Từ bỏ cơ hội thăng tiến vì... "nghiện" sếp
(Dân trí) - Dũng mất gần 2 năm lưu luyến mới có thể chính thức nghỉ để ra làm riêng. Sếp quá xởi lởi nên việc rời cơ quan làm anh không khỏi áy náy.
Anh Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc một công ty về trang thiết bị máy tính ở quận Bình Thạnh (TPHCM) kể, giám đốc cũ của mình xởi lởi, tốt bụng.
Không nói quá, sếp toàn nhận phần thiệt trong quan hệ, ứng xử với nhân viên. Đi ăn, vui chơi sếp giành phần trả tiền, đố ai bon chen được.
Ở các sự kiện giao lưu trong và ngoài nước, các công ty khác đều có lãnh đạo hay giám đốc công ty khác tham gia. Nhưng ở công ty anh, sếp lại luôn ưu tiên cấp dưới đi dự.
Nhiều ý tưởng, kế hoạch kinh doanh của công ty sếp tham gia, góp sức rất tích cực. Nhưng khi hưởng thành quả, danh tiếng thì ông "loại" tên mình ghi nhận từng chút thành quả của nhân viên.
Ai muốn học gì, kể cả học khiêu vũ hay làm đẹp, cứ gọi sếp. Sếp không chỉ tạo điều kiện về thời gian mà còn rút ví liền tay.
Hiếm nơi nào như ở đây, việc trao các danh hiệu, giải thưởng cuối năm đều rất ít có tên sếp trong danh sách. Hỏi thì ông cười: "Anh nhận nhiều rồi, giờ đến lượt tụi bây!"
Nói ra khó tin nhưng điều Lê Thu Quỳnh, nhân viên tại một văn phòng truyền thông ở Phú Nhuận, TPHCM áy náy nhất khi đi làm chính là sếp quá xởi lởi, hào phóng.
Rồi chuyện, trưa nào sếp cũng rủ rê mọi người đi ăn mà nhất quyết không để nhân viên trả tiền. Hôm nào nhân viên đòi trả tiền thì sếp chọn quán thật bình dân. Nhiều khi Quỳnh và đồng nghiệp còn vờ có hẹn đi ăn ngoài... vì xót tiền sếp.
Sếp còn trích một phần lương để hỗ trợ một số anh em thu nhập thấp hơn như văn phòng, bảo vệ. Sếp cũng tận dụng mọi ngày như sinh nhật, kể cả sinh nhật con cháu của nhân viên để có cớ lì xì người khác.
Với mọi người, tặng quà cho sếp là để lấy lòng. Còn chỗ Quỳnh làm, nhân viên tặng quà cho sếp đúng nghĩa để cảm ơn. Muốn cảm ơn cũng không dễ, sẽ bị sếp nói, không có tiền mà bày đặt.
Lưu luyến khó rời
Quỳnh kể, ban đầu vào thực tập, cô không hề tính đến việc ở lại nơi đây, gắn bó với công việc này. Nói ra thì bảo nịnh nhưng đúng là vì "nghiện" sếp mà ở lại.
Ngoài hào phóng về tiền bạc, sếp rất cởi mở về tư duy. Là nữ nhưng sếp không bao giờ phán xét, soi mói tính cách, đặc điểm, cách ăn mặc, nói năng, đời tư người khác.
"Anh là nam, nữ hay chuyển giới, sếp đều không quan tâm. Chỉ yêu cầu, miễn sao làm tốt công việc, giữ đạo đức làm nghề, làm người. Vậy nên, nơi đây tập hợp nhiều nhân viên rất "quái" trong cá tính, ăn mặc, lối sống mà ở nơi khác có thể bị xem là lập dị", Quỳnh bộc bạch.
Người quản lý thoáng, lởi xởi nên môi trường làm việc dễ thở, tôn trọng nhau. Nhân viên cũng dốc hết sức mình để làm việc một cách phấn khởi, tự nguyện, ít đòi hỏi.
Tuy nhiên, với Quỳnh cũng có nỗi khổ tâm là vì yêu sếp nên cô từ chối nhiều cơ hội thăng tiến, phát triển.
Nhiều nghiên cứu chỉ ra, tỷ lệ rất lớn nhân viên nghỉ việc không phải vì việc mà do "nghỉ chơi" với sếp. Nên dễ hiểu khi nhiều người cũng bị "níu chân" vì sếp chứ
"Cũng nhiều lần sếp nói, nếu có những cơ hội phát triển tốt hãy nắm bắt. Nhưng khổ nỗi, mình đâu có nỡ xa sếp", Lê Thu Quỳnh
không hẳn vì việc.
Văn hóa, môi trường làm việc ở công sở và cả sự gắn bó của nhân sự được quyết định nhiều nhất bởi người quản lý.
"Xởi lởi trời cho", những người quản lý có tính cách rộng rãi, tư duy cởi mở, biết khích lệ nhân viên.... không phải đổ tâm sức quá nhiều vẫn giữ được người tài bên cạnh. Có người hay đùa: "Sếp giỏi là biết cách thả con tép, giữ lại con tôm"
Anh Nguyễn Văn Dũng tâm tư, sau 7 năm gắn bó, anh được giám đốc khuyến khích ra làm riêng. Nhưng nghĩ mình đi, công ty sẽ xáo trộn, phải sắp xếp, bố trí lại anh thấy thương sếp quá.
Anh lưu luyến đến tận 2 năm, khi đã sắp xếp hoạt động của công ty ổn thỏa. Giám đốc khẳng định, ra làm việc, anh em sẽ có nhiều cơ hội hợp tác, Dũng mới đủ dũng khí chia tay.
Với anh Dũng: "Đàn anh đó chính là mẫu hình một người quản lý để tôi điều chỉnh mình. Làm sếp phải làm sao cho nhân viên ở thì thương vì đi thì tiếc".