ĐBSCL:
Nông dân trồng quýt đường lãi to nhờ... nắng, hạn
(Dân trí) - Do nắng nóng, quýt đường và một số cây có múi khác có đầu ra tăng mạnh. Riêng trái quýt đường, thương lái đến tận vườn thu mua với giá 24.000 – 26.000 đồng/kg. Với giá bán này, nhiều nông dân trồng quýt đường phấn khởi cho biết, mỗi công họ bỏ túi khoảng 60 triệu đồng.
Những ngày cuối tháng 3 ở miền Tây, trời nắng như lửa đốt, tuy nhiên khi đặt chân đến “vương quốc” quýt hồng, quýt đường (huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp), cái nóng nơi đây như dịu đi bởi màu xanh bạt ngàn của hàng ngàn ha quýt đường, quýt hồng xanh mướt. Đặc biệt, cái nóng còn được xoa dịu bởi tiếng cười nói rộn ràng của hàng trăm nhà vườn đang tất bật thu hoạch quýt trong niềm vui vừa được mùa vừa trúng giá.
Anh Đỗ Hiếu Nghĩa - ấp Thới Hòa, xã Vĩnh Thới đang thu hoạch 2 công (2.000m2) quýt đường, bán với giá 26.000 đồng/kg phấn khởi cho biết: “Thông thường mọi năm bà con trồng quýt đường chỉ bán được giá từ 15.000 – 18.000 đồng/kg là cao lắm rồi. Bởi vậy, với giá hiện tại đã cao hơn so với cùng kỳ gần 10.000 đồng/kg quýt. Nguyên nhân giá quýt cao theo tôi có thể do nắng hạn kéo dài ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất các loại cây trái có công dụng “giải nhiệt” cho người dân như trái quýt”.
Anh Nguyễn Phú Thạnh – xã Vĩnh Thới đang trồng 5 công quýt đường cho biết thêm: “Thật sự cũng lâu lắm rồi bà con trồng quýt đường mới bán được giá 25.000 – 26.000 đồng/kg. Với giá bàn này, trung bình 1 công quýt đường có năng suất khoảng 5 tấn/năm thì sau khi trừ hết chi phí, bà con đã bỏ túi khoảng 60 triệu đồng/công. Tuy nhiên, tôi và nhiều hộ dân khác đang buồn vì không còn quýt bán nữa”.
Anh Thạnh giải thích thêm, cây quýt đường cho trái quanh năm nên bà con có thể xử lí cho trái một lần/năm cũng được nhưng cách này cây quýt sống không thọ. Do vậy, đa phần bà con trồng quýt chọn cách xử lý thành nhiều đợt, vừa đỡ vất vả trong khâu chăm sóc, vừa nhẹ chi phí đầu tư… Tuy nhiên khi gặp giá cao như thế này thì bà con cũng hơi tiếc vì không có nhiều quýt để bán.
Anh Phú Thạnh thì đang tích cực chăm sóc vườn quýt còn hơn 1,5 tháng nữa mới có thể thu hoạch
Chị Trần Thị Hường – một thương lái thu mua quýt đường lâu năm tại huyện Lai Vung cho biết, chưa năm nào trái quýt đường tiêu thụ mạnh như thời gian này, vì thế mỗi ngày tôi thu mua hàng chục tấn rồi đưa lên TP Hồ Chí Minh bán lại. Các đầu mối trên đó cũng cho biết, nếu có hàng bao nhiêu họ cũng mua. Tuy nhiên vào thời gian nắng nóng như hiện nay, những vườn có trái chín trong thời gian này cũng không có nhiều, vì đa phần bà con tập trung vào vụ Tết.
Ông Huỳnh Văn Tồn – Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Lai Vung cho biết, tổng diện tích trồng cây ăn trái của huyện là 4.435 ha, trong đó, diện tích trồng quýt đường chiếm nhiều nhất khi có đến 1.313,5ha. Các cây còn lại, như cam chiếm 902 ha, quýt hồng chiếm 748,3 ha, xoài 224,5 ha… Nhưng cây quýt hồng và quýt đường được xem là hai cây chủ lực của huyện vì đang mang lại thu nhập khá cao cho bà con nông dân.
Cũng theo ông Tồn cho biết, trong lúc nhiều tỉnh thành khu vực ĐBSCL đang vất vả ứng phó với tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn thì Đồng Tháp (trong đó có huyện Lai Vung) tính đến thời điểm này vẫn chưa bị mặn, chưa có nơi nào thiếu nước tươi tiêu cho vườn cây ăn trái cũng như diện tích trồng lúa. Tuy nhiên, Phòng Nông nghiệp huyện cũng đã kiến nghị về lãnh đạo tỉnh cần xây dựng một trạm kiểm soát mặn để khi có nước mặn xâm nhập thì huyện sẽ đóng 167 cống lại, bảo vệ an toàn cho toàn bộ diện tích đất nông nghiệp của huyện.
Giá rau củ quả tăng cao do nắng hạn
Ông Nguyễn Cao Miên, Giám đốc HTX Rau củ quả Tân Bình (huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long) thông tin, do các tỉnh ĐBSCL và các tỉnh Tây Nguyên… đang gồng mình chống đợt hạn, mặn lịch sử nên giá một số rau màu, củ quả đang tăng cao.
Cụ thể bắp cải đang được thương lái lùng mua tại ruộng với giá từ 10.000 - 14.000 đồng/kg (tùy loại), dưa leo cũng từ 10.000 - 12.000 đồng/kg… cao gần gấp đôi so thời điểm đầu năm 2016. Với giá này, nông dân trồng bắp cải có lợi nhuận 20 - 25 triệu đồng/công, cao gấp nhiều lần so trồng lúa.
Nguyễn Hành