Sự kiện hy hữu: Bệnh nhân trả lại hơn 9 triệu đồng lạm dụng BHYT

(Dân trí) - Một bệnh nhân tại TP.HCM đã trả lại Quỹ BHYT hơn 9 triệu đồng do đã lạm dụng thẻ BHYT đi khám chữa bệnh nhiều lần tại các bệnh viện khác nhau. Đây là sự kiện hy hữu, lần đầu tiên xảy ra trong việc thanh toán, giám định BHYT tại VN.

Sự kiện hy hữu: Bệnh nhân trả lại hơn 9 triệu đồng lạm dụng BHYT - 1

Theo cơ quan Bảo hiểm xã hội TP.Hồ Chí Minh, bệnh nhân Nguyễn Gia H (47 tuổi, địa chỉ phường 2, quận 8, TP.Hồ Chí Minh) đã lợi dụng quy định khám bệnh BHYT thông tuyến để đi khám rất nhiều lần tại bệnh viện (BV) khác nhau trên địa bàn Thành phố.

Qua kiểm tra trên Hệ thống thông tin giám định BHYT, cơ quan BHXH đã phát hiện từ cuối tháng 6/2016 đến khoảng giữa tháng 1/2017, bệnh nhân này đi khám bệnh tới 319 lần.

Nhà ở quận 8, nhưng ông H thường đi nhiều bệnh viện khác trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh để khám và lấy thuốc. Đơn cử, ngày 13/10/2016, ông H đến khám ở BV quận 1, BV quận 3, BV quận Tân Bình và BV Y học cổ truyền TP.HCM.

Gần 2.800 người bệnh có tổng lượt khám 160.000 lần bất kể ngày Lễ, Tết

Qua 4 tháng đầu năm 2017, BHXH VN cho biết có gần 2.800 người có số lượt khám bệnh trung bình từ 50 lần, có trường hợp đi khám 123 lần. Trước thực tế này, BHXH VN sẽ tạm dừng hợp đồng với các cơ sở khám chữa bệnh trục lợi quỹ BHYT, thu thẻ BHYT của cá nhân trục lợi. Ngoài số gần 2.800 người có thẻ BHYT nêu trên với tổng số lượt khám hơn 160.000 (bất kể ngày cuối tuần, lễ và Tết), đại diện BHXH VN còn chia sẻ nhiều ví dụ cụ thể. Theo ông Dương Tuấn Đức, Giám đốc Trung tâm Giám định bảo hiểm y tế và thanh toán đa tuyến khu vực phía Bắc, cơ quan này còn phát hiện gần 200 trường hợp thường xuyên đến khám tại 4 cơ sở khám chữa bệnh trở lên với số tiền trên 7,7 tỉ đồng.

Bác sĩ Lưu Thị Thanh Huyền- Phó Giám đốc BHXH TP.Hồ Chí Minh cho biết: Sau khi phát hiện vụ việc, BHXH Thành phố đã mời ông H đến làm việc. Ông H cam kết sẽ không vi phạm các quy định về khám chữa bệnh BHYT; đồng thời, sẽ trả lại tiền đã lạm dụng từ việc đi khám bệnh nhiều lần tại các BV trên địa bàn như BV Y học cổ truyền, Viện Y dược học dân tộc, BV Tai Mũi Họng, BV Da Liễu, BV Quân dân miền Đông, BV quận 1, BV quận 5, BV quận Thủ Đức…

Được phía cơ quan BHXH phân tích, giải thích về hành vi lạm dụng, ông H đã hoàn trả lại Quỹ BHYT chi phí khám chữa bệnh trùng lắp thuốc do khám tại nhiều BV. Theo BHXH TP.Hồ Chí Minh, sau khi nộp lại tiền, bệnh nhân này đã không tái diễn việc đi khám chữa bệnh BHYT tràn lan như trước.

Bà Lưu Thị Thanh Huyền cho biết: Đối với các trường hợp bệnh nhân lạm dụng khám chữa bệnh BHYT, cơ quan BHXH gửi văn bản cho các cơ sở khám chữa bệnh mà bệnh nhân đã từng đi khám bệnh để rà soát. Cùng đó, cơ quan BHXH mời bệnh nhân có dấu hiệu lạm dụng đến làm việc để cảnh báo.

Nếu phát hiện về việc trùng lặp về cấp thuốc sẽ yêu cầu bệnh nhân phải bồi hoàn lại số tiền đó. Với các trường hợp cố tình lạm dụng, trước hết, cơ quan BHXH vận động hoàn trả lại số tiền vi phạm. Với các trường hợp không chịu thực hiện trả lại tiền, cơ quan BHXH sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý theo quy định.

Hoàng Mạnh

Tin liên quan:

Vỡ Quỹ BHXH - chuyện viển vông

Mới đây, trao đổi với viên Báo Dân trí, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội 2017 nhấn mạnh, vấn đề tăng tuổi hưu gắn với việc đảm bảo tính bền vững của quỹ BHXH lại được không ít người cho rằng nguyên nhân sâu xa là nhằm tránh vỡ quỹ BHXH.

Ông Bùi Sỹ Lợi giải thích: “Chúng ta vẫn còn “dư địa”. Mức đóng Quỹ BHYT hiện nay mới là 4,5 % lương cơ sở. Mức trần đóng cho phép lên tới 6 %. Chúng ta nên yên tâm bởi 2 quỹ BHYT và BHXH đều do Nhà nước bảo hộ và điều chỉnh. Đơn cử là lương hưu vẫn được Nhà nước điều chỉnh trong từng thời kỳ nhằm phần nào đảm bảo đời sống của người lao động khi hết tuổi lao động”. Qua báo chí, vị đại biểu Quốc hội trên đã gửi thông điện mạnh mẽ tới người dân: Hai quỹ này hoàn toàn nằm trong tầm quản lý chặt chẽ của Nhà nước. Tôi cũng đã nói nhiều lần: Chúng ta không nên dùng khái niệm “vỡ quỹ”, “thủng quỹ” bởi dễ làm dư luận hiểu nhầm". Được biết thời gian qua, thông qua nhiều cuộc toạ đàm tực tuyến do BHXH VN tổ chức với sự tham gia của báo giới, nhiều thông tin chính thống đã được công bố và giúp người dân hiểu đúng về câu chuyện nguy cơ vỡ quỹ BHXH.

H.M

Làm việc 3 năm, hưởng trợ cấp thất nghiệp ra sao?

Bà Lưu Thị Huệ (Nghĩa Lộ, Yên Bái), hỏi: Tôi làm việc cho công ty sản xuất đồ chơi ở huyện Chương Mỹ được 3 năm, hiện giờ tôi đã nghỉ việc và muốn hưởng trợ cấp thất nghiệp thì phải nộp hồ sơ ở đâu, hồ sơ gồm giấy tờ gì? và thời hạn nộp hồ sơ quy định như thế nào?

Trả lời:

- Theo quy định tại Khoản 1, Điều 17 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 của Chính Phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật việc làm về bảo hiểm thất nghiệp thì trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, người lao động chưa có việc làm mà có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp phải trực tiếp nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp theo đúng quy định tại Điều 16 của Nghị định này cho trung tâm dịch vụ việc làm tại địa phương nơi người lao động muốn nhận trợ cấp thất nghiệp.

- Theo quy định tại Điều 16 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP nêu trên thì hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp bao gồm:

+ Đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định.

+ Bản chính hoặc bản sao có chứng thực của một trong các giấy tờ sau đây xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc: Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã hết hạn hoặc đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động;Quyết định thôi việc; Quyết định sa thải; Quyết định kỷ luật buộc thôi việc; Thông báo hoặc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc. (Trường hợp người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 43 Luật Việc làm thì giấy tờ xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng là bản chính hoặc bản sao có chứng thực của hợp đồng đó).

+ Sổ bảo hiểm xã hội (tổ chức bảo hiểm xã hội thực hiện xác nhận về việc đóng bảo hiểm thất nghiệp và trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị của người sử dụng lao động).

Như vậy, bà Huệ muốn hưởng trợ cấp thất nghiệp thì phải nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi bà muốn hưởng trợ cấp thất nghiệp, thành phần hồ sơ và thời hạn nộp hồ sơ thực hiện theo các quy định nêu trên.

Việc làm

Chế độ bảo hiểm thất nghiệp khi ra sao khi nghỉ việc trong thời gian thai sản?

Bà Hoàng Thị Nhung (Yên Phong, Bắc Ninh), hỏi: Tôi đang trong thời gian nghỉ thai sản đến tháng thứ 4 thì xin nghỉ việc, vậy tôi có được hưởng chế độ thất nghiệp và chế độ thai sản không?

Trả lời:

- Theo quy định tại Điều 49 Luật việc làm thì người lao động quy định tại Khoản 1 Điều 43 của Luật này đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có đủ các điều kiện sau:

+ Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp: người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật; hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng;

+ Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 43 của Luật này; đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 43 của Luật này;

+ Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm do cơ quan quản lý nhà nước về việc làm thành lập trong thời thời hạn 03 tháng, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc;

+ Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trừ các trường hợp sau đây: thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên; chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù; ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng; chết.

- Theo quy định tại Khoản 2 Điều 12 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 03 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp thì người lao động đang đóng bảo hiểm thất nghiệp là người lao động có tháng liền kề trước thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã đóng bảo hiểm thất nghiệp và được tổ chức bảo hiểm xã hội xác nhận. Tháng liền kề bao gồm cả thời gian sau:

+ Người lao động có tháng liền kề trước thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc nghỉ việc hưởng chế độ thai sản hoặc ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên không hưởng tiền lương tháng tại đơn vị mà hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội;

+ Người lao động có tháng liền kề trước thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc mà tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã giao kết theo quy định của pháp luật không hưởng tiền lương tháng tại đơn vị.

Như vậy, trường hợp của bà Nhung đang trong thời gian nghỉ thai sản nếu đáp ứng đủ các điều kiện theo các quy định nêu trên thì được hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Việc làm​