Hội nhập kinh tế Asean: Đừng quên chất lượng nguồn nhân lực
(Dân trí) - "Việt Nam cần gấp rút cải thiện chất lượng của nền giáo dục và đào tạo ở các trường trung học phổ thông và dạy nghề. Điều này nhằm đáp ứng tốc độ tăng trưởng việc làm nhanh chóng cho nhóm lao động kỹ năng trung bình khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) ra đời vào cuối năm 2015".
Nghiên cứu cho thấy sự chuyển đổi cơ cấu dưới tác động của hội nhập AEC sẽ tạo ra nhu cầu ngày càng tăng đối với các trình độ kỹ năng khác nhau. Trong đó, nhu cầu đối với trình độ kỹ năng trung bình sẽ tăng nhanh nhất, theo sau là các công việc có kỹ năng thấp.
Các tính toán trong dự báo cho thấy, trong giai đoạn 2010 - 2025 nhu cầu đối với lao động có trình độ kỹ năng ở mức trung bình sẽ tăng 28%, so với mức tăng 23% ở lao động có trình độ kỹ năng thấp và 13% cho lao động có kỹ năng cao.
“Với tỉ lệ biết chữ cao và các thành quả đạt được trong lĩnh vực giáo dục cơ bản, Việt Nam đã sẵn sàng đáp ứng nhu cầu về lao động có trình độ kỹ năng thấp nhưng Việt Nam cần nỗ lực nhiều hơn để có thể chuẩn bị cho những việc làm cần kỹ năng trung bình” - ông Gyorgy Sziraczki, Giám đốc ILO Việt Nam, cho biết.
Tỷ lệ người dân biết chữ của Việt Nam ở mức cao, đạt 93% và tỷ lệ phổ cập giáo dục tiểu học đạt 98%. Trong chương trình đánh giá học sinh quốc tế PISA, học sinh Việt Nam lứa tuổi 15 đạt điểm cao hơn mức trung bình của các nước OECD ở các môn toán và khoa học, cho thấy thành tích học tập của học sinh cấp trung học cơ sở ở Việt Nam ở mức cao.
Tuy nhiên, một cuộc khảo sát của Ngân hàng Thế giới đối với người sử dụng lao động trong năm 2014 cho thấy một vấn đề khác về khía cạnh thực hành.
Khoảng trống trong các kỹ năng chuyên môn liên quan đến công việc, các kỹ năng nhận thức như giải quyết vấn đề và tư duy phản biện, và các kỹ năng cốt lõi như làm việc theo nhóm và giao tiếp.
“Khoảng cách kỹ năng vẫn còn tồn tại giữa nhà trường và nơi làm việc. Vì thế, việc thu hẹp khoảng cách và đáp ứng nhu cầu về kỹ năng trong tương lai thông qua thúc đẩy hợp tác chặt chẽ giữa doanh nghiệp và giáo dục, cũng như sự tham gia của doanh nghiệp trong việc phát triển các chuẩn kỹ năng và chương trình đào tạo là hết sức quan trọng” - Giám đốc ILO Việt Nam cho biết.
Các kiến nghị khác được đưa ra trong báo cáo nhằm giúp Việt Nam đáp ứng được sự tăng trưởng việc làm đòi hỏi kỹ năng trung bình bao gồm việc gắn kết quy hoạch kinh tế và nhân lực, chứng nhận kỹ năng và tăng cường quan hệ đối tác giữa các cơ sở đào tạo với doanh nghiệp.
Theo dự báo, với sự mở rộng của các ngành dệt may, xây dựng và vận tải, việc tập trung vào phát triển các kỹ năng nghề cụ thể cùng với thúc đẩy nghiên cứu khoa học kĩ thuật sẽ giúp lao động trẻ Việt Nam có được sự chuẩn bị cho tương lai gần.
Báo cáo của ILO/ADB xem xét tác động của AEC vào thị trường lao động thông qua các mô hình mô phỏng và phân tích chính sách thực tế, với mục đích cung cấp các khuyến nghị chính sách dựa trên bằng chứng hướng tới việc làm tốt hơn và tăng trưởng bao trùm và cân bằng.
Báo cáo nhấn mạnh các ưu tiên chính để giải quyết những cơ hội và thách thức của AEC về tăng cường cơ chế hợp tác khu vực, hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu và nâng cao chất lượng việc làm, tăng cường phát triển kỹ năng nghề, nâng cao năng suất và tiền lương, và quản lý lao động di cư.
Hoàng Mạnh
Báo cáo thị trường lao động mới tập trung vào kỹ năng Với sự hỗ trợ của ILO, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) sẽ xây dựng báo cáo hàng năm với tựa đề “Xu hướng thị trường lao động Việt Nam: Báo cáo thường niên của VCCI” kể từ năm nay trong khuôn khổ dự án mới được khởi động ở Hà Nội. Báo cáo sẽ được đưa ra vào tháng 12 hàng năm, tập trung vào từng chủ đề cụ thể. Báo cáo năm 2015 sẽ nhấn mạnh vào các vấn đề liên quan đến kỹ năng trong mối tương quan với năng suất lao động, nhằm mục đích hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp nắm bắt các cơ hội từ quá trình hội nhập, bao gồm AEC, Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) và các hiệp định thương mại với EU. Nhìn chung, dự án nhằm mục đích hỗ trợ VCCI xây dựng báo cáo chất lượng cao dựa trên bằng chứng và đưa ra các khuyến nghị về các vấn đề liên quan đến thị trường lao động, đồng thời nâng cao năng lực cho cán bộ VCCI về các phương pháp nghiên cứu khảo sát, phân tích và thực hiện báo cáo định kỳ trong tương lai. |