Có nên tuyển dụng ứng viên “nói xấu” công ty cũ?
(Dân trí) - Hai ứng viên được tôi phỏng vấn có tính cách trái ngược nhau. Một người vững về nghiệp vụ nhưng hơi thụ động trong ứng xử. Một người trình độ không tồi, hoạt bát và sẵn sàng chia sẻ câu chuyện tốt xấu của cơ quan cũ. Liệu tôi có nên chọn ứng viên thứ 2?
Tuần sau dịp nghỉ Giỗ Tổ Hùng Vương, trưởng phòng nhân sự đi công tác đột xuất trong nam. Tổng Giám đốc công ty cho phép tôi - Trưởng phòng kinh doanh - trực tiếp phỏng vấn 2 ứng viên đã qua vòng loại hồ sơ để chọn ra 1 người làm việc cho phòng.
Ứng viên đầu tiên là một nam giới. Chỉ sau một số bước kiểm tra chuyên môn, tôi đánh giá ứng viên này có nghiệp vụ khá, khả năng tiếng Anh không tồi.
Tuy nhiên, tôi hơi băn khoăn bởi ứng viên phản ứng chưa linh hoạt trong tình huống xử lý. Bốn trường hợp giả định được tôi đặt ra, ứng viên này chỉ trả lời được gần đúng 1 đáp án.
Đến lượt ứng viên thứ 2. Tôi đã bị thuyết phục bởi kiến thức về nghề, khả năng tiếng Anh. Điều khác biệt của ứng viên này là sự hoạt bát và xử lý thành công gần như 3/4 xử lý tình huống thực tế.
Không phải cùng là nữ giới mà tôi có thiện cảm với ứng viên thứ 2. Nhưng quả thực nói chuyện với một người cởi mở - ít nhất là lúc phỏng vấn - cũng thích hơn một người thụ động.
Như một phản ứng tự nhiên, tôi chợt hỏi ứng viên nữ về công ty cũ, lý do vì sao lại chuyển việc, quan hệ của sếp với nhân viên, môi trường làm việc…Đặc biệt là đánh giá về công ty cũ.
“Em luôn biết điều cấm kỵ là nói về nơi làm việc cũ khi đi phỏng vấn. Dù nơi cũ có tốt xấu như thế nào. Nhưng chị có hỏi, em mới xin phép chia sẻ. Công ty cũ nơi em làm việc là…” - ứng viên nữ như được cởi mở tấm lòng khi tôi đặt câu hỏi về công ty cũ.
Qua câu chuyện của ứng viên này, tôi lờ mờ hình dung về một công ty bị ảnh hưởng quá nhiều bởi vị giám đốc có phần độc đoán. Điều này gây bất mãn nhân viên. Nhiều người đã bỏ đi…
Thông tin một chiều là vậy, tôi cũng chỉ nghe để biết thêm. Sau cuộc phỏng vấn, tôi có 1 ngày để trả lời các ứng viên việc ai trúng tuyển.
Với ứng viên đầu tiên, tôi sẽ không tuyển. Ứng viên thứ 2 đang khiến tôi băn khoăn. Đúng là tôi có hỏi thì cô ta mới kể về công ty cũ. Nhưng sao trong lời kể có phần cay nghiệt và khá bức xúc. Chẳng lẽ công ty cũ không còn điểm tốt nào?
Tôi cũng không có ý định tìm hiểu công ty cũ của ứng viên đó. Nhưng việc xét đoán có lẽ nên tham khảo các đồng nghiệp.
“Tôi không thích ứng viên nói xấu về công ty cũ. Nhưng khoảng cách giữa không thích và không tuyển có khi chỉ bằng sợi chỉ nhưng có khi dài cả cây số. Nếu vị trí liên quan tới truyền thông hay hình ảnh của công ty thì đừng dại tuyển. Còn các vị trí khác thì cũng không vấn đề gì. Điểm cốt yếu là năng lực và những điều bạn cần ở họ đều đáp ứng được” - Trưởng phòng kế toán phân tích rạch ròi.
Trong khi đó, một đồng nghiệp khác của tôi thì nằng nặc khuyên đừng tuyển ứng viên “nói xấu” công ty cũ. “Bà nên nhớ, nếu họ nói xấu công ty cũ thì đến lúc nào đó, họ cũng có thể làm vậy với công ty bà. Nên trừ hậu họa ngay từ ban đầu…”.
Một đồng nghiệp khác của tôi lại dửng dưng: “Đáp án đúng ở đây là không có gì đúng cả! Có thể lúc bà hỏi trùng vào nhịp cảm xúc của họ, hoặc cũng có thể họ nói để được lòng bà hoặc đó là bản tính của họ!. Các cụ đã nói “đường xa mới biết ngựa hay”, nếu chỉ dựa vào vài câu nói khó xét đoán còn người”.
Các đồng nghiệp của tôi - mỗi người một ý. Trong khi đó, công việc của phòng đang cần người làm. Tôi thực sự băn khoăn không biết có nên chọn ứng viên thứ 2 hay không?
Các bạn hãy cho tôi lời khuyên nhé!
Trần Thùy Dung (Kim Mã, Hà Nội)