An toàn chủ động dần trở thành trang bị tiêu chuẩn trên ô tô tại Việt Nam
(Dân trí) - Những tính năng hỗ trợ người lái chủ động đã không còn là trang bị chỉ có trên các mẫu ô tô hạng sang, mà đang ngày càng "phổ cập" trên các dòng xe phổ thông tại Việt Nam.
Những năm gần đây, có thể thấy xu hướng ra mắt sản phẩm mới của các hãng xe ngày càng tập trung vào trang bị, một phần do khách Việt ngày càng khắt khe hơn trong trải nghiệm, chú trọng tới yếu tố an toàn và hưởng thụ; phần khác do áp lực từ các đối thủ.
Việc chạy đua công nghệ an toàn đã trở thành trào lưu, không chỉ ở các dòng xe hạng sang mà hiển hiện ngay tại các phân khúc xe phổ thông. Thậm chí, "ngọn lửa" của cuộc tranh đấu ngày càng có xu thế lan rộng tới phân hạng xe giá rẻ, tạo nên "công thức" cạnh tranh mới.
Phổ cập công nghệ
Hệ thống an toàn chủ động không còn là khái niệm xa lạ với khách Việt; có thể kể đến các tính năng như: phòng tránh va chạm trước, cảnh báo phương tiện cắt ngang khi lùi, ga tự động thích ứng, đèn tự động thích ứng hay hỗ trợ duy trì làn đường…
Những tính năng này vốn chỉ xuất hiện trên các dòng xe sang như Mercedes-Benz hay Volvo, nhưng dần xuất hiện trên các mẫu xe phổ thông trong những năm gần đây, dưới một số tên gọi như: Toyota Safety Sense, Hyundai SmartSense hay Honda Sensing…
Từ phân hạng D cho đến C và giờ đây là B. Trong đó, SUV cỡ B là một ví dụ điển hình khi không có sản phẩm nào không có công nghệ an toàn.
Đơn cử như Kia Seltos, mẫu xe này vốn lấy tiêu chí giá rẻ để cạnh tranh, nhưng lần đầu tiên đã được trang bị hệ thống an toàn chủ động, ở lần nâng cấp giữa vòng đời vừa qua.
Thông thường, hệ thống an toàn chủ động chỉ xuất hiện trên bản cao nhất của một mẫu xe. Honda Việt Nam có thể xem là đơn vị tiên phong khi "phổ cập" công nghệ này tới tất cả các dòng xe nằm trong danh mục sản phẩm, thậm chí là trên tất cả các phiên bản.
Việc sở hữu Honda Sensing trên tất cả các phiên bản khiến xe Honda có giá bán không rẻ, thường thuộc hàng cao trong phân khúc cạnh tranh. Tuy nhiên, với người dùng quan tâm nhiều đến tính năng an toàn, những sản phẩm đến từ thương hiệu này vẫn là lựa chọn đáng cân nhắc.
Tại phân khúc sedan hạng B tầm giá dưới 600 triệu đồng, Honda City vốn là sản phẩm duy nhất sở hữu đầy đủ hệ thống an toàn chủ động. Tuy nhiên, Hyundai Accent đã chính thức bước vào cuộc đua công nghệ, thông qua lần nâng cấp lên thế hệ mới vừa qua.
Hyundai Accent 2024 được trang bị hệ thống Hyundai SmartSense trên bản cao nhất (569 triệu đồng). Đây là lần đầu tiên Accent đắt hơn Vios (cao nhất 545 triệu đồng), nhưng đem lại cho người dùng thêm lựa chọn mới.
Người dùng hưởng lợi
Việc các hãng xe chạy đua trang bị đem lại nhiều lợi ích cho người dùng. Hàm lượng công nghệ trên các sản phẩm mới ngày càng được cải thiện nhưng giá bán vẫn cạnh tranh so với các đối thủ.
Lấy trường hợp của Hyundai Accent 2024 làm ví dụ. Bản cao nhất của mẫu xe này đắt hơn 24 triệu đồng so với Toyota Vios nhưng vẫn là lựa chọn đáng cân nhắc dành cho những người dùng ưa thích sự hài hòa giữa tính năng tiện nghi và an toàn, nhưng không muốn chi tới 609 triệu đồng để mua Honda City RS.
Hay như Toyota Corolla Cross 2024 được ra mắt vào đầu tháng 5. Mẫu crossover cỡ B+ này bị loại bỏ bản G tiêu chuẩn, chỉ còn bản V (xăng) và HEV (hybrid). Cả 2 biến thể này đều được trang bị gói công nghệ Toyota Safety Sense, bổ sung thêm một số trang bị tiện nghi nhưng giá bán giảm 40-50 triệu đồng so với đời cũ.
Ngoài cạnh tranh với đối thủ cùng cỡ như Mazda CX-30, Toyota Corolla Cross còn phải đối đầu với các mẫu C-SUV như Mazda CX-5 (749-979 triệu đồng), hay Hyundai Tucson (769-919 triệu đồng). Giới chuyên gia nhận định, đây có thể là nguyên nhân chính khiến mẫu xe Nhật Bản này được giảm giá niêm yết ở phiên bản mới.