Quản trị nhân sự “trong ấm, ngoài yên”: Xét người và …xem lại mình

(Dân trí) - Câu chuyện quản trị nhân sự hôm 5/4 chia sẻ băn khoăn của Trưởng phòng Trần Văn Nam (Hoàn Kiếm, Hà Nội) ứng xử ra sao với phó phòng Tuấn - từng là người thân thiết với anh, nhưng nay chống đối. Nhiều bạn đọc đã đưa ra góp ý về phương án xử lý khác nhau.


Ảnh có tính minh họa

Ảnh có tính minh họa

Nên loại bỏ “người cũ”

Bạn đọc Giang NT gợi ý Trưởng phòng Trần Văn Nam: “Anh nên lấy lợi ích của công ty làm đại cục, quan hệ của anh với Tuấn và Minh là tiểu cục. Phó phòng Tuấn muốn đi thì chẳng nên giữ lại. Trước kia, Tuấn tốt với anh chỉ vì sự an toàn của bản thân. Nay phó phòng Minh về mới lộ chân tướng”.

Khuyên trưởng phòng Nam nên nhẹ nhàng trước thái độ hung hăng của Tuấn, bạn đọc Giang NT lý giải: “Dù sao anh cũng có một thời quan hệ tốt với Tuấn. Anh là sếp thì nên vừa lấy ân và uy mà quyết. Chúc anh mạnh mẽ!”.

Thể hiện khá quyết liệt, bạn đọc Hoàng Sơn cho rằng cần loại bỏ cán bộ “bẩn thỉu” chuyên nói xấu người khác. Đồng tình với quan điểm này, bạn đọc Hoàng Linh viết: “Tuấn đã muốn ra đi thì cứ chấp thuận cho anh ta đi thôi”.

Đồng tình với quan điểm trên, bạn đọc Trần Quốc Việt gợi ý: Giờ đây là lúc lý trí bạn phải làm việc, vì mục tiêu tối thượng là hiệu quả làm việc của Phòng. Bạn phải tin vào nhận xét và đánh giá của bản thân. Hãy mạnh tay xử lý những ai làm việc không đạt yêu cầu, khích lệ những ai làm việc hiệu quả. Có người đó là Minh.

Bạn đọc có nick Electrol khẳng định, phó phòng Tuấn giỏi nịnh và biết "chăm sóc". Trưởng phòng Nam đã bị rơi vào tình thế có phần "há miệng mắc quai".

“Không phải ngẫu nhiên công ty cử thêm một phó phòng Minh chuyên môn giỏi. Có thể điều ấy chính là thể hiện sự không hài lòng với "cặp bài trùng" trưởng phó cũ!. Khi phó phòng mới về, công việc “chạy” và phó cũ thấy được sự nguy hiểm do yếu kém chuyên môn lộ ra. Anh nên giải tán ông phó Tuấn sớm, để trọng dụng phó Minh” - bạn đọc Electrol viết.

Xét người - xét ta

Bên cạnh góp ý của đa số bạn đọc cho rằng nên loại bỏ phó phòng Tuấn, nhiều bạn cũng thẳng thắn cho rằng trưởng phòng Nam nên nhìn lại mình.

Đánh giá về cảm giác bối rối của trưởng phòng Nam, bạn đọc Thu hương nhận xét: “Đây cũng là điểm yếu của nhân sự Việt trong quá trình hội nhập: Làm việc và ứng xử quá thiên về tình cảm cá nhân. Trong khi đó, nền quản trị chuyên nghiệp cần phân tách rõ ràng riêng - tư, thậm chí bằng các chỉ số hiệu quả làm việc KPI”.

Bạn đọc Trần Nghĩa viết: Tôi thấy rằng bạn không phân biệt được rõ ràng mối quan hệ của mình. Ở cơ quan, bạn là lãnh đạo cần tỏ rõ vị trí quan điểm. Hết giờ làm việc là anh em, bạn bè thì mối quan hệ, cách ứng xử phải khác.

“Khi nào bạn phân biệt được rõ được tình cảm và công việc, bạn mới có thể cân bằng được. Lúc đó, cấp dưới sẽ coi trọng và phục tùng bạn trong công việc lẫn ngoài đời” - bạn đọc Trần Nghĩa viết.

Góp ý về việc không thể hiện chính kiến rõ ràng, bạn đọc Nguyễn Thành Nam viết: Bạn đã không nói rõ việc có chọn 1 trong 2 người hay cần cả 2 phó phòng! Nếu cần 2 phó mà bạn chọn Minh thì quan hệ của bạn với Tuấn khả năng rất xấu, có khi gây thù oán. Trường hợp chỉ cần 1 phó thì chọn Minh là hợp lý, đồng thời tìm cách hóa giải mâu thuẫn với Tuấn. Nhưng vấn đề là bạn chưa thể hiện rõ quan điểm lựa chọn với 2 phó phòng.

Nên tỉnh táo từ ban đầu, bạn đọc Sơn Phạm chia sẻ: Trưởng phòng Nam đã phạm lỗi không từ chối khi nhận sự quan tâm và giúp đỡ của Tuấn khi nhà anh có việc. Trưởng phòng Nam nên ngồi đánh giá lại việc làm của Tuấn. Phản ứng của Tuấn là thái quá và bộc lộ thêm “góc khuất” của anh ta.

Bạn đọc Bùi Thu Huyền nhấn mạnh: “Trong công việc có thể phân biệt được rạch ròi cái tốt - xấu. Trong quan hệ xã hội cũng thế!”

Những gợi ý bất ngờ!

- Có 3 phương án lựa chọn. Bạn đọc Tâm tít gợi ý: Trưởng phòng Nam có thể chọn phương án 1: Đề xuất cho nghỉ cả 2 phó phòng (cách này hay nhất nếu giám đốc đồng ý). Phương án 2: Nói chuyện với Tuấn và đề nghị chuyển Tuấn sang phòng khác. Phương án 3: Gặp gỡ từng người sau đó gặp chung để giảng hòa (cách này là 50/50 vì phần lớn sĩ diện và cái tôi).

- Thử làm bài test 2 phó phòng. Bạn đọc Bá Đa Lộc: Bạn thử làm 1 bài test nhỏ để kiểm tra định hướng của họ đối với sự phát của công ty trong 5 năm tới. Đồng thời, bạn yêu cầu cả phòng bỏ phiếu kín để xem ai tài năng và đức độ hơn (2 người đó không được tham gia). Sau đó bạn sẽ quyết định vẫn chưa muộn.

- Câu chuyện là một chiêm nghiệm. Bạn đọc Smiles viết: “Em cũng đang làm tạm quyền trưởng phòng kinh doanh như anh Nam. Đọc câu chuyện của anh rất hay và có nhiều điều chiêm nghiệm. Em đơn thuần về chuyên môn nghiệp vụ, còn các phó phòng lại toàn là sinh viên mới ra trường (do giám đốc tuyển). Vì là 2 thế hệ khác nhau, em thấy có nhiều khác biệt quá”.

Phan Minh (tổng hợp)