1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Về làng quê có truyền thống hơn 100 năm làm nghề "xỏ lá"

Xuân Sinh

(Dân trí) - Hơn 100 năm qua, thôn Thống Nhất của xã Việt Tiến (Thạch Hà, Hà Tĩnh) nổi tiếng với nghề làm nón lá Ba Giang. Qua nhiều thăng trầm, hàng chục hộ dân nơi đây vẫn sống được với nghề.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Hướng, Chủ tịch UBND xã Việt Tiến (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) giải thích cách nói khác của nghề làm nón: "Nghề làm nón nhưng người dân hay gọi vui là nghề "xỏ lá". Vì khi làm nón có công đoạn xâu, luồn những chiếc lá tơi vào 2 vành nón để ráp khuôn. Sau đó mới tiến hành may những đường chỉ, để cố định lá tơi với vành nón nên người dân gọi vui là nghề xỏ lá. Văn hóa của mình thì "xỏ lá" nghĩa là nói dối, nên khi nói là nghề "xỏ lá" ai cũng buồn cười".

Để làm được những chiếc nón lá đẹp và bền là một nghệ thuật. Nghề đòi hỏi người làm cần có sự tỉ mỉ, công phu, chăm chút cho từng công đoạn. Vật liệu chính để làm nón là tre, nứa, sợi cước và quan trọng nhất là lá tơi, lá cây cọ. Lá tơi, lá cây cọ được lấy từ rừng ở các vùng huyện Cẩm Xuyên, Kỳ Anh (Hà Tĩnh).

Về làng quê có truyền thống hơn 100 năm làm nghề xỏ lá - 1

Làng làm nghề nón lá Ba Giang (thôn Thống Nhất, xã Việt Tiến) có truyền thống hơn 100 năm (Ảnh: Xuân Sinh).

Lá dùng để làm nón được phơi khô, sau đó sẽ hơ trên nồi than nóng, kéo đi kéo lại, rồi dùng khăn ướt miết cho phẳng. Công việc này khá cầu kỳ và cũng là khâu quan trọng, quyết định đến độ bền và tính thẩm mỹ của chiếc nón.

Sau đó sẽ đến công đoạn làm vành nón. Vành nón hình tròn được làm bằng tre. Mỗi chiếc nón thường có khoảng từ 15 đến 20 vành với kích thước lớn nhỏ khác nhau.

Sau khi chuẩn bị xong các vật liệu, người thợ sẽ cho các vành nón vào chiếc khung hình tháp để định hình. Tiếp đến là công đoạn xếp, xâu lá tơi, lá cọ vào vành nón, rồi dùng sợi cước nhỏ để khâu cố định lại.

Về làng quê có truyền thống hơn 100 năm làm nghề xỏ lá - 2

Khi làm nón có công đoạn là xâu, luồn những chiếc lá tơi vào 2 vành nón để ráp khuôn, nên người dân hay gọi vui là nghề "xỏ lá" (Ảnh: Xuân Sinh).

Đối với những người thợ lành nghề, mỗi ngày có thể làm được 2-3 chiếc nón. Giá bán mỗi chiếc hiện nay khoảng từ 50.000-70.000 đồng tùy loại.

Bà Nguyễn Thị Lan (SN 1953, ở thôn Thống Nhất, xã Việt Tiến, huyện Thạch Hà) làm nghề nón từ năm 15 tuổi. Nhờ công việc làm nón mà gia đình có tiền nuôi 4 người con ăn học.

"Từ thời ông bà của chúng tôi đã làm nghề này, đến giờ phải hơn 100 năm rồi. Công việc này không khó, nhưng đòi hỏi phải có sự cẩn thận, khéo léo. Đây cũng là công việc mang lại nguồn thu nhập chính cho người dân nơi đây. Trung bình một tháng, mỗi người thu nhập khoảng 2-3 triệu đồng từ công việc này", bà Lan cho biết.

Về làng quê có truyền thống hơn 100 năm làm nghề xỏ lá - 3

Những người đang duy trì làm nghề chủ yếu là người trung tuổi và lớn tuổi (Ảnh: Xuân Sinh).

Cũng theo bà Lan công đoạn chuẩn bị lá để làm nón là quan trọng nhất, quyết định đến tính thẩm mĩ, cũng như độ bền của chiếc nón. Lá dùng để làm nón phải đảm bảo vừa trắng sáng, vừa mềm dẻo.

Ông Nguyễn Đăng Tự (SN 1952, thôn Thống Nhất, xã Việt Tiến) cho biết thêm, phần nguyên liệu được người dân mua và chuẩn bị từ trước, nên có thể bắt đầu công việc bất cứ lúc nào.

"Ngày hay đêm, mùa mưa hay mùa nắng chúng tôi đều có thể làm được công việc này. Nói chúng là rảnh rỗi lúc nào thì làm lúc đó. So với trước đây, thì nguồn thu từ nghề làm nón có giảm do nhu cầu ít lại. Nhưng đây là công việc khá tốt, phù hợp với mọi lứa tuổi, nhất là những người lớn tuổi như chúng tôi", ông Tự cho biết.

Về làng quê có truyền thống hơn 100 năm làm nghề xỏ lá - 4

Làm nón không đòi hỏi nhiều sức lực nhưng cần sự khéo léo (Ảnh: Xuân Sinh).

Theo ông Nguyễn Văn Hướng, Chủ tịch UBND xã Việt Tiến, làng nghề nón lá Ba Giang có từ hơn 100 năm trước. Xa hiện có hơn 54 hộ dân với khoảng 130 lao động ở thôn Thống Nhất duy trì nghề này.

Cũng theo Chủ tịch UBND xã Việt Tiến, công việc làm nón quanh năm và làm bất cứ thời gian nào trong ngày. Người già, người trẻ đều có thể làm được công việc này.

Về làng quê có truyền thống hơn 100 năm làm nghề xỏ lá - 5

Hiện nay tại thôn Thống Nhất đang còn hơn 50 hộ dân duy trì nghề làm nón (Ảnh: Xuân Sinh).

Về làng quê có truyền thống hơn 100 năm làm nghề xỏ lá - 6

Nghề làm nón mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân nơi đây (Ảnh: Xuân Sinh).

"Công việc này có thể tranh thủ làm những lúc nhàn rỗi, nhưng đưa lại một nguồn thu không nhỏ cho người dân nơi đây. Làng nghề nón lá Ba Giang của thôn Thống Nhất vừa được UBND tỉnh Hà Tĩnh công nhận là làng nghề truyền thống", ông Nguyễn Văn Hướng vui mừng cho biết.