Lương khởi điểm 6,8 triệu đồng, công chức không đủ trang trải cuộc sống
(Dân trí) - Để thu hút người tài trong khu vực công, đại biểu Quốc hội đề nghị đẩy nhanh cải cách tiền lương, trả lương theo vị trí việc làm, bởi hệ số 2,34 đã lỗi thời.
Chênh lệch thu nhập khu công, tư rất lớn
Liên quan đến chính sách dành cho người tài năng, đại biểu Trịnh Minh Bình (Vĩnh Long) cho biết, dự thảo Luật Cán bộ, công chức sửa đổi quy định: "Thu hút, trọng dụng người có tài năng làm việc trong cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý phù hợp với khả năng ngân sách và thẩm quyền quản lý của cán bộ, công chức theo phân cấp".
Đại biểu lo ngại quy định này khó khả thi trên thực tế. Với việc phân cấp ngân sách còn khó khăn, người đứng đầu bộ, ngành Trung ương cũng như địa phương sẽ không tuyển dụng, thu hút được người tài năng vào làm việc do không đủ nguồn kinh phí để chi trả.
Ông Trịnh Bình Minh nêu thực tế, cán bộ, công chức mới tuyển dụng có hệ số lương 2,34 tương ứng với khoảng 6,8 triệu đồng/tháng, thêm 25% tiền công vụ. Thu nhập này không đủ để trang trải chi phí cho cuộc sống tối thiểu. Nếu họ có thêm vợ hoặc chồng, con, đặc biệt là sống ở các thành phố lớn thì khả năng khó khăn hơn rất nhiều.

Đại biểu Trịnh Minh Bình (Ảnh: QH).
"Như vậy không thể thu hút được người tài năng vào các cơ quan làm việc để cống hiến. So sánh với mức thu nhập thực tế ở các khu vực tư nhân, các tập đoàn đa quốc gia hay các doanh nghiệp khởi nghiệp thì chênh lệch thu nhập có thể gấp 3-10 lần", đại biểu dẫn chứng.
Đại biểu cho rằng, hệ số lương 2,34 không chỉ là con số, mà còn biểu hiện cho một cơ chế đãi ngộ đã lỗi thời qua 21 năm triển khai thực hiện, thiếu tính linh hoạt và không còn phù hợp với yêu cầu phát triển đội ngũ cán bộ chất lượng cao trong giai đoạn hiện nay.
Hiện nay, đã có nghị quyết về cải cách chính sách tiền lương với định hướng trả lương theo vị trí việc làm, chức danh, chức vụ và năng lực thực hiện nhiệm vụ. Tuy nhiên, đại biểu nhận thấy việc thực hiện triển khai còn chậm do nhiều nguyên nhân.
Vì vậy, đại biểu kiến nghị Quốc hội cần giám sát chặt chẽ tiến trình cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27, bảo đảm triển khai đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, từng bước xây dựng chế độ tiền lương gắn với vị trí việc làm, hiệu quả công việc và năng lực cá nhân cho phù hợp với bối cảnh hiện nay.
Cùng với nội dung trên, ông cũng cho rằng cần thiết gắn với việc đổi mới cơ chế tuyển dụng, trọng dụng và phát triển nhân tài trong khu vực công.
Tạo môi trường để công chức phát huy tài năng
Cũng thảo luận về nội dung này, đại biểu Dương Minh Ánh (Hà Nội) nhất trí với quy định giao cho Chính phủ quy định khung, cơ chế, chính sách thu hút, trọng dụng và đãi ngộ đối với người có tài năng làm việc trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội.
Trên cơ sở đó, các bộ, ngành, địa phương xác định những ngành, lĩnh vực cần ưu tiên, sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao trong từng giai đoạn và có chính sách thu hút, trọng dụng người có tài năng phù hợp với khả năng ngân sách và thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức theo phân cấp.

Đại biểu Dương Minh Ánh (Ảnh: QH).
Để giữ được người có tài năng làm trong khu vực công, đại biểu cho rằng Chính phủ và các bộ, ban, ngành cần nghiên cứu những chính sách thiết thực có ưu tiên đột phá hơn không chỉ về lương, thưởng, bảo hiểm, chính sách về nhà ở, chế độ nghỉ ngơi... mà còn cần môi trường làm việc thuận lợi và các điều kiện đảm bảo để họ có thể phát huy được tài năng.
Đại biểu cũng thống nhất về cơ chế ký hợp đồng có thời hạn và thuê khoán với các chuyên gia hoặc người có tài năng ở một số vị trí việc làm của cơ quan, tổ chức, đơn vị mà không nhất thiết phải tuyển dụng vào làm việc chính thức.
"Quy định này tạo được cơ chế mở và dành sự chủ động cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Tuy nhiên, Chính phủ cần có quy định rõ nguồn ngân sách chi cho nội dung trên", đại biểu kiến nghị.