Việt Nam đang rất "khát" nhân sự CNTT cấp cao

Đó là chia sẻ của bà Nguyễn Thị Hằng, nguyên Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tại buổi "Giao lưu với các kỹ sư CNTT tương lai" mới được tổ chức tại trường Đại học Đông Đô.

Tại buổi giao lưu với các sinh viên trường Đại học Đông Đô, bà Hằng đã chỉ ra rằng, ngành CNTT nói chung và lĩnh vực phần mềm nói riêng của Việt Nam đang rất thiếu nhân sự, đặc biệt là các nhân sự cấp cao. Mặc dù lượng nhân lực trong các lĩnh vực này hàng năm được các trường, trung tâm đào tạo ra khá nhiều nhưng chỉ một phần trong số đó đáp ứng được yêu cầu từ phía doanh nghiệp.

Bà Hằng cho biết, xu hướng đào tạo hiện nay thường tập trung quá nhiều vào lĩnh vực phần cứng mà chưa có sự quan tâm cần thiết cho lĩnh vực phần mềm. Nguyên Bộ trưởng cũng chia sẻ về những gì bà được thấy trong những chuyến làm việc nước ngoài, tại đó, các công việc có liên quan tới phần cứng trong CNTT, vai trò của robot đang thay thế con người ở hầu hết các công đoạn và tương lai là sẽ thay thế được toàn bộ.
Bà Nguyễn Thị Hằng, nguyên Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH: Việt Nam đang rất cần kỹ sư phần mềm cao cấp

Bà Nguyễn Thị Hằng, nguyên Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH: Việt Nam đang rất cần kỹ sư phần mềm cao cấp

Chính vì vậy, những sinh viên trên ghế trường đại học nên xem xét đầu tư học hỏi ở lĩnh vực phần mềm, bởi nhu cầu công việc đang là rất cao cho hiện tại và kể cả là trong nhiều năm tới. Đặc biệt, khi Việt Nam hội nhập với quốc tế qua nhiều Hiệp định hợp tác sẽ tạo điều kiện cho thị trường lao động trình độ cao mở rộng, tuy nhiên vẫn đang thiếu rất nhiều kỹ sư thực hành là người trong nước.

Bà Hằng cũng lưu ý thêm, hiện tại, Nhật là một trong những quốc gia có nhu cầu lớn đối với lĩnh vực gia công phần mềm mà trong đó, các đối tác là doanh nghiệp Việt Nam đang được ưu tiên hợp tác. Chính vì vậy, bên cạnh tiếng Anh, việc có thêm tiếng Nhật cũng là "điểm cộng" trong mắt nhà tuyển dụng đối với sinh viên khi xin việc làm sau khi ra trường.

Cùng quan điểm như vậy, ông Nguyễn Thanh Hải, Phó trưởng Khoa phụ trách Hợp tác Quốc tế, trường Đại học Đông Đô cũng cho rằng, việc định hướng học sinh vào lĩnh vực phần mềm thông qua các chương trình giảng dạy trình độ cao, kết hợp với giáo trình quốc tế sẽ tạo hành trang tốt cho sinh viên trong quá trình tìm kiếm việc làm sau này.

Tiêu biểu như chương trình đào tạo hợp tác đào tạo nước ngoài của khoa CNTT của trường, đang sử dụng quy trình quản lý, giáo trình, học liệu theo chuẩn CMM Level 5 của Học viện CNTT Quốc tế Nitt Ấn Độ. Bên cạnh đó đội ngũ chuyên gia của Học viện uy tín hàng đầu thế giới trong lĩnh vực giảng dạy CNTT cũng tham gia giúp đỡ, giảng dạy cho sinh viên theo học.

Ngoài ra phía đối tác Nhật Bản của trường cũng hỗ trợ giáo trình, học liệu, hỗ trợ thư viện online, đặc biệt là hỗ trợ việc làm tại Nhật Bản và tại các doanh nghiệp của Nhật Bản ở Việt Nam. Đồng thời sinh viên sẽ được học song song cả 2 thứ tiếng Anh - Nhật nhằm chuẩn bị đầy đủ cho sinh viên để sau khi ra trường có thể làm việc tốt tại các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước mà không phải đào tạo lại, ông Hải chia sẻ.

Cũng tại buổi Giao lưu này, đại diện các hãng phần mềm lớn trong nước như Gameloft, Websosanh, Misa, Ominext đã chia sẻ về cơ hội làm việc dành cho sinh viên còn đang học cũng như sau khi ra trường. Đại diện các hãng đều cho rằng việc sử dụng tốt tiếng Anh, đặc biệt là tiếng Nhật sẽ giúp ứng viên có cơ hội rất lớn để được tuyển dụng.
Theo Báo Kinh tế đô thị

Mọi thông tin, ý kiến đóng góp cho chuyên mục Việc làm, quý độc giả có thể gửi đến địa chỉ email vieclam@dantri.com.vn. Xin trân trọng cảm ơn!