên trong chỉ có hình đầu sư tử ở bên dưới chữ Peugeot.
Porsche (2023)
Porsche thiết kế lại logo theo phương châm "nếu nó không hỏng thì đừng sửa". Logo vẫn có hình chiếc khiên, nhưng giờ đây trông khiêm tốn hơn, với bề mặt được làm nhẵn, thay cho kiểu hào nhoáng trước đây và thêm họa tiết tổ ong trên các thanh màu đỏ.
Renault (2021)
Renault thực sự đi theo phong cách đơn giản với logo được thiết kế lại vào năm 2021. Logo hình con thoi màu bạc giờ đây biến thành màu đen, với tạo hình như hai ngoặc kép đan vào nhau.
Volkswagen (2019)
Logo hình tròn bao quanh chữ W đã trở thành biểu tượng của Volkswagen không có nhiều thay đổi từ giữa thập niên 40 của thế kỷ trước. Nên trong lần thiết kế lại vào năm 2019, nhà sản xuất ô tô Đức có phần mạnh tay thay đổi, với một thiết kế phẳng, không viền bên trong. Và lần đầu tiên trong lịch sử hãng, chân chữ "W" không dính vào hình tròn bên ngoài.
Volvo (2021)
Volvo đã lặng lẽ thay đổi logo vào năm 2021, cũng chọn phong cách tối giản. Logo mới phẳng, đơn giản và ít chi tiết thêm thắt hơn logo bạc đã được sử dụng từ cách đây khoảng 2 thập kỷ. Công ty thậm chí đã bỏ luôn hình chữ nhật vốn được dùng làm nền cho chữ Volvo.