Lượng công việc tăng gấp 5 lần, công chức tăng ca đến tối muộn
(Dân trí) - Ông Võ Tấn Quan, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Cát Lái, TPHCM cho biết, trước vấn đề khối lượng công việc tăng, phường đang phối hợp với các bên liên quan tối ưu hóa quy trình giải quyết...

Không còn cảnh “đúng giờ đến cơ quan, hết giờ xách cặp về”
Hơn 10h, Trung tâm phục vụ hành chính công phường Cát Lái (TPHCM) có rất nhiều người dân đến làm thủ tục. Ở quầy xử lý, chị Nguyễn Thị Tâm, chuyên viên lĩnh vực bảo trợ xã hội – văn hóa xã hội, tay trái cầm hồ sơ, tay phải gõ bàn phím, tập trung cao độ vào màn hình máy tính.


Dù được phân công mỗi lượt chỉ tiếp 1 công dân, nhưng thực tế, đôi khi nữ chuyên viên phải trả lời, tư vấn và xử lý thủ tục cho 2-3 người cùng lúc.
Trung bình mỗi ngày, chị Tâm tiếp nhận khoảng 27 hồ sơ tại quầy.
Ngoài ra, nữ công chức và đồng nghiệp còn phải tiếp nhận thủ tục trên hệ thống trực tuyến. Vậy nên cả khi không có công dân đến quầy, chị Tâm cũng làm việc không ngơi tay bởi vẫn còn hàng chục hồ sơ trên cổng dịch vụ công chờ được xử lý.
“Sau sáp nhập 4 phường cũ lại thành phường mới, địa bàn quản lý, khối lượng công việc của chúng tôi nhiều hơn trước. Thay vì đến cơ quan lúc 7h30 và ra về từ 17h, chúng tôi giờ phải đến sớm hơn 30 phút và tan ca muộn thêm vài tiếng”, chị Tâm nói.


Nhớ lại khoảng thời gian chuẩn bị cho giai đoạn chính thức vận hành bộ máy chính quyền 2 cấp, nữ công chức bộc bạch nhiều hôm, đội ngũ cán bộ, công chức phải tăng ca nhiều hơn. Thậm chí, có lúc đến tối muộn mới xong việc.
Ông Võ Tấn Quan, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Cát Lái, cho hay phường được hình thành từ việc hợp nhất các phường Cát Lái và Thạnh Mỹ Lợi (cũ), với quy mô dân số khoảng 68.000 người.
Sau sáp nhập, khối lượng công việc tăng so với trước. Trung bình mỗi ngày, Trung tâm phục vụ hành chính công tiếp nhận hơn 100 hồ sơ. Để tăng cường công tác giải quyết thủ tục hành chính, đơn vị đã bố trí thêm 15 cán bộ, phối hợp chặt chẽ với các phòng chuyên môn.

Ông Võ Tấn Quan, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Cát Lái (Ảnh: Nguyễn Vy).
“Trước khối lượng công việc tăng, chúng tôi đang và sẽ cố gắng hết sức, phối hợp với các bên liên quan tối ưu hóa quy trình giải quyết, cải thiện cơ sở vật chất trụ sở phục vụ người dân”, ông Võ Tấn Quan nói.
Tại Trung tâm phục vụ hành chính công phường An Khánh (TPHCM), số lượng người dân đến làm thủ tục hành chính cũng đông đúc từ đầu giờ sáng.
Theo ông Nguyễn Xuân Quỳnh, Phó chủ tịch UBND phường An Khánh, đơn vị có đặc thù là được sáp nhập từ 4 phường, với dân cư đông đúc khoảng 73.000 người và có nhiều người nước ngoài sinh sống.
Vì thế, ngoài nghiệp vụ chuyên môn, cán bộ của phường còn phải có kỹ năng giao tiếp tốt, thậm chí thành thạo ngoại ngữ để phục vụ người dân hiệu quả hơn.


“Sau sáp nhập, đơn vị chúng tôi tiếp nhận 362 thủ tục hành chính từ cấp huyện (TP Thủ Đức cũ). Khối lượng công việc của cán bộ tăng gấp 5 lần so với trước. Trung bình mỗi ngày, trung tâm tiếp nhận và xử lý 200 hồ sơ. Thậm chí, có cán bộ ở quầy hộ tịch – tư pháp phải xử lý 100 thủ tục hành chính/ngày. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn đảm bảo thời gian xử lý mỗi hồ sơ tối đa là 15 phút”, ông Quỳnh chia sẻ.
Phó chủ tịch UBND phường An Khánh bộc bạch do khối lượng công việc tăng, nhiều công chức tại đơn vị phải tăng ca đến tối muộn là chuyện bình thường. Song ai nấy đều vui vẻ cống hiến, hỗ trợ nhau hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Sáng 17/7, đoàn công tác của Vụ Địa phương 3, Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, do Vụ trưởng Nguyễn Huy Ngọc làm trưởng đoàn, đã có chuyến khảo sát tình hình thực hiện tại Trung tâm phục vụ hành chính công phường An Khánh và Cát Lái.
Nội dung của buổi khảo sát nhằm đánh giá về tình hình sau sáp nhập và hoạt động của bộ máy chính quyền 2 cấp. Tại buổi khảo sát, tình hình xử lý, giải quyết thủ tục tại các trung tâm phục vụ hành chính công diễn ra xuyên suốt, hiệu quả, nhận được sự phối hợp và đồng thuận cao của người dân.
Khẩn trương hoàn thiện hệ thống, đào tạo cán bộ
Ông Nguyễn Xuân Quỳnh cho biết để quy trình giải quyết diễn ra hiệu quả, ngay từ khi thành lập, đơn vị đã tiến hành rà soát đội ngũ cán bộ từ 4 phường cũ, lựa chọn những người có chuyên môn, kinh nghiệm trong lĩnh vực hành chính công để bố trí phù hợp.
Ngoài ra, đơn vị cũng cải thiện và đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng viễn thông, nổi bật là ro-bot hỗ trợ người dân lấy số thứ tự, tư vấn thủ tục, tiếp nhận ý kiến phản hồi, đánh giá…

Sáng 17/7, Vụ Địa phương 3, Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, do Vụ trưởng Nguyễn Huy Ngọc làm trưởng đoàn, đã có buổi khảo sát về tình hình sau sáp nhập và hoạt động của bộ máy chính quyền 2 cấp, tại Trung tâm phục vụ hành chính công phường An Khánh và phường Cát Lái (Ảnh: Nguyễn Vy).
“Về kiến nghị nhằm giảm tải cho bộ máy, đơn vị cũng đề xuất việc cho phép công chức tư pháp – hộ tịch được ủy quyền sao y, chứng thực. Hiện quy trình này vẫn phải do Chủ tịch UBND phường xét ký, tạo thêm khâu trung gian và tăng thời gian xử lý thủ tục cho người dân. Chúng tôi vẫn đang chờ Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp có hướng dẫn, để đơn vị đưa vào vận hành sớm”, ông Nguyễn Xuân Quỳnh nhận định.
Ông Võ Tấn Quan, Chủ tịch UBND phường Cát Lái, cũng chia sẻ rằng sắp tới, đơn vị sẽ khẩn trương đốc thúc cán bộ, công chức nỗ lực làm việc, phối hợp với nhau tốt hơn để đáp ứng nhu cầu giải quyết thủ tục lớn sau sáp nhập.
Đồng thời, đơn vị chủ động xem xét, đánh giá và bố trí lại các quầy tiếp nhận, giải quyết, trả hồ sơ sao cho tối ưu hóa hiệu quả, giảm tối thiểu thời gian xử lý thủ tục cho người dân.


“Hiện tại, các hồ sơ, thủ tục phải trình ký qua Chủ tịch UBND phường, nên hằng ngày, các cán bộ, công chức, đoàn viên hỗ trợ phải liên tục di chuyển từ trung tâm phục vụ hành chính công sang văn phòng Chủ tịch UBND.
Do đó, đơn vị mong thành phố cho phép bố trí nhân sự chuyên trách làm giám đốc trung tâm phục vụ hành chính công, có cơ chế phân quyền, giao quyền để xử lý kịp thời cho người dân và doanh nghiệp”, ông Võ Tấn Quan kiến nghị.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà từng nói, nhiệm vụ, quyền hạn của cấp xã mới rất nặng và sẽ còn tiếp tục nhận thêm thẩm quyền do cấp tỉnh phân cấp.
Sau khi Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) được Quốc hội thông qua, HĐND cấp xã có 27 nhiệm vụ, quyền hạn, tăng thêm 19 so với trước đó. HĐND phường có 29 nhiệm vụ, tăng 22, trong đó tiếp nhận 8 nhiệm vụ từ HĐND cấp huyện chuyển xuống, cùng với các nhiệm vụ sẽ được phân cấp, phân quyền của HĐND cấp tỉnh.
Với UBND cấp xã, nhiệm vụ, quyền hạn cũng được thiết kế lại theo hướng rõ hơn về pháp lý, cụ thể hơn về chức năng, linh hoạt hơn trong tổ chức thực hiện, phù hợp với thực tiễn mới. UBND cấp xã có hai chức năng chính được xác định rõ ràng: Cơ quan chấp hành của HĐND cấp xã và là cơ quan hành chính nhà nước thực hiện thi hành pháp luật tại địa phương.
So với quy định trước đó, nhiệm vụ, quyền hạn của UBND cấp xã tăng gấp đôi, với 10 nhóm nhiệm vụ cơ bản (phường là 11 nhóm). Đặc biệt, UBND cấp xã sẽ tiếp nhận 1.060 nhiệm vụ từ cấp huyện, cùng với khoảng 12 nhiệm vụ được phân cấp từ Trung ương và thêm các nhiệm vụ do UBND cấp tỉnh giao.


Khi nhận việc, cấp xã phải nâng chất lượng cán bộ. Kết luận 150-KL/TW ngày 14/4/2025 của Bộ Chính trị lần đầu đặt ra bộ tiêu chuẩn xuyên suốt từ trình độ tin học, ngoại ngữ đến năng lực hoạch định chính sách cho cán bộ xã sau sắp xếp. Do đó, yêu cầu nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở là vấn đề quan trọng cần phải thực hiện ngay.
Theo Nghị định 171 về đào tạo, bồi dưỡng công chức, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh được giao chủ trì biên soạn chương trình "Quản lý nhà nước cấp phòng ở cấp xã" với thời lượng 4 tuần. Trường chính trị tỉnh/thành phố đứng ra tổ chức lớp và cấp chứng chỉ - điều kiện bắt buộc đối với chủ tịch, phó chủ tịch và trưởng bộ phận chuyên môn xã.
Ảnh: Nguyễn Vy