Hậu Giang:
Trồng cây xen canh nuôi cá, "đút túi" cả tỷ đồng mỗi năm
(Dân trí) - Với diện tích 6,5ha bà Hằng trồng sầu riêng, bơ... làm cây chủ lực, cạnh đó bà trồng xen các cây ngắn ngày, dưới mương bà nuôi cá và ốc. Việc đa canh giúp nữ nông dân thu tiền tỷ mỗi năm.
Mạnh dạn bỏ trồng lúa, chuyển làm vườn
Dẫn PV thăm vườn, bà Võ Thị Hằng (47 tuổi, ở ấp 2, xã Vị Bình, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang) hào hứng giới thiệu mô hình đa canh gia đình áp dụng từ năm 2018 đến nay. Khu vườn đã và đang cho trái ngọt.
Bà Hằng cho biết, gia đình bà gắn bó với cây lúa hơn 20 năm nhưng chỉ đủ ăn, bà không thể lo nổi cho con cái ăn học. Năm 2015, sau khi tham quan mô hình trồng tiêu ở Kiên Giang, bà quyết định chuyển đổi toàn bộ số đất lúa của gia đình, lên liếp làm vườn trồng tiêu ôm tràm.
"Những năm đó, tiêu có giá khá cao, thị trường tiêu thụ rộng, mỗi một vụ tiêu tôi có thể lời trên 500 triệu đồng. Nhưng chi phí chăm sóc và thuê nhân công thu hoạch tốn kém rất nhiều. Mỗi năm, việc thuê nhân công lại khó hơn vì người dân địa phương đi làm xa hết cả, quê vắng lắm. Trồng tiêu được 3 năm, tôi mua giống cây ăn trái đặt xen trong vườn", bà Hằng nói thêm.
Ban đầu, bà Hằng chỉ mua giống trồng ba cây chủ lực là sầu riêng, bơ và mãng cầu xiêm. Mỗi loại cây ăn trái bà mua từ 300 đến 400 gốc, trồng theo khoảng cách, cây cách cây 7 - 8m. Trong thời gian chờ đợi cây lớn, bà Hằng mua thêm các giống cây nhanh cho thu hoạch như mít thái, hạnh (cây quất), ổi và trồng thêm mai vàng để tận dụng diện tích đất vườn, thu hoa lợi.
"Giữa mỗi cây sầu riêng hoặc cây bơ tôi sẽ trồng xen 2 cây mít. Sát mé bờ tôi "nhét" thêm vài nhánh hạnh hoặc ổi. Mấy loại cây này trồng khoảng 8 tháng đã có thu hoạch, số tiền lãi kiếm được, tôi đầu tư mua phân, thuốc chăm sóc các cây chủ lực", nữ nông dân U50 chia sẻ.
Bật mí bí quyết trồng được nhiều cây trên cùng diện tích, bà Hằng cho biết, từ lúc chuyển sang trồng tiêu bà đã chú trọng đến khâu cải tạo đất nền, ngoài xử lý vôi còn phải bón lót phân rơm phân chuồng để đất được tơi xốp, tuyệt đối không lót phân vô cơ vì sẽ nhanh làm đất chai sạn.
Đối với những cây lâu năm, bà chỉ bón phân hữu cơ riêng để cho cây phát triển cứng cáp, giúp rễ to khỏe, khi cây mang trái mới đủ sức nuôi. Còn với những cây ngắn ngày, bà ưu tiên bón phân vô cơ để mau thu hoạch.
"Mỗi tuần một lần, chồng tôi đều vét bùn dưới mương bồi đắp mô cây để mô cao hơn, rộng hơn. Lớp bùn này còn giúp bổ sung thêm nhiều dưỡng chất cho cây phát triển tốt", bà Hằng nói thêm.
Nhờ cách làm này, hiện số cây trong vườn của bà Hằng đã phát triển tốt và cho thu hoạch đúng dự kiến. Mít thái đã cho trái hơn 2 năm, cứ nửa tháng bà cắt 2 đến 3 tấn mít, giá từ 35.000 đến 40.000 đồng/kg.
Trong vườn, bơ sáp đã cho lứa trái đầu tiên từ tháng 4/2021. Với 300 gốc bơ, bà thu hoạch hơn 2 tấn trái, giá bán 30.000 đồng/kg. Riêng với 400 gốc sầu riêng và 350 gốc mãng cầu xiêm, bà đã xử lý ra hoa, dự kiến trong năm 2022 sẽ có thể thu hoa lợi.
Dù chỉ mới khởi đầu nhưng trong 2 năm qua, bà Hằng có thể thu lợi kha khá từ mô hình lấy ngắn nuôi dài. Trừ hết chi phí, bà bỏ túi 1,1 tỷ đồng/năm.
Nữ nông dân làm du lịch, thương mại điện tử
Ngoài làm giàu cho bản thân, trong thời gian qua, bà Hằng đã giúp cho 15 hộ ở địa phương thoát nghèo, tạo việc làm thường xuyên cho 150 lao động với mức thu nhập ổn định từ 5 triệu đồng/tháng.
Với sự cố gắng không ngừng, trong những năm qua, bà Hằng đều được tỉnh Hậu Giang tặng bằng khen biểu dương hoạt động sản xuất. Đặc biệt, trong năm 2021 bà vinh dự được chọn làm đại diện nông dân toàn tỉnh được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trao tặng danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2021" trong chương trình "Tự hào Nông dân Việt Nam".
Chia sẻ về thành công của mình, bà Hằng tâm sự, trước khi chuyển đổi sang giống cây nào, bà đều chủ động học hỏi, tham quan nhiều mô hình thực tế để biết cách canh tác đạt hiệu quả cao. Tới đây, bà sẽ đưa cây ăn trái vườn nhà lên sàn thương mại điện tử.
"Hướng đi này giúp người nông dân vừa có thể chủ động tiêu thụ nông sản vừa từng bước chuyển đổi kinh doanh theo hình thức mới trên môi trường số", bà Hằng cho biết.
Cũng theo nữ nông dân, khi cây trồng có thu hoạch ổn định, bà sẽ mở cửa vườn đón khách tham quan, thúc đẩy du lịch địa phương.
Nhận xét về bà Võ Thị Hằng, ông Châu Minh Tiến - Chủ tịch Hội nông dân tỉnh Hậu Giang cho biết, bà Hằng là một tấm gương lao động tiêu biểu của hội viên nông dân trong tỉnh. Nhờ mạnh dạn thay đổi cơ cấu cây trồng từ lúa sang tiêu và các loại cây ăn trái, bà Hằng đã gây dựng đời sống kinh tế của gia đình khấm khá hơn.
"Việc đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử đang là định hướng chung của tỉnh. Bà con sẽ tham gia vào tổ hợp tác và hợp tác xã, chúng tôi sẽ tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng và công nghệ sản xuất… để từng nông hộ áp dụng vào mô hình của mình", ông Tiến nói thêm.