Xóm trọ công nhân ngày giáp tết

Một mùa xuân nữa đang đến thật gần với chúng ta. Cái lạnh của Hà Nội thêm một chút sương mờ khiến cho những CN xa quê lại thêm nao lòng. Ai cũng mong sớm được về nhà để cùng chuẩn bị đón xuân bên gia đình. Trong đó, đa số CN đều đang háo hức “Tết sum vầy” thì một số CN khác, vì công việc nên phải ở lại làm việc.


Người đi làm, người về quê, xóm trọ công nhân trở nên buồn.

Người đi làm, người về quê, xóm trọ công nhân trở nên buồn.

Xóm trọ CN chờ tết

Tiết trời đang vào xuân, mọi người rất sôi động đi sắm tết, đường phố

Hà Nội luôn nhộn nhịp. Nhưng xóm trọ của CN bên KCN Bắc Thăng Long luôn bao trùm là một vẻ tĩnh lặng. Qua khảo sát của PV Báo Lao Động hầu hết các nhà trọ ở đây đều đóng cửa vì đi làm hoặc về quê sớm. Một số phòng trọ khác, có CN ở nhưng không khí tết dường như còn xa.

Bà Trần Thị Chiêm (chủ một khu nhà trọ tại thôn Bầu, xã Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội) cho biết: “CN ở đây chúng nó bận tối ngày, làm gì có tết. Ngày 12 tiếng, rồi làm ca, làm kíp. Gà gáy là đi làm, rồi tối mịt mới về, thời gian đâu mà sắm tết, mà trang trí tết cho phòng trọ. Đấy là chưa kể nhiều đứa CN đến tiền thuê phòng của tôi mà còn thiếu. Còn nhiều cháu khác thì cũng chỉ đi mua vài bộ quần áo về cho bố mẹ, con cháu thôi”.

Qua một số khu trọ khác, cũng không có gì là khá hơn. Các phòng trọ đều khóa cửa vì CN đi làm hoặc về quê. Định quay bước đi thì tôi bắt gặp hai bà cháu đang trông nhau. Hỏi chuyện thì được biết bà quê Ninh Bình lên đây trông cháu cho vợ chồng đứa con trai đi làm ở KCN.

Hỏi về lý do sao bà còn chưa về quê ăn tết thì bà nói phải đợi vợ chồng đứa con bà làm hết 28 rồi về cùng, chứ về trước thì không ai đưa về. Vì anh chị ấy đi làm cả ngày, có khi đêm muộn mới về. Thương con, bà bảo họ về quê làm ăn nhưng vì làm ở quê tiền ít chúng không chịu. Thế là chia ra, ông trông đứa lớn ở quê, còn bà lên đây trông đứa bé cho anh chị.

Nụ cười muộn

Khi đến giờ tan ca về phòng trọ với nhiều gương mặt phờ phạc sau một ngày làm việc vất vả của chị em CN. Nhiều người chỉ kịp mở cửa phòng, quăng chiếc túi rồi “ngã” xuống giường ngủ ngay vì mệt. Vừa gom đồ đi giặt, chị Nguyễn Thu Ngân (quê Thái Nguyên, đang làm việc tại Cty Panasonic) chia sẻ: “Những ngày gần tết vừa bận, vừa mệt, nhưng cứ nghĩ đến những ngày tết là tôi vui và có chút động lực. Dù sao thì mình cũng được về quê ăn tết với bố mẹ, bên chồng con. Chứ nhiều anh chị em CN phải ở lại làm tết, không được về. Buồn hơn”.

Xóm trọ công nhân ngày giáp tết - 2

Đi làm về công nhân tranh thủ mua quần áo tết ngay cổng A KCN Bắc Thăng Long.

Anh Lê Đại Dương (sinh năm 1988, quê ở Phú Thọ, đang làm CN tại Cty Shawa) cho biết về dự định tết của hai vợ chồng: “Năm nay nghỉ tết muộn, vợ chồng tôi quyết định sắm tết trên đường đi về quê, chứ ở đây thời gian ngủ còn không có, lấy đâu thời gian đi mua sắm. Cũng nghĩ là nghỉ muộn, CN lại về cùng một ngày nên chúng tôi đi xe máy về thôi. Dọc đường rồi mua đồ tết, không thì về nhà mua sắm. Ở khu trọ tôi, nhiều anh chị CN đã “hy sinh” tiền 7 ngày nghỉ phép để xin về quê sớm chuẩn bị tết vì nhà neo người, bố mẹ già. Còn vợ chồng tôi là út nên cứ làm việc đến ngày cuối cùng rồi về”.

Làm việc cả năm chỉ mong ngày tết về sum họp cùng gia đình. Nghĩ đến gia đình, nhiều CN quên hết sự mệt mỏi trong công việc. Chị Nguyễn Thanh Nga (quê Tuyên Quang, đang làm việc tại Cty Sei, KCN Bắc Thăng Long) tâm sự: “Nhà là nơi có bố mẹ, có người thân yêu của tôi. Sắp đến ngày về tết, tôi vui lắm. Hôm nào tôi cũng qua chợ Mun, mua vài thứ cho bố mẹ và mấy đứa cháu. Hôm nào mẹ tôi cũng gọi điện hỏi bao giờ về, rồi nghỉ đến bao lâu… Tôi thật sự hạnh phúc khi được quan tâm như thế”.

Tết này, con không về

Ngày tết đến gần, nhưng nhiều phòng trọ CN không khác gì ngày thường. Nhiều người không về quê sum họp để kiếm thêm tiền, hoặc vì lịch làm việc ở Cty hay nhiều lý do khác.


Công nhân giặt đồ chuẩn bị về nghỉ tết.

Công nhân giặt đồ chuẩn bị về nghỉ tết.

Anh Đức Tài (quê Sóc Sơn, Hà Nội, đang làm việc tại Cty Daiwa, KCN Bắc Thăng Long) là một trong số những CN ở lại kiếm việc làm thêm trong những ngày tết để kiếm thêm thu nhập. Khi nói chuyện, anh nghĩ tôi là một người đang cần lao động. Ánh mắt anh xìu xuống khi tôi nói không phải người đến tìm lao động.

Qua cuộc nói chuyện, anh tâm sự: “Tôi mới đi làm CN được hơn một tháng nay. Lương thì họ trả có nửa tháng, còn thì giữ lại. Thưởng tết chắc chắn không có rồi. Mà khi lên đây làm tôi có vay lãi để thuê nhà trọ và mua cái xe máy để làm phương tiện. Nên hai khoản đó nó dồn lên đầu, mới khó khăn. Tôi không muốn phiền đến bố mẹ, nên quyết định tết này không về để kiếm việc làm thêm tết, trả nợ. Nhưng tôi là người mới, không quen ai nên không biết làm việc gì. Thấy có mấy Cty tuyển bảo vệ nhưng lương rẻ quá. Tôi đã đăng tìm việc trên các trang mạng tìm việc làm, mong là sẽ có được công việc phù hợp tết này. Khi tôi nói không về quê ăn tết, mẹ tôi sụt sùi và nhắc tôi giữ sức khỏe”.

Cũng ở lại tết này để làm việc, anh Phan Tiến Phong (quê Nam Định, đang làm việc tại KCN Bắc Thăng Long) cho biết: “Tôi muốn kiếm nhiều tiền nên đã ở lại làm thêm dịch vụ tại Hà Nội. Tôi biết ngày tết rất quan trọng với mọi gia đình nhưng tôi muốn kiếm thêm chút tiền để ra giêng có thể sửa lại mái nhà cho bố mẹ”.

Không ít CN khi được hỏi, tết này có công việc lương cao liệu bạn có chấp nhận ở lại. Họ đều trả lời rằng sẽ ở lại. Vì hầu hết trong số họ gia cảnh đều khó khăn, cần tiền để trang trải nhiều việc trong cuộc sống.

Theo Báo Lao động