Bến Tre:

Nghề “hốt bạc” trong mùa hạn - mặn

(Dân trí) - Hơn tháng nay, nước mặn xâm nhập vào nội đồng khiến người dân trong tỉnh Bến Tre thiếu nước ngọt trầm trọng nên giá rất đắt đỏ. Những người cung ứng nước ngọt từ mạch nước ngầm vì vậy cũng “hốt bạc”.

Mới sáng sớm, ông Nguyễn Văn Hồng (ngụ ấp 5, xã Bảo Thạnh, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre) tất bật lo bơm nước vào 2 chiếc bồn chứa bằng nhựa (khoảng 1,7 m3 nước) đang nằm sẵn trên chiếc xe công nông để chuẩn bị cung cấp cho khách hàng. Mấy ngày nay, ông chở nước xuyên suốt mà không đủ cung ứng cho mấy hộ có nhu cầu trong vùng.

Ông Hồng cho biết: “Bình thường chỉ chở từ 5 đến 6 xe nhưng gần đây chở hơn chục xe mỗi ngày nên không kịp nghỉ ngơi. Vậy mà vẫn không đủ vì nhà nào cũng có nhu cầu xài nước ngọt”.

Kiếm tiền nhờ kinh doanh nước ngọt ở Bến Tre

Giếng khoan nước ngọt của gia đình ông Hồng ở ngay trước nhà rồi bơm lên các hồ chứa lớn đặt ngay bên cạnh để đảm bảo lúc nào cũng có nước cung ứng trong mùa khô hạn. Hiện giá nước không cố định chỉ phụ thuộc vào đoạn đường vận chuyển xa hay gần. Nếu gần mỗi xe được bán với giá chỉ 80 ngàn đồng nhưng nếu đoạn đường vận chuyển xa có khi lên đến hơn 200 ngàn đồng. Mỗi ngày, sau khi trừ chi phí tiền điện, dầu chạy xe, gia đình ông Hồng còn lãi hơn 700 ngàn đồng.

Tuy nhiên, theo ông Hồng không phải nơi nào cũng có nước ngọt mà chỉ tập trung ở những giồng cát do mưa tích tụ lại dưới lòng đất. Vì vậy, nơi nào có nước ngọt là người dân tranh thủ khoan giếng hút lên bán kiếm tiền trong mùa xâm nhập mặn khốc liệt như hiện nay.

Trời nắng nóng như đổ lửa, ông Lê Công Trình (ngụ xã An Hiệp, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre) chở chiếc xe gắn máy kéo theo thùng tự chế phía sau với hơn chục can nhựa dùng để chở nước ngọt bán. Ông Trình cho biết: “Nhà tôi không có mạch nước ngầm nên tôi đến giồng cát mua lại của chủ giếng khoan rồi cung cấp cho các hộ dân kiếm lời. Những chiếc xe công nông chỉ cung ứng cho các hộ ở ngoài đường lớn, trong khi đó nhiều người ở trong đồng có nhu cầu nên tôi dùng xe gắn máy để chở nước phục vụ bà con”.

Mỗi ngày ông Hồng chở hơn chục chuyến nước ngọt để cung ứng cho các hộ dân có nhu cầu
Mỗi ngày ông Hồng chở hơn chục chuyến nước ngọt để cung ứng cho các hộ dân có nhu cầu

Mỗi chuyến xe, ông Trình mua lại của chủ giếng nước với giá 20 ngàn đồng, chở đến tận nhà dân bán với giá 40 đến 60 ngàn đồng, tùy vào đoạn đường vận chuyển. Mỗi ngày ông Trình cũng kiếm lời hơn 200 ngàn đồng, khỏe hơn nhiều so với đi làm thuê, làm mướn.

Những can nhựa được tận dụng để đựng nước ngọt
Những can nhựa được tận dụng để đựng nước ngọt

Ông Lê Văn Chiến, Chủ tịch UBND xã An Hiệp cho biết: “Mùa này người dân trong xã thiếu nước ngọt trầm trọng do bị xâm nhập mặn nên phải mua nước với giá cao vì nguồn nước ngầm cũng khan hiếm”.

Theo ông Chiến, do năm nay nước mặn về sớm hơn mọi năm nên người dân chưa kịp trữ nước ngọt lại trong ao hồ, lu chứa thì toàn bộ các tuyến kênh đã bị xâm nhập mặn nên bị thiếu nước trầm trọng.

Chiếc xe công nông được người dân dùng để chở nước ngọt đi tiêu thụ
Chiếc xe công nông được người dân dùng để chở nước ngọt đi tiêu thụ

Hiện toàn tỉnh Bến Tre đã bị nước mặn bao vậy, nặng nhất là 3 huyện ven biển (Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú), nhiều hộ dân phải mua nước ngọt từ các giếng tầng nông chưa qua lắng lọc với giá cao, một số hộ nghèo phải chấp nhận sống chung với nước mặn.

Người dân dùng bồn chứa để chở nước ngọt trong mùa hạn - mặn
Người dân dùng bồn chứa để chở nước ngọt trong mùa hạn - mặn

Mới đây trong cuộc họp với các ngành có liên quan, ông Võ Thành Hạo, Bí thư tỉnh Ủy Bến Tre cho rằng: “Dự báo tình hình hạn mặn mùa khô sẽ kéo dài trong những năm tiếp theo, đồng thời nhiều khả năng sẽ gay gắt hơn nữa. Tài nguyên nước ngọt đã khan hiếm nên về lâu dài chúng ta phải làm một cuộc “Đồng Khởi” dự trữ nước mưa. Các địa phương có điều kiện làm hồ dự trữ nước mưa với thể tích lớn cần phải khẩn trương ngay. Đồng thời cũng kêu gọi tất cả nhân dân tỉnh nhà nên sửa sang, vệ sinh lại mái nhà, chuẩn bị sẵn các thiết bị chứa nước như: lu, hồ,... nhằm chứa nước mưa sử dụng trong mùa hạn hán, xâm nhập mặn ngày càng khốc liệt”.

Minh Giang

Nghề “hốt bạc” trong mùa hạn - mặn - 5