Trở lại làm việc, người lao động Quảng Nam ngậm ngùi với phí xét nghiệm
(Dân trí) - Để đáp ứng đủ điều kiện được qua chốt, người lao động từ Quảng Nam ra Đà Nẵng phải chi hết gần một ngày lương để xét nghiệm Covid-19. Nhiều người đành ngậm ngùi quay đầu xe, gác lại công việc.
Dù đã có văn bản quy định chi tiết về việc qua lại giữa 2 địa phương Đà Nẵng và Quảng Nam, tuy nhiên theo ghi nhận của PV Báo Dân trí vào ngày 4/10 ở các chốt kiểm dịch, không ít người dân, nhất là những người lao động ở tỉnh Quảng Nam quay trở ra TP Đà Nẵng làm việc vẫn loay hoay với thông tin về việc qua lại.
Bên cạnh một số trường hợp phải quay về do thiếu điều kiện và chưa thực sự cần kíp, thì nhiều người khác, nhất là lao động phổ thông, khi đến chốt mới biết là cần kết quả xét nghiệm mới được qua chốt nên đã kiên nhẫn trong nhiều giờ đồng hồ để chờ kết quả hoặc đi xét nghiệm tại các bệnh viện ở tỉnh Quảng Nam.
Theo phản ánh của nhiều người lao động, dù biết đây là biện pháp phòng chống dịch của 2 địa phương Quảng Nam và Đà Nẵng, và là điều kiện chung để được qua lại chốt kiểm soát dịch nhưng với phí xét nghiệm mất cả một ngày công lao động thì người lao động rất "tâm tư". Nhiều người đã phải ngậm ngùi quay đầu xe, gác lại công việc.
Ông Ngô Xuân Thành (49 tuổi, quê huyện Quế Sơn, Quảng Nam) đã cùng 3 người đồng nghiệp lặn lội từ quê ra Đà Nẵng để làm thợ xây cho một công trình tại quận Cẩm Lệ.
Sau khi biết thông tin muốn ra lại Đà Nẵng làm việc phải có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ, ông đã đến bệnh viện Bình An (thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên) xét nghiệm. Đến sáng 4/10, ông đã đủ điều kiện để ra Đà Nẵng làm việc và chỉ ngồi chờ khai báo y tế tại chốt.
Nhưng điều mấu chốt khiến ông Thành tâm tư đó là với thu nhập của một người thợ xây dựng "lương 3 cọc, 3 đồng" thì chi phí cho việc xét nghiệm Covid-19 đã mất xấp xỉ một ngày công.
"Với những người làm xây dựng như chúng tôi, chi phí xét nghiệm đã hơn nửa ngày công nhưng chỉ hiệu lực được 3 ngày. Nên chúng tôi ra đây phải ở lại luôn công trình chờ khi nào việc qua lại giữa 2 bên được nới lỏng hơn thì về lại. Chứ cứ vào ra lại mất gần một ngày lương thì lấy đâu ra tiền", ông Thành than thở.
Chúng tôi gặp ông Lâm Văn Thiệu (52 tuổi, quê huyện Thăng Bình) tại chốt kiểm soát dịch giữa Quảng Nam và Đà Nẵng, ông cho hay đang mắc căn bệnh ung thư phổi nên phải ra bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng để tái khám.
Sáng 4/10, ông và cậu con trai đã đi xét nghiệm SARS-CoV-2 với giá 200 nghìn đồng/người và có kết quả âm tính. Dù biết đây là điều kiện chung để kiểm soát dịch bệnh và được di chuyển giữa 2 địa phương nhưng với những làm nông và đang có bệnh hiểm nghèo như ông thì số tiền 400 nghìn đồng để xét nghiệm là rất lớn.
"Tôi còn rất nhiều chi phí phải lo, tiền viện phí và cả tiền sinh hoạt của 2 người. Sáng nay tiền xét nghiệm và cả tiền xăng xe đã tiêu tốn hết của tôi hơn 500 nghìn đồng. Với tôi, số tiền đó cũng là một con số khá lớn nhưng vì điều kiện bắt buộc nên cũng đành chi trả thôi", ông Thiệu chia sẻ.
Theo văn bản của TP Đà Nẵng, đối với người dân trước khi vào thành phố, là những người ở trong khu vực vùng xanh, khu vực không có ca mắc Covid-19 trong vòng 14 ngày, khu vực không thực hiện Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 của Thủ tướng. Ngoài ra, phải có kết quả xét nghiệm âm tính bằng phương pháp PCR trong vòng 72 giờ, trước khi vào Đà Nẵng phải thực hiện đăng ký trực tuyến để cấp mã QR Code.
Một số hình ảnh được PV ghi lại: