Vườn ca cao "hai tầng" độc lạ chỉ cho khách tham quan đã có tiền triệu
(Dân trí) - Là chủ vườn ca cao lớn nhất miền Tây, ông Vân không chỉ thu lợi từ bán trái mà còn kiếm được khoản tiền lớn từ những đoàn khách du lịch ghé thăm.
Vườn ca cao rộng 2 ha của ông Hồ Thanh Vân (58 tuổi, ngụ xã An Khánh, Châu Thành, Bến Tre) được các doanh nghiệp chế biến xem là khu vườn điển hình, có quy mô lớn nhất và quy trình chăm sóc tốt nhất ở miền Tây.
Ông Vân cho biết, năm 2004, được Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre tư vấn về mô hình trồng xen canh ca cao trong vườn dừa, ông đã mua 300 cây giống về trồng thử trên diện tích 0,3ha. Sau 3 năm, nhận thấy hiệu quả kinh tế, ông Vân đã mở rộng quy mô vườn ca cao như hiện tại.
Ông Vân kể, những năm 2000, giá dừa xuống thảm. Nhận thấy cây ca cao trồng xen được, không tốn đất, lại được hỗ trợ phân thuốc nên ông đã lựa chọn trồng theo phong trào. Trồng ca cao tuy lợi nhuận không nhiều nhưng ổn định, một ha mỗi năm lãi hơn 100 triệu đồng, giá bán gần 20 năm nay vẫn vậy.
Vườn có quả chín là người trồng gọi bên công ty đến mua hết. Hơn nữa, cây ca cao không tốn công chăm sóc, lại ít sâu bệnh hợp trồng quanh nhà.
Cây ca cao có ưu điểm là từ 2 năm bắt đầu cho thu hoạch, thời gian thu hoạch kéo dài hàng chục năm, không mất chi phí thay cây và chờ cây lớn như những loại cây trồng khác.
Tuy nhiên đến đầu những năm 2010, giá các trái cây khác như sầu riêng, bưởi da xanh lên cao nên nhiều người phá vườn ca cao đổi sang trồng cây khác. Năm 2015, hạn mặn khiến nhiều vườn ca cao chết nhiều, càng thêm nhiều người chán, chuyển đổi cây trồng.
"Tôi thì nghĩ trồng ca cao 2 năm đã cho trái, cây mấy chục năm mới phải thay, không như cây khác phải 3 năm mới cho trái, cho trái 5 năm lại phải thay cây. Dù ca cao lời không nhiều nhưng năm nào cũng có thu, không mất thời gian thay cây rồi chờ cây lớn.
Hơn nữa, nếu giữ lại trong khi mọi người phá bỏ thì vườn của mình là độc nhất, sẽ nhận được nhiều ưu đãi hơn. Đúng như tôi nghĩ, sau đợt sóng phá vườn ca cao thì bên công ty chế biến cho biết chỉ còn vườn tôi có quy mô đến 2 ha, là vườn nguyên liệu lớn nhất trong vùng" - ông Vân nói về những tính toán thời điểm đó.
Tình hình khá đúng với suy nghĩ của ông Vân. Nhờ ưu thế là mô hình điển hình, được doanh nghiệp chế biến ưu tiên đầu tư phân thuốc, khu vườn của ông được giao cho cả cán bộ kỹ thuật đến tư vấn thường xuyên để ông chăm sóc cây, quả theo quy trình chuẩn nhất, đảm bảo các tiêu chí sạch, chất lượng.
Hồi đó những ngày cuối tuần các công ty lại dẫn khách du lịch đến thăm vườn rất đông. Đoàn cứ trên 5 người thì ông Vân được trả 500 nghìn đồng, đoàn từ 10 người được trả một triệu đồng.
Theo ông Vân, khi trồng xen ca cao vào vườn dừa thì mức đầu tư phân, thuốc cũng không tăng lên nhiều, nhưng hoa lợi lại tăng gấp đôi. Ngoài ưu điểm ít sâu bệnh, quả ca cao lại chín rải rác, ngày nào cũng có quả chín chứ không tập trung theo mùa như cây trồng khác, quả chín cả tháng không hỏng nên người trồng cũng có đủ thời gian tự thu hoạch, đỡ tiền thuê mướn nhân công.
Sau 2 năm dịch bệnh, khu vườn ca cao của ông Vân chỉ được chăm sóc nhằm đạt sản lượng cao nhất. Khi lượng khách du lịch đang dần phục hồi, ông Vân dự định sắp tới sẽ nhờ kỹ sư tư vấn để cắt tỉa, tạo tán lại cho vườn, tạo hình ảnh đẹp phục vụ du khách.