1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Mưu sinh chợ đêm ngày áp Tết

Xuân đã về! Nhưng ở góc khuất đâu đó vẫn còn những mảnh đời khó khăn. Vì gánh nặng mưu sinh, họ lặn lội hàng chục cây số trong đêm vắng, giá rét với mong muốn có cuộc sống đủ đầy và tương lai tươi sáng.


Ảnh minh họa từ internet

Ảnh minh họa từ internet

Mỗi người một hoàn cảnh

Đồng hồ điểm 12h đêm. Bắt đầu chuyển sang một ngày mới. Vợ chồng anh chị Trường - Huyền lại rong ruổi trên xe máy từ huyện Thanh Oai về chợ đêm Văn Quán (Hà Đông). Anh Trường bán rau xanh thuê, còn chị Huyền bán nước giải khát, đồ ăn nhẹ.

Chị Huyền tâm sự: Bán hàng ở chợ đêm dù vất vả nhưng cho thu nhập đủ để trang trải cuộc sống và tiết kiệm được đôi chút phòng khi trái gió trở trời nên hai vợ chồng không quản ngại khó khăn. “Xã hội phân công mỗi người một việc. Thôi thì cứ làm việc có ích cho xã hội, lại có tiền nuôi con ăn học là mừng rồi” - chị hồn hậu nói.

Ngồi bên cửa hàng xung quanh chất đầy rau, củ, quả, mới 30 tuổi nhưng chị Nguyễn Thị Minh (ở xã Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm) như ngoài 40 bởi quá vất vả. Ngoài trời rét hơn 10 độ C, trong khi mọi người đi chợ, quần áo, quàng khăn để tránh cái giá rét của mùa đông thì chị vẫn một manh áo mỏng, chân đi ủng bảo hộ. Chị Minh tâm sự, gia đình có 4 con nhỏ, đứa lớn nhất 9 tuổi, bé nhất 2 tuổi.

Ngày nắng cũng như mưa, chị và chồng đều dậy từ 2h sáng mua rau ở các xã lân cận, đổ buôn ở chợ Minh Khai. Hầu như năm nào cũng vậy, những ngày cận Tết lại càng vất vả hơn vì nhu cầu sử dụng nông sản của người dân tăng cao.

Anh chị phải dậy sớm hơn và đến nhiều nơi để lấy hàng. “Chị em ở chợ này mỗi người một hoàn cảnh, nhưng đa phần đều chỉ đủ ăn tiêu, nuôi các con ăn học. Cùng là kinh doanh các mặt hàng nông sản, thực phẩm, nhưng đi chợ đêm vất hơn nhiều so với các tiểu thương bán ở chợ dân sinh bởi mỗi ngày chỉ được ngủ từ 4 đến 5 tiếng mà không trọn giấc” - chị Minh nói .

Rời chợ đêm Văn Quán, chúng tôi đến chợ đầu mối hoa qủa ở Hà Đông. Vừa ngồi chốt sổ bán hàng đêm trước, chị Nguyễn Thị Thủy (quê ở Thường Tín) vừa tâm sự: Các tiểu thương và những người làm thuê ở chợ đêm có vất vả hơn làm các nghề khác, nhưng bù lại có thu nhập cao hơn, nhất là so với đi chợ bán lẻ hằng ngày.

Trong một năm buôn bán xuôi ngược, những người bán hàng hoa quả thường “bội thu” trong khoảng thời gian từ tháng Chạp đến hết tháng Giêng bởi nhu cầu của người tiêu dùng tăng cao. Trung bình mỗi ngày, chị bán buôn 30-50 tấn hoa quả các loại. “Mặc dù không giàu có song nhiều hộ tích cóp xây được nhà, hộ khá hơn có thể mua được ô tô tải để chở hàng. Vì vậy, tuy giờ giấc có thể không đúng với quỹ đạo sinh hoạt hằng ngày của con người nhưng chúng tôi đều thấy hài lòng với cuộc sống hiện tại của mình” - chị Thủy vui vẻ cho biết.

Tất cả cho con cái

Mặc dù phải đối mặt với không ít khó khăn, vất vả nhưng những người phụ nữ bán nông sản, thực phẩm ở chợ đêm vẫn rất lạc quan bởi phía sau họ là lớp con trẻ. Chị Nguyễn Thị Huyền vừa xếp những mớ rau xanh mơn mởn ra sạp vừa giãi bày, cuộc sống tuy còn khó khăn nhưng vợ chồng chị luôn mong ước các con được học đại học để sau này có việc làm ổn định.

Chị bảo: “Mỗi người một hoàn cảnh, trời cho mình sức khỏe, nên vẫn có thể kiếm sống từ đôi bàn tay và vun đắp cuộc sống gia đình, nuôi các con khỏe, ăn học đến nơi đến chốn”. Có lẽ vì mong mỏi ấy mà đêm đêm, chị quần quật bên gánh hàng rau ở chợ nhưng không thấy mệt mỏi.

Là người gánh hàng thuê, công việc của chị Nguyễn Thị Bé (quê ở Nam Định) cũng rất nhọc nhằn. Hằng ngày, chị vào các cửa hàng giày dép ở phố Hàng Khoai, Hồng Phúc, Hàng Gà… gánh thuê giày về chợ Đồng Xuân (quận Hoàn Kiếm) cho các tiểu thương.

Công việc quần quật, suốt từ sáng đến tối, hết chợ Đồng Xuân đến chợ đầu mối Long Biên nhưng chị không nản bởi mong có tiền gửi về quê nuôi bố mẹ già và 3 con ăn học. “Mình chỉ mong muốn các con thấy được cuộc sống vất vả của bố mẹ mà chịu khó học hành” - chị Bé tâm sự. Và sự tần tảo ấy đã được đền đáp. Con lớn chị đã thi đỗ vào đại học, con bé cũng học hành chăm ngoan.

Rời các chợ đêm khi trời đã sáng, cái lạnh se se phả vào mặt. Dư âm từ những tâm sự, mong mỏi bình dị của những người mưu sinh ở chợ đêm như làm lòng chúng tôi ấm lại.

Theo Ngọc Quỳnh/Báo Hà Nội mới