Doanh nghiệp CNTT Việt: Nguy cơ phải thuê nhân lực nước ngoài!
Dự báo trong vòng 6 - 7 năm tới, Việt Nam sẽ thiếu gần 500.000 nhân lực làm công nghệ thông tin, theo đó các doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam không còn cách nào khác là buộc phải đưa cơ hội việc làm ra nước ngoài.
Cảnh báo này được đưa ra trong bối cảnh vừa qua, Việt Nam được các tổ chức quốc tế xếp hạng nhất về khả năng được đối tác quốc tế tín nhiệm giao việc (tức là DN CNTT Việt Nam ngày càng có nhiều đơn hàng lớn) thì lại lâm vào cảnh không biết làm thế nào để có người làm. Vì vậy, để đáp ứng được yêu cầu của tình hình mới, các DN không còn cách nào khác là buộc phải đưa cơ hội việc làm ra nước ngoài.
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT, chia sẻ FPT là một ví dụ cho câu chuyện thiếu nguồn nhân lực CNTT. Cụ thể, theo ông Bình, vì không có đủ nhân lực để đáp ứng việc mở rộng quy mô nên đã phải ra nước ngoài để tuyển dụng. Gần đây, FPT đã mở nhiều trung tâm, văn phòng tại nước ngoài, tuyển dụng hàng nghìn lao động từ Myanmar, Slovakia, Philippines…
Ông Bình cũng phân trần lí do FPT phải làm vậy là vì thị trường Việt Nam quá thiếu lao động nên DN phải ra nước ngoài để tìm nguồn đáp ứng nhu cầu công việc. "Tôi cảm thấy rất tiếc vì đây có thể là cơ hội đổi đời cho bao nhiêu thanh niên Việt Nam. Nếu không có hướng giải quyết cho hiện trạng thiếu hụt nhân lực thì rất nhiều cơ hội việc làm sẽ không đến với Việt Nam mà đến với các dân tộc khác trên thế giới", ông Bình chia sẻ.
Việc thiếu hụt nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao cũng được Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son thừa nhận, đó là chất lượng và số lượng nhân lực trong lĩnh vực CNTT mặc dù được cải thiện nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế trong tình hình mới. Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cũng cho rằng, khả năng ứng dụng CNTT vào quản trị cơ quan, DN Việt Nam còn hạn chế so với các nước tiên tiến trong khu vực, đặc biệt trong các lĩnh vực thiết yếu của đời sống xã hội…
Trong khi đó, cơ chế ưu đãi, hỗ trợ cho các doanh nghiệp CNTT chủ yếu vẫn chưa có tính đột phá, chưa đóng vai trò là động lực kích thích phát triển cho ngành.
Tiếp đó, cùng với sự thiếu hụt nhân lực chất lượng cao, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cũng bày tỏ sự không hài lòng khi trong năm 2014, Chính phủ điện tử của Việt Nam bị Liên Hợp Quốc đánh giá tụt hạng tới 19 bậc, trong đó đáng quan tâm nhất là sự phát triển dịch vụ công điện tử của Việt Nam còn chậm.
Dịch vụ công, khó cung ứng
Tính đến cuối năm 2013, Việt Nam có hơn 104.000 dịch vụ công trực tuyến các loại, nhưng số dịch vụ cấp 1 và 2 đã chiếm tới hơn 101.000. Chỉ có vẻn vẹn 2.366 dịch vụ công cấp độ 3 và 111 dịch vụ công cấp độ 4. Như vậy, rõ ràng, các dịch vụ công phức tạp, cấp độ cao mới chỉ chiếm một tỷ lệ rất không đáng kể.
Dẫn ra sự yếu kém dịch vụ công trực tuyến, Phó Thủ tướng nêu ví dụ chẳng hạn như bảo hiểm y tế đang chi trả tới 50.000 tỷ đồng/năm. Việc không ứng dụng CNTT có thể để xảy ra thất thoát, và nếu chỉ cần một vài phần trăm số liệu không minh bạch thì số tiền này sẽ lên tới bao nhiêu. Bộ Xây dựng cũng đang muốn thiết lập hệ thống cấp giấy phép xây dựng qua mạng trên toàn quốc để khắc phục các khó khăn và bất cập trong việc cấp giấy phép.
Nhu cầu là vậy, tuy nhiên dưới góc độ là một DN đang nhận triển khai các dự án CNTT trong lĩnh vực dịch vụ công, ông Phạm Minh Tuấn, Tổng giám đốc công ty Hệ thống thông tin FPT, cũng chia sẻ rằng FPT đã gặp phải rất nhiều khó khăn khi tham gia vào dự án thuê dịch vụ công của cơ quan quản lý nhà nước. Đầu tiên là câu chuyện thiếu cơ chế, bởi lẽ cơ quan nhà nước đã quen với việc đầu tư CNTT, nay lại là đi thuê lại dịch vụ CNTT của DN mà đây lại vấn đề mới nên căn cứ pháp lý không đầy đủ. Dẫn tới, hình thức thuê CNTT để quản lý dịch vụ công vẫn chưa được cơ quan nhà nước mặn mà sử dụng.
Như vậy, có thể thấy dù thuê dịch vụ công là một cơ hội lớn được cộng đồng DN trông chờ nhưng thực tế lại chưa tạo được bước tiến như kỳ vọng. Điều này có thể dẫn tới, "nếu chính sách của chúng ta không tốt, rất có thể DN ngồi ở Việt Nam làm việc nhưng lại mở DN, đóng thuế ở nước khác", Phó Thủ tướng Đam cảnh báo.
Do vậy, theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, cần căn cứ vào xếp hạng Chính phủ điện tử do Liên hợp quốc công bố, căn cứ vào những dịch vụ công đang cung cấp, Chính phủ phải đề ra một quy định có tính bắt buộc, yêu cầu các Bộ, ngành phải cung cấp, tạo thành một phong trào ngoài xã hội. Các cơ quan nhà nước khi đứng trước yêu cầu bắt buộc phải cung cấp dịch vụ cấp độ 3 và 4, cộng với cơ chế thuê ngoài dịch vụ đã được khơi thông thì bài toán sẽ được giải quyết.
Cùng với đó là phải thay đổi tư duy không chỉ cơ quan nhà nước mà ngay cả chính cộng đồng CNTT. "Nếu như trước đây, cơ quan nhà nước luôn phải lập dự án thì ngày nay, họ chỉ cần nêu đề bài để DN tự tính toán đáp ứng. Về phần mình, các DN CNTT cần tránh tư tưởng cung cấp một lần là xong, ăn xổi ở thì. Họ cũng cần chủ động hơn, không đợi người ta mời thầu mới tìm đến mà phải căn cứ vào hiểu biết của mình, chủ động tiếp cận các cơ quan nhà nước để chào hàng. DN hãy đi trước vào những dịch vụ được Nhà nước khuyến khích", Phó Thủ tướng chỉ đạo.
Như vậy, có thể thấy ngay bây giơ, giới CNTT Việt Nam cần phải thay đổi, không chỉ DN thay đổi mà cơ quan nhà nước cũng cần phải thay đổi tư duy. Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, "những việc khác chúng ta có thể làm chậm lại, nhưng CNTT với tốc độ phát triển như hiện nay nếu chúng ta nhỡ 1 ngày, 1 tuần thì sẽ chậm hơn người khác đến 1 năm".
Ông Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Chính Phủ. Câu chuyện cải thiện môi trường kinh doanh đã được bàn đến từ lâu, nhưng phải đến Nghị quyết 19 mới tạo được một không khí thay đổi mạnh mẽ. Do vậy, để tiếp tục khuyến khích, thậm chí là tạo ra một sức ép chung cho các Bộ, ngành, địa phương nhiệt tình với ứng dụng CNTT hơn nữa, Chính phủ cần đưa ra một lộ trình mang tính bắt buộc, minh bạch và cụ thể, theo hướng: Cái gì, lĩnh vực nào liên quan nhiều đến người dân nhất thì phải tập trung làm trước. Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT. Trước đây, khi Internet ra đời đã xóa nhòa biên giới không gian và thời gian, khiến thế giới của chúng ta như phẳng hơn. Giờ đây, với sự bùng nổ của nền tảng công nghệ SMAC và xu hướng IoT khiến thế giới của chúng ta trở lên nhanh hơn bao giờ hết, và dường như không còn có sự giới hạn về tốc độ. Lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, các quốc gia đi sau có cơ hội nắm bắt CNTT để tăng tốc phát triển với tốc độ không hạn chế. Đây là cơ hội tuyệt vời để Việt Nam tăng tốc phát triển. |