1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Vì sao có sự chênh lệch trong đề xuất tăng lương tối thiểu vùng?

Giới doanh nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã đưa ra đề xuất tăng lương tối thiểu vùng với sự chênh lệch, khác biệt nhau.

Vì sao có sự chênh lệch trong đề xuất tăng lương tối thiểu vùng?

Hội đồng Tiền lương quốc gia hiện đang trong quá trình thương thảo về mức lương tối thiểu năm nay và dự kiến sẽ sớm chốt mức tăng vào phiên họp thứ tuần tới. Không chỉ người lao động, các doanh nghiệp cũng rất quan tâm đến điều này bởi mức lương tăng lên sẽ quyết định đến nhiều chi phí khác.

Đại diện giới doanh nghiệp đã đề xuất không nên tăng hoặc nếu tăng chỉ nên 2% vì nếu không, doanh nghiệp sẽ không đủ sức chịu đựng.

Trong khi đó, phía đại diện người lao động là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất tăng 8%, nhằm chấm dứt việc tiền lương tối thiểu không đủ chi cho mức sống tối thiểu.

Phía Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - đại diện cho chủ sử dụng lao động - đề nghị tăng 5% vì phải tính tới lao động thực tế, chỉ số trượt giá, chất lượng việc làm và khả năng chi trả của doanh nghiệp.

Ông Phạm Minh Huân - Nguyên Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia - cho rằng: "Đề xuất mức tăng lương khác nhau như vậy xuất phát từ cách tiếp cận khác nhau giữa các bên. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chỉ muốn nhấn mạnh đến yếu tố đảm bảo mức sống cho người lao động. Còn VCCI và hiệp hội các doanh nghiệp lại nhấn mạnh đến những khó khăn, thách thức trong quá trình hội nhập, cạnh tranh. Điều này một phần còn xuất phát từ nghệ thuật thương lượng, giữa một bên đưa ra đề xuất cao hơn và một bên đưa ra đề xuất thấp hơn. Sau đó, trong quá trình thương lượng, các con số mới dần được điều chỉnh hợp lý hơn".

Theo VTV.VN