Xen canh trồng cà phê và cây ăn quả, lão nông Gia Lai kiếm tiền tỷ mỗi năm
(Dân trí) - Khởi nghiệp từ bàn tay trắng, lão nông Nguyễn Văn Thiên (thôn 4, xã Ia Krai, huyện Ia Grai, Gia Lai) đã có gần chục ha đất. Mỗi năm, ông thu về hơn một tỷ đồng từ mô hình vườn cây ăn quả xen canh.
Năm 1986, ông Thiên rời vùng quê Tân Phong (huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương) để vào Tây Nguyên lập nghiệp. Từ nguồn vốn vay mượn, ông đã mua 8 sào đất ở mảnh đất biên giới xã Ia Krai (huyện Ia Grai, Gia Lai).
Với phương châm "lấy ngắn nuôi dài", ông Thiên đã đầu tư cà phê là cây chủ lực và xen canh cây ăn quả. Đến năm 1996, ông gom góp mua thêm 7 ha đất sản xuất.
Trước cảnh "được mùa, mất giá" cà phê liên tục xảy ra, ông Thiên đã khăn gói vào Đồng Nai để học hỏi về kinh nghiệm trồng các loại cây ăn quả. Sau nhiều đêm tính toán, lão nông mạnh dạn trồng xen sầu riêng và chôm chôm vào trong khu vườn cà phê của mình.
Trong những ngày đầu dựng cơ nghiệp, vợ chồng ông Thiên rất vất vả khi chưa nắm rõ kỹ thuật chăm sóc cây ăn quả và thiếu vốn đầu tư. Lúc này, ông đã tiếp cận vay vốn của ngân hàng chính sách để có tiền đầu tư trong thời gian cây đang sinh trưởng.
Từ năm 2005 trở đi, kinh tế gia đình ông bắt đầu cải thiện khi cây trồng đi vào giai đoạn thu hoạch chính. Riêng năm 2017, ông Thiên thu được 32 tấn cà phê nhân với bán được 1,2 tỷ đồng, trừ chi phí còn lãi khoảng 800 triệu đồng. Những cây ăn quả xen canh trong vườn cà phê của ông như hạt điều, chôm chôm cũng có thu hoạch để bù lại chi phí đầu tư vào cây cà phê.
Đặc biệt, vườn sầu riêng xen canh đã đem lại cho lão nông ở vùng đất đỏ bazan Gia Lai nguồn thu 800 triệu đồng từ việc bán 20 tấn quả. Sau khi trừ chi phí, ông thu lãi hơn 600 triệu đồng. Tính chung thu nhập trong năm 2017, gia đình ông đã thu về hơn 1,5 tỷ đồng.
"Để có được thành quả ấy, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Từ việc mua giống, kỹ thuật trồng, cách chăm sóc, các loại bệnh thường gặp trên cây… nói chung đủ mọi vướng mắc. Tôi đã đi khắp nơi để kết nối với các vựa trái cây của Tây Nguyên nhằm tìm đầu ra có giá thành tốt", ông Thiên bộc bạch.
Từ năm 2016 đến nay, vườn cây của gia đình ông phát triển khá tốt; thu nhập đều từ 1,3 - 1,5 tỷ đồng/năm.
Hiện ông Thiên đã dành gần 4 ha vườn để trồng cây ăn quả. Cây ăn quả được ông chọn thường được thương lái ưa chuộng như sầu riêng, chôm chôm, nhãn, quýt đường, na thái, vải… Hơn 3 ha còn lại, ông vẫn đang duy trì phát triển cây cà phê, cây trồng mang lại kinh tế chủ lực truyền thống của Tây Nguyên.
Theo quan điểm của ông Thiên, độc canh một loại cây không thể nâng cao thu nhập. Đồng thời, những rủi ro về nông nghiệp sẽ rất lớn. Chính vì vậy, mô hình đa canh, xen canh sẽ giúp cho người dân ổn định sản xuất, có nguồn vốn thu lại đều trong cả năm.
Từ thành công của mình, ông Thiên không ngần ngại, sẵn lòng chia sẻ với anh em, bà con xung quanh về kinh nghiệm trồng các loại cây trong vườn nhà.
Để có đầu ra ổn định cho thành quả của riêng gia đình cũng như bà con lối xóm, ông Thiên đã đứng ra thành lập HTX Nông nghiệp và Dịch vụ thôn 4 xã Ia Krai. HTX ra đời với mục đích để tiêu thụ, tìm đầu ra cho các sản phẩm như cà phê, điều, sầu riêng, chôm chôm.
"Hiện HTX đang hoàn thiện giấy tờ. Chúng tôi đang tìm và kết nối với các doanh nghiệp nhằm bao tiêu sản phẩm cho người dân. Khi chính thức đi vào hoạt động, HTX sẽ hướng đến các sản phẩm VietGap, hữu cơ để sau này khi bán ra thị trường giá cả sẽ ổn định hơn", ông Thiên phấn khởi nói.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Đức Tấn - Chủ tịch xã Ia Krai - nhận định: Hộ ông Thiên là một trong những hộ gia đình phát triển kinh tế tiêu biểu tại địa phương. Ông Thiên rất chịu khó học hỏi khắp nơi để thoát nghèo, làm giàu hiệu quả.
Mô hình trồng cà phê xen canh nhiều loại cây ăn quả đặc sản vùng gần chục ha của ông Thiên đã giải quyết được gần chục lao động thời vụ trong địa phương. Công việc được thuê chủ yếu là chăm sóc cây trồng với ngày công từ 200 - 250 nghìn đồng/ngày. Xã đang nhân rộng mô hình đa canh, xen canh như ông Thiên trên địa bàn.