Từ 1/7: Đồng loạt thay đổi 6 chính sách tiền lương, BHXH, BHYT

(Dân trí) - Lương cơ sở vốn là “nền” để làm căn cứ tính toán cho các chế độ của nhiều chính sách bảo hiểm, tiền lương. Do đó, việc tăng mức lương cơ sở từ 1/7/2017 kéo theo nhiều điều chỉnh theo hướng có lợi cho người lao động. Ngoài ra, ngày 1/7 cũng là thời điểm có hiệu lực của nhiều chính sách đãi ngộ khác.


Nhiều chính sách lương, BHXH, BHYT thay đổi theo hướng có lợi cho người lao động (ảnh: Hoàng Mạnh)

Nhiều chính sách lương, BHXH, BHYT thay đổi theo hướng có lợi cho người lao động (ảnh: Hoàng Mạnh)

1. Lương công chức, viên chức tăng từ 1.210.000 đồng lên 1.300.000 đồng

Nghị định 47/2017/NĐ-CP sẽ có hiệu lực từ 1/7/2017. Theo đó, mức lương cơ sở áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức sẽ tăng từ 1.210.000 lên 1.300.000 đồng (khoảng 90.000 đồng, tương đương với mức 7,4 %).

Có 9 nhóm đối tượng được xếp hưởng mức lương, phụ cấp theo Nghị định này. Mức lương cơ sở sẽ được dùng làm căn cứ tính mức lương trong các bảng lương, mức phụ cấp và thực hiện các chế độ khác; tính mức hoạt động phí, sinh hoạt phí theo quy định của pháp luật; tính các khoản trích và các chế độ được hưởng theo mức lương cơ sở.

2. Lương hưu dự kiến tăng 7,44 %

Một dự thảo về Nghị định về điều chỉnh mức lương hưu đang được Bộ LĐ-TB&XH trình Chính phủ phê duyệt. Nếu không có gì thay đổi, Nghị định sẽ được ban hành với hiệu lực từ ngày 1/7/2017.

Một trong những căn cứ của hình thành dự thảo Nghị định trên là Nghị quyết số 27/2016/QH14 ngày 11/11/2016 của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2017.

Theo đó, Quốc hội đã giao nhiệm vụ cho Chính phủ thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1.210.000 đồng/tháng lên 1.300.000 đồng/tháng, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công tăng bằng mức tăng lương cơ sở, thời điểm thực hiện từ ngày 1/7/2017.

Được biết, dự thảo Nghị định quy định mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng sẽ tăng thêm 7,44 % đối với nhóm các đối tượng đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng trước ngày 1/7/2017với nhiều nhóm đối tượng.

3. Tăng mức phí tham gia BHYT hộ gia đình lên 7,3 %

Theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế, mức tham gia BHYT hộ gia đình được xây dựng trên “nền” lương cơ sở.

Cụ thể, quy định tại điểm G Khoản 1 Điều 2 của Nghị định 105/2014/NĐ-CP hướng dẫn Luật BHYT nêu rõ: “Người tham gia BHYT hộ gia đình sẽ đóng phí BHYT theo tháng ở mức 4,5 % lương cơ sở. Từ người thứ 2 tới thứ 4, mức phí sẽ lần lượt bằng 70%, 60 % và 50 % mức tham gia của người thứ nhất. Từ người thứ 5 trở đi, mức tham gia chỉ còn 40 % mức tham gia của người thứ 1”.

Do vậy, sau ngày 1/7/2017, lương cơ sở tăng từ 1.210.000 đồng lên 1.300.000 đồng, điều này đồng nghĩa với việc tăng thêm khoảng 7,3 % mức phí tham gia BHYT hộ gia đình.

Từ 1/7: Đồng loạt thay đổi 6 chính sách tiền lương, BHXH, BHYT - 2

4. Tăng mức trợ cấp thai sản thêm 7,4%

Cũng theo việc điều chỉnh lương cơ sở, từ ngày 1/7/2017, mức trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi (sau đây gọi gọn là trợ cấp thai sản) cũng sẽ tăng khoảng 7,4% so với mức hiện hành.

Theo Điều 38 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, việc trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi được quy định như sau: Lao động nữ sinh con hoặc người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi thì được trợ cấp một lần cho mỗi con bằng 2 lần mức lương cơ sở tại tháng lao động nữ sinh con hoặc tháng người lao động nhận nuôi con nuôi.

Trường hợp sinh con nhưng chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội thì cha được trợ cấp một lần bằng 2 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh con cho mỗi con. Do đó, mức trợ cấp thai sản cũng được điều chỉnh tăng theo cho phù hợp, tức là tăng thêm 7,4 %.

5. Tăng mức đóng BHXH bắt buộc và tự nguyện

Bảo hiểm xã hội VN vừa ban hành công văn 2159/BHXH-BT hướng dẫn mức đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp và thu BHXH, BHYT, BHTN theo mức lương cơ sở mới.

Theo đó, mức lương cơ sở 1.300.000 đồng/tháng sẽ là căn cứ tính mức lương đóng BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN, bảo hiểm TNLĐ-BNN từ ngày 1/7/2017.

Đối tượng áp dụng là người lao động tham gia BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN, bảo hiểm TNLĐ-BNN thuộc đối tượng quy định tại Điều 2 Nghị định số 47/2017/NĐ-CP. Người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và người hưởng chế độ phu nhân, phu quân tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài quy định tại Điểm g Khoản 1 Điều 2, Khoản 4 Điều 123 Luật BHXH năm 2014…

Ngoài ra, mức thu nhập tháng của người tham gia BHXH tự nguyện để tính mức đóng BHXH tự nguyện từ ngày 1/7/2017 cũng thay đổi: Mức cao nhất là 26.000.000 đồng/tháng (1.300.000 đồng/tháng x 20 lần).

6. Tăng hàng loạt công tác phí cho cán bộ, công chức

Thông tư 40/2017/TT-BTC do Bộ Tài Chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị có hiệu lực từ ngày 1/7/2017. Hàng loạt các mức công tác phí, phụ cấp lưu trú, thanh toán theo thực tế, thanh toán công tác phí theo tháng... mới được ban hành theo hướng tăng thêm.

Thông tư 40/2017/TT-BTC quy định đối tượng áp dụng là cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng theo quy định của pháp luật làm việc tại các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức hội sử dụng kinh phí do ngân sách nhà nước hỗ trợ…

Theo đó, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ở đất liền được cử đi công tác làm nhiệm vụ trên biển, đảo thì được hưởng mức phụ cấp lưu trú: 250.000 đồng/người/ngày thực tế đi biển, đảo (áp dụng cho cả những ngày làm việc trên biển, đảo, những ngày đi, về trên biển, đảo).

Trong đó, thanh toán theo hình thức khoán: Cấp lãnh đạo cấp Bộ trưởng, Thứ trưởng và các chức danh lãnh đạo có hệ số phụ cấp chức vụ từ 1,25 trở lên, mức khoán: 1.000.000 đồng/ngày/người, không phân biệt nơi đến công tác..

Hoàng Mạnh

Tin liên quan:

Đà Nẵng: Doanh nghiệp nợ BHXH gần 100 tỉ đồng

Theo cơ quan bảo hiểm xã hội TP Đà Nẵng, thành phố hiện có 600 đơn vị nợ BHXH, BHYT trên 6 tháng với số tiền gần 100 tỉ đồng.

Nhận định về những khó khăn khi triển khai việc thu nợ, đại diện cơ quan này cho biết nguyên nhân là: Mức xử phạt hành chính khi cơ quan, doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội chưa cao, không có tính răn đe. Trong khi đó, mức lãi suất phạt do chậm đóng BHXH chỉ mang tính hình thức, cơ chế xử lý vi phạm rườm rà khó áp dụng trong thực tế. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp dù nợ BHXH, nhưng thực chất là chếm dụng tiền bảo hiểm xã hội để phục vụ mục đích kinh doanh. Điều này khiến người lao động không được hưởng các quyền lợi về bảo hiểm y tế, không thể chốt sổ khi nghỉ hưu và còn mất luôn cả số tiền trích đóng các chính sách bảo hiểm hàng tháng.

H.H

Không tính thời gian đã hưởng BHXH một lần

Theo phản ánh của bà Nguyễn Phương (An Giang), từ tháng 4/2012-5/2016 bà tham gia BHXH của Công ty Bảo hiểm Xuân Thành Miền Tây tại TP. Cần Thơ. Từ tháng 1-3/2015 bà tham gia BHXH tại 1 Công ty thuộc tỉnh An Giang. Nay, bà muốn lĩnh tiền BHXH một lần thì bà cần làm thủ tục gì và phải liên hệ với cơ quan bảo hiểm ở đâu?

Về vấn đề này, BHXH tỉnh An Giang trả lời như sau: Tại Khoản 1, Điều 60 Luật BHXH số 58/2014/QH13 và Khoản 1, Điều 1 Nghị quyết số 93/2015/QH13 ngày 22/6/2015 của Quốc hội quy định BHXH một lần: “Trường hợp người lao động tham gia BHXH bắt buộc sau một năm nghỉ việc, người tham gia BHXH tự nguyện sau một năm không tiếp tục đóng BHXH mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH khi có yêu cầu thì được nhận BHXH một lần”. Đối với các trường hợp còn lại theo quy định (đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH, ra nước ngoài định cư, bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như: ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, AIDS, và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế…) thì không bị giới hạn bởi điều kiện nghỉ việc sau 1 năm mới được đề nghị hưởng BHXH một lần mà có thể đề nghị hưởng khi có đủ điều kiện và hồ sơ theo quy định.

Trường hợp đủ điều kiện hưởng BHXH một lần như quy định trên thì bà làm hồ sơ hưởng BHXH một lần theo quy định. Thời gian đóng BHXH đã hưởng chế độ BHXH một lần không dùng để tính hưởng chế độ BHXH nếu bà tham gia BHXH vào lần tiếp theo.

L.A

Có thể nhờ người khác đăng ký bảo hiểm thất nghiệp?

Ông Trần Văn Viện (TP Đà Nẵng), hỏi: Tôi vừa chấm dứt hợp đồng lao động nhưng hiện tại đang ốm phải nằm viện, tôi có thể nhờ người khác nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp được không?

Trả lời:

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 17 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 của Chính Phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật việc làm về bảo hiểm thất nghiệp thì người lao động được ủy quyền cho người khác nộp hồ sơ hoặc gửi hồ sơ theo đường bưu điện nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

- Ốm đau, thai sản có xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền;

- Bị tai nạn có xác nhận của cảnh sát giao thông hoặc cơ sở y tế có thẩm quyền;

- Hỏa hoạn, lũ lụt, động đất, sóng thần, địch họa, dịch bệnh có xác nhận của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn.

Ngày nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp trong các trường hợp nêu trên là ngày người được ủy quyền trực tiếp nộp hồ sơ hoặc ngày ghi trên dấu bưu điện đối với trường hợp gửi theo đường bưu điện.

A.T

Ai được miễn thông báo tình trạng việc làm hàng tháng?

Bà Mai Lan Anh (Đông Anh, Hà Nội) hỏi: Việc thông báo về việc tìm kiếm việc làm hằng tháng được quy định như thế nào? Những trường hợp nào người lao động được miễn thông báo về việc tìm kiếm việc làm hằng tháng?

Trả lời:

Theo quy định Điều 10 Thông tư số 28/2015/TT-BLĐTBXH ngày 31/7/2015 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện Điều 52 của Luật việc làm và một số điều của Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật việc làm về bảo hiểm thất nghiệp thì trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp, hằng tháng người lao động phải trực tiếp thông báo về việc tìm kiếm việc làm với trung tâm dịch vụ việc làm nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp trừ các trường hợp sau:

- Người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp không phải thực hiện thông báo hằng tháng về việc tìm kiếm việc làm nếu thời gian thông báo về việc tìm kiếm việc làm nằm trong khoảng thời gian mà người lao động thuộc một trong các trường hợp sau:

+ Nam từ đủ 60 tuổi trở lên, nữ từ đủ 55 tuổi trở lên;

+ Người lao động được xác định thuộc danh mục bệnh phải điều trị dài ngày có giấy xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền;

+ Nghỉ hưởng chế độ thai sản có xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền. Riêng đối với trường hợp nam giới có vợ chết sau khi sinh con mà phải trực tiếp nuôi dưỡng con thì giấy tờ xác nhận là giấy khai sinh của con và giấy chứng tử của mẹ;

+ Đang tham gia khóa học nghề theo quyết định của Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội và có xác nhận của cơ sở dạy nghề;

+ Thực hiện hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 03 tháng.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày người lao động thuộc một trong các trường hợp tại các Điểm b, c, d, đ của Khoản này thì người lao động phải gửi thư bảo đảm hoặc ủy quyền cho người khác nộp giấy đề nghị không thực hiện thông báo hằng tháng về việc tìm kiếm việc làm và kèm theo bản chính hoặc bản sao có chứng thực một trong các giấy tờ theo quy định nêu trên đến trung tâm dịch vụ việc làm nơi người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp, trường hợp gửi theo đường bưu điện thì tính theo ngày gửi ghi trên dấu bưu điện. Sau khi hết thời hạn của một trong các trường hợp nêu trên, người lao động phải tiếp tục thực hiện thông báo về việc tìm kiếm việc làm theo quy định.

- Người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp không phải trực tiếp thông báo hằng tháng về việc tìm kiếm việc làm nếu thời gian thông báo về việc tìm kiếm việc làm nằm trong khoảng thời gian mà người lao động thuộc một trong các trường hợp sau:

+ Ốm đau nhưng không thuộc trường hợp quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều này có xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền;

+ Bị tai nạn có xác nhận của cảnh sát giao thông hoặc cơ sở y tế có thẩm quyền;

+ Bị hỏa hoạn, lũ lụt, động đất, sóng thần, địch họa, dịch bệnh có xác nhận của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn;

+ Cha, mẹ, vợ/chồng, con của người lao động chết; người lao động hoặc con của người lao động kết hôn có giấy xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn.

Các trường hợp không trực tiếp đến trung tâm dịch vụ việc làm thì chậm nhất trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày cuối cùng của thời hạn thông báo hằng tháng về việc tìm kiếm việc làm theo quy định, người lao động phải gửi thư bảo đảm hoặc ủy quyền cho người khác nộp bản chính hoặc bản sao có chứng thực một trong các giấy tờ theo quy định nêu trên đến trung tâm dịch vụ việc làm nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp, trường hợp gửi theo đường bưu điện thì tính theo ngày gửi ghi trên dấu bưu điện.

B.C