1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Tuyển ứng viên “nói xấu” công ty cũ: Bất ngờ vì đa số ủng hộ!

(Dân trí) - Ngay khi bài “Có nên tuyển dụng ứng viên “nói xấu” công ty cũ?” đăng trên Chuyên mục Việc làm ngày 21/4, nhiều bạn đọc đã chia sẻ quan điểm cá nhân khá thú vị. Đặc biệt, đa số ý kiến khuyên nhân vật nên dùng nhân viên “nói xấu” công ty cũ, nhưng ở các mức độ khác nhau.


Có nên chọn hay không ứng viên nói xấu về công ty cũ. (Ảnh có tính minh họa).

Có nên chọn hay không ứng viên "nói xấu" về công ty cũ. (Ảnh có tính minh họa).

Vì sao nên nhận?

Khá ngắn gọn và vào thẳng chủ đề, bạn Phan Minh Sơn ủng hộ việc tuyển ứng viên “nói xấu” công ty, vì: “ Nói xấu mà đúng thì hay chứ!. Nói tốt mà sai thì bỏ ứng viên này bỏ luôn!”. Đồng tình với quan điểm trên, bạn Bùi Duy Thường rạch ròi: “Nói xấu và nói sự thật là 2 khái niệm khác nhau…”

Cho rằng cuộc đời khó ai hoàn thiện, bạn Thu Hà nghiêng về phương án nên tuyển ứng viên thứ 2, bởi: “Điều lưu ý là bạn sử dụng họ ra sao? Bạn biết khai thác điểm mạnh và khắc chế điểm yếu như thế nào?”.

Bạn Kalinh khuyên nhân vật: “Bạn nên hiểu tâm lý người ra đi khỏi công ty. Không ít người có tâm trạng ấm ức vì sự đối xử bất công. Bởi vậy, cứ để họ xả cũng chả sao. Điều quan trọng là bạn sử dụng họ ra sao?”

Bạn Lê Bá Ngọc tâm sự: “Bạn chọn người để làm việc hay để tâm sự? Nếu ai đó không nói gì về người láng giềng, người đó không thật tâm và giấu lòng. Cái đó mới là không tốt, bạn ạ”.

Bạn Alyssa Bùi chia sẻ: Chuyện nói xấu công ty cũ, người ta không tự kể mà chỉ nói khi được hỏi. Một phần vì người ta cũng thẳng tính, mặt khác cũng theo nhịp cảm xúc và khi kể thì nỗi bức xúc lại tuôn trào. Em thấy bình thường.

Cho rằng ứng viên thứ 2 mới là người thẳng thắn, bạn Lê Trung viết: “Cứ tuyển người thứ 2 bình thường vào bất kỳ vị trí nào cần tuyển. Đa số chúng ta hay thích khen và quy chụp việc nói về tiêu cực - cái xấu mà ít nghĩ ràng đó là những lời “trung ngôn”. Nếu bạn tự tin là môi trường làm việc ở công ty bạn tốt, phù hợp thì mạnh dạn quyết đi. Tôi mà là sếp thì cũng không thích người khen và nói tốt. Tôi thích người thẳng thắn, khen chê rõ ràng”.

Thử thách thêm - tại sao không?

Đưa ra phương án an toàn hơn, một số bạn cho rằng nên có một thời gian thử thách ứng viên “nói xấu” công ty cũ.

Phân tích kỹ hơn, bạn Nguyễn Phương khuyên nhân vật: “Bạn nên nhận ứng viên thứ 2, vẫn có thời gian thử việc mà. Nếu bạn là nhà tuyển dụng, điều cốt lõi là phải nắm được lòng người và đối xử chân thành. Được vậy không việc gì họ phản bội lại bạn.

Bạn Nguyễn Phương lưu ý thêm: Chỉ có những con người đa nghi, không yêu quý sức lao động mới quá khắt khe từng tý một trong việc sử dụng lao động thôi. Hãy là người quản lý thông minh!

“Ứng viên thứ 2 hợp lý với công việc. Còn về tính cách, mỗi công ty sẽ có thời gian thử việc nhất định. Chị cũng có thể biết phần nào về con người họ. Đừng để mất một ứng viên tốt chỉ vì vấn đề đó!" - Bạn Hà Giang khuyên nhân vật.

Bạn Nguyễn Huy Hoàng cũng đồng tình với ý kiến trên: “Trong trường hợp của ứng viên thứ 2 vì họ không thể nói dối chị nên họ đã nói tất cả. Họ không nói dối không có nghĩa là chị phải tin. Việc nói xấu công ty cũ không liên quan đến khả năng làm việc tại công ty mới. Chị có thể không ký hợp đồng với ứng viên thứ 2 sau 2 tháng thử việc. Vậy thì tại sao không thử?”.

Tâm đắc với câu "Nhân vô thập toàn", bạn Thành Trung chia sẻ: Đôi khi, một câu nói có thể làm thay đổi cuộc đời con người. Đôi khi, lòng tốt và sự hiền lành thôi thì chưa đủ. Và đôi khi, cuộc sống sẽ cho mỗi người một cơ hội. Nên có hợp đồng thử việc 6 tháng cho ứng viên thứ 2, rồi sau đó tính tiếp bạn nhé.

Không nên tuyển!

Quan điểm từ chối ứng viên thứ 2 không chiếm dòng chủ đạo trong số ý kiến của bạn đọc góp ý về bài viết. Tuy nhiên, các quan điểm này luôn có lý lẽ và căn cứ riêng.

Bạn Mai Hoài chia sẻ: “Quan điểm nhất quán của tôi là đã ra đi thì đừng oán trách nơi cũ. Nếu nhân viên chưa thỏa mãn với vài yêu sách của công ty cũ mà ra đi. Khi công ty cũ chấp nhận và đãi ngộ tốt, họ quay về thì công ty mới sẽ ra sao?”.

Ủng hộ việc không tuyển, nhưng bạn Phan Đăng Lê dựa vào linh cảm: “Không nên tuyển ứng viên thứ 2. Tôi cảm thấy bạn này có vẻ không thật đâu”.

Phân tích thấu đáo và có logic hơn cả là ý kiến của bạn Hoàng Dương: “Nhân viên tốt hội tụ đủ yếu tố: Kiến thức, kỹ năng, thái độ. Quan trọng nhất là thái độ vì cái này là bản tính, không thay đổi được. Em không đánh giá cao người thứ 2 về thái độ. Chưa chắc họ đã nói đúng và đủ. Đôi khi chỉ là phiến diện một chiều. Con người như thế không giữ được bí mật kinh doanh. Bức xúc, không hài lòng và thể hiện ra mặt sẽ ảnh hưởng đến nhóm (team). Nên có thể họ bị công ty cũ cho nghỉ. Mình tuyển vào không khéo vỡ team như của công ty cũ thì sao?”.

Một số ý kiến khác

- “Nhân viên không bao giờ rời bỏ công ty. Họ chỉ rời bỏ người lãnh đạo..." - Bạn Phạm Hải lưu ý nhân vật.

- “Đã dùng người thì không nghi. Đã nghi thì không nên dùng người. Hãy chọn một ứng viên tốt nhất cho công việc đang cần. Đừng nên do dự” - Bạn đọc Nguyễn Văn Nghĩa chia sẻ kinh nghiệm.

- “Đáp án đúng ở đây là không có gì đúng cả! Phải có thời gian mới trả lời đúng được” - bạn đọc Mai Trang khuyên.

Hoàng Mạnh (tổng hợp)