Gia Lai:
Chàng cử nhân kinh tế bỏ phố về làng trồng quýt, làm farm du lịch
(Dân trí) - Sau nhiều năm làm việc ở thành phố, anh Đàm Quang Huy đã quyết định về quê để làm nông nghiệp. Dồn sức trồng hơn 3.000 cây quýt, chàng cử nhân có được thu nhập cao từ vùng đất cằn.
Rời giảng đường đại học với tấm bằng ngành Quản trị kinh doanh vào năm 2014, anh Đàm Quang Huy (sinh năm 1991, thôn 3, xã Ia Nhin, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) dễ dàng tìm cho mình chỗ đứng ở một công ty sữa tại Đà Nẵng với mức thu nhập ổn định. Sau đó, Huy tiếp tục làm quản lý cho hệ thống bán hàng trực tuyến khắp các tỉnh miền Trung.
Cuối năm 2019, do ảnh hưởng dịch Covid-19, anh Huy đã chuyển công việc từ thành phố lớn về Gia Lai để thực hiện đam mê làm nông nghiệp hữu cơ mà mình đã ấp ủ từ lâu, cũng để thúc đẩy xây dựng thị trường bán hàng trực tuyến ở Gia Lai.
Huy tâm sự, mỗi lần về thăm nhà, anh nhận thấy người thân trăn trở vì 3 ha vườn cao su liên tục mất giá. Đất đai cằn cỗi nên chất lượng mủ không đủ chi phí tái đầu tư. Từ đó, Huy đã trăn trở để tìm ra mô hình nông nghiệp hiệu quả, hợp với đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng trên vùng đất cằn này.
Năm 2014, trong một lần tình cờ, Huy và em gái là kĩ sư nông học biết được giống quýt đường F1 từ tỉnh Bến Tre. Sau nhiều nghiên cứu để đánh giá thổ nhưỡng, khí hậu, Huy đã thuyết phục gia đình phá bỏ 3 ha cao su già cỗi, kém năng suất để thay thế bằng 3.000 gốc quýt.
"Thời điểm đó, nhiều người đã khuyên tôi đừng trồng vì giống quýt ở miền tây trồng trên Tây Nguyên sẽ không phù hợp. Nhưng tôi vẫn đánh liều để chuyển đổi cây trồng. Vừa làm công việc ở thành phố lớn, tôi vừa cũng tìm hiểu cách chăm sóc, kinh nghiệm của những hộ trồng quýt ở vùng lân cận để áp dụng cho vườn quýt của mình.", anh Huy chia sẻ.
Sau hơn 2 năm, vườn quýt của anh Huy đã phát triển tốt, cây lá xum xuê, trĩu quả. Năm 2020 vườn quýt đã cho mùa quả bói với sản lượng đạt 8 tấn. Với giá bán thời điểm đó là 20.000-30.000 đồng/kg, anh đã thu được hơn 150 triệu đồng từ vườn quýt.
Khi thấy vườn quýt bước đầu phát triển tốt, Huy và gia đình còn trồng xen canh thêm nhiều cây khác như sầu riêng, ổi, na, chanh… Qua đó, Huy đã phát triển trang trại theo hướng hữu cơ kết hợp du lịch văn hóa, cộng đồng.
Theo anh Huy, vườn quýt của anh được trồng theo quy trình hữu cơ nên giảm được chi phí phân bón, thuốc trừ sâu. Anh sử dụng hoàn toàn phân hữu cơ, thuốc tự chế từ sản phẩm tự nhiên để chăm sóc cây.
Khó khăn nhất trong việc chăm sóc quýt là cây thường bị bệnh vàng lá. Khi cây bị bệnh này thì chỉ còn cách chặt bỏ, khử trùng đất để tránh lây lan. Bên cạnh đó, quả quýt thường bị ruồi vàng phá, côn trùng chích… Với tình trạng này, người trồng cần có biện pháp khắc phục bằng cách xay tỏi, ớt, tiêu với nước lã, rồi phun lên cây quýt.
Yếu tố thời tiết cũng tác động lớn đến quả quýt. Anh Huy chia sẻ kinh nghiệm: "Vào những lúc mưa đúng vào vụ quả quýt chín vàng, người trồng cần thu hoạch ngay. Làm như vậy quả quýt sẽ ít bị giảm độ ngọt khi nước mưa ngấm lâu".
Năm nay, anh Huy ước tính sẽ thu từ 23-25 tấn quả từ vườn quýt. Đầu mùa, anh đã thu được 5 tấn quả. Đầu ra của sản phẩm hướng đến những khách du lịch và bán trực tuyến, qua mạng xã hội…
Vườn quýt của anh Huy có nhiều loại hàng, giá bán kèm dịch vụ để khách lựa chọn. Cụ thể, đối với quýt loại 1 có giá 50.000 đồng (quả to đẹp, đóng gói, dán mác thương hiệu), loại 2, 3 lần lượt có giá 35.000 đồng/kg và 25.000 đồng/kg. Nếu giá bán ổn định, trong năm 2021, trang trại quýt của Huy ước tính sẽ thu được khoảng 500 triệu đồng trở lên.
Anh Huy cho biết, việc phát triển mô hình "Huy Farm Gia Lai" đã giúp quảng bá vườn quýt trên mạng xã hội, trang web và được nhiều người biết đến. Khi nghe có vườn quýt đang nở rộ ở huyện Chư Păh, có rất nhiều bạn trẻ đã rủ nhau đến tham quan, chụp ảnh và thưởng thức quả quýt ngọt lịm. Ngoài ra, khách hàng có thể cắm trại và trải nghiệm qua đêm tại vườn.
Từ việc làm nông trại, anh Huy đã tạo ra việc làm cho gần chục người lao động là người đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương. Trong thời gian tới, chàng cử nhân bỏ phố về làng mong muốn sẽ tiếp tục phát triển dự án nông nghiệp hữu cơ kết hợp du lịch của mình. Ngoài ra, anh sẽ liên kết với những người dân trồng quýt trên địa bàn để cùng mở rộng, phát triển mô hình nông nghiệp mới, xanh, an toàn hơn.