Tốc độ tăng lương tối thiểu ra sao những năm qua?

Hoa Lê

(Dân trí) - Lương tối thiểu được điều chỉnh định kỳ với tốc độ bình quân 5,96%/năm trong 10 năm qua. Tới đây, phân vùng mức lương này sẽ được tính toán lại cho phù hợp với sự thay đổi khi sáp nhập tỉnh thành.

Giai đoạn 2016-2024, Bộ Nội vụ cho biết các chủ trương, đường lối của Đảng về quan hệ lao động và tiền lương ngày càng được hoàn thiện.

Hệ thống chính sách, pháp luật về quan hệ lao động và tiền lương được sửa đổi, bổ sung ngày càng đồng bộ, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, trong đó đặc biệt là Bộ luật Lao động 2019 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã thể chế hóa đầy đủ các quan điểm chỉ đạo của Đảng và tiệm cận với các tiêu chuẩn lao động quốc tế, cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia.

Trong giai đoạn này, lương tối thiểu được định kỳ điều chỉnh với tốc độ tăng bình quân 5,96%/năm. Tiền lương bình quân của lao động làm công hưởng lương tăng bình quân 6,57%/năm góp phần cải thiện đời sống của người lao động.

Gần đây nhất, từ ngày 1/7/2024, Nghị định 74/2024/NĐ-CP Chính phủ đã điều chỉnh tăng lương tối thiểu theo tháng 6%, với các mức: vùng I là 4,96 triệu đồng, vùng II là 4,41 triệu đồng, vùng III là 3,86 triệu đồng, vùng IV là 3,45 triệu đồng. 

Nghị định 74 cũng nêu rõ danh mục địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu từ ngày 1/7/2024 theo 4 vùng.

Mới đây, theo kế hoạch triển khai nhiệm vụ công tác tháng 3, Bộ Nội vụ sẽ tập trung chuẩn bị nội dung về việc điều chỉnh mức lương tối thiểu, đặc biệt liên quan đến phân vùng lương tối thiểu để phù hợp với thay đổi về địa bàn hành chính khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính.

Yêu cầu này đặt ra căn cứ tại Kết luận số 127 về triển khai nghiên cứu, đề xuất tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, Bộ Chính trị, Ban Bí thư yêu cầu xây dựng đề án sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, tiếp tục sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã.

Đối với cấp tỉnh, ngoài căn cứ về quy mô dân số, diện tích, cần nghiên cứu kỹ quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch địa phương, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, phát triển ngành.

Yếu tố cần tính đến nữa là việc mở rộng không gian phát triển, phát huy lợi thế so sánh, đáp ứng yêu cầu phát triển đối với từng địa phương và yêu cầu, định hướng phát triển của giai đoạn mới... làm cơ sở, căn cứ khoa học trong sắp xếp.

Đối với cấp xã, cần xác định rõ các mô hình chính quyền địa phương cấp xã đối với khu vực đô thị, nông thôn, miền núi, đồng bằng, hải đảo, quy mô dân số, diện tích, lịch sử, văn hóa, các vấn đề về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, dân tộc, tôn giáo...

Bộ Chính trị, Ban Bí thư yêu cầu xây dựng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, định biên của chính quyền địa phương cấp xã.

Hồi tháng 8/2024, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (nay là Bộ Nội vụ) quyết định thực hiện điều tra tình hình lao động, tiền lương trong doanh nghiệp trong năm 2024 với quy mô lớn.

Theo đó, việc điều tra được tiến hành trên phạm vi 3.400 doanh nghiệp, đại diện cho 8 vùng kinh tế của cả nước, có số lượng doanh nghiệp lớn, thị trường lao động phát triển.