Chuyến hồi hương "bão táp" của lao động miền Tây: Quên Sài Gòn rồi!

(Dân trí) - Nắng nóng, đường xa, phải làm thủ tục ở nhiều chốt kiểm soát, nhiều người trong chuyến hồi hương mệt lả. Gần như kiệt sức nhưng đâu đó trong mắt mỗi người là sự nhẹ nhõm vì sắp được về nhà.

3 tháng thất nghiệp, không còn tiền ăn, tiền trọ

TPHCM, Bình Dương,... từng được xem là miền đất hứa cho giấc mộng "đổi đời" của người dân miền Tây nhưng khi dịch Covid-19 bùng phát, hàng chục ngàn lao động phải khăn gói về quê mang theo nhiều nỗi niềm khó tả.

Sau hành trình dài mệt mỏi, nhiều người vừa tới chốt kiểm soát dịch ở Cần Thơ đã nằm vật ra, dang cả tay, chân, ngủ li bì. Khu vực quanh chốt kiểm dịch, mùi mồ hôi, mùi thức ăn lẫn mùi dung dịch sát khuẩn y tế... không hề dễ chịu dưới trời nắng nóng.

Chuyến hồi hương bão táp của người lao động miền Tây

Chiều ngày 30/9, vợ chồng chị Huỳnh Thị Mạnh (quê huyện Vĩnh Thạnh, Cần Thơ) cùng cậu con trai nhỏ bắt đầu xuất phát từ Quận 7, TPHCM  về quê. Hành trình của họ là quãng đường gần 200 km với một chiếc xe máy cùng nhiều đồ đạc lỉnh kỉnh.

Họ đã đi qua hàng loạt chốt kiểm dịch, bất kể mưa gió. Thậm chí, cả nhà chị đã phải ngủ dọc đường. Cuối cùng, ngày 2/10, vợ chồng con cái cũng về đến quê nhà.

Hai vợ chồng chị lên Mạnh TPHCM làm công nhân được hơn 2 năm nay. Dịch ập đến, nhà máy đóng cửa nên vợ chồng chị cũng phải nghỉ làm.

"Chúng tôi thất nghiệp gần 3 tháng rồi, không còn tiền ăn và tiền trọ, lại sợ bị nhiễm bệnh nên buộc lòng chúng tôi phải về quê", chị Mạnh trình bày.

Chuyến hồi hương bão táp của lao động miền Tây: Quên Sài Gòn rồi! - 1

Gia đình chị Huỳnh Thị Mạnh tại chốt kiểm soát phòng chống dịch Covid-19 Cần Thơ (Ảnh: Bảo Kỳ).

Theo lời chị Mạnh, do không có thu nhập nên chị và người dân trong dãy trọ phải sống nhờ vào sự giúp đỡ của chính quyền và mạnh thường quân. Tuy nhiên, sự giúp đỡ ấy vẫn không thể đủ. Một túi gạo, túi rau có khi phải chia cho 3- 4 hộ. Con nhỏ nhiều ngày khát sữa mà không có tiền mua.

Sau cuộc trò chuyện chớp nhoáng, gia đình chị Mạnh tiếp tục lên đường, đến thẳng nơi cách ly tập trung. Lúc này, con trai của chị, cậu bé chừng 4 tuổi được xếp nửa đứng, nửa ngồi cùng với chiếc vali ở phía trước, òa khóc và lắc đầu không chịu đi vì quá mệt. Anh chị phải ra sức dỗ dành nhưng cậu bé vẫn không nín.

Nguoi lao dong mien Tay hoi huong.

Lao động miền Tây từ TPHCM về qua chốt kiểm soát Cần Thơ (Ảnh: Bảo Kỳ).

"Dù vất vả và mệt mỏi nhưng vợ chồng tôi vẫn cảm thấy may mắn khi được chính quyền TP Cần Thơ tạo điều kiện để trở về quê. Trên đường về, chúng tôi thấy nhiều người phải đi xe đạp, thậm chí đi bộ, rồi có những trường hợp vẫn còn kẹt lại ở một số chốt kiểm dịch", chị Mạnh bày tỏ.

Biết hành trình hồi hương không dễ dàng nhưng...

Đứng cạnh với vợ chồng chị Mạnh ở chốt kiểm dịch là cha con anh Lê Chí Hải. Anh Hải cho biết, vợ chồng anh lên TPHCM làm công nhân đã nhiều năm nay. Anh chị phải gửi con cho ông bà ngoại ở quận Ô Môn, Cần Thơ nuôi nấng và lo cho cháu học hành.

Người lao động miền Tây hồi hương

Những chiếc xe lỉnh kỉnh đồ đạc, đây là tất cả tài sản họ mang theo khi rời thành phố (Ảnh: Bảo Kỳ)

Hơn 3 tháng trước, con gái anh được cha đón lên TPHCM chơi nhưng vì dịch bệnh, anh không thể đưa con về quê nhập học. "Con gái tôi hiện đang học lớp 4. Gần tới thời gian nhập học rồi nên tôi phải tranh thủ đưa cháu về quê để kịp đến trường. Do không có xe khách nên tôi phải chạy xe máy", anh Hải tâm sự.

Tấp vào chốt để xuất trình giấy tờ, anh Lê Tiến Lên (quê ở huyện Thới Lai, Cần Thơ) cho biết, anh bị "mắc kẹt" ở Bình Dương suốt mấy tháng qua. Thất nghiệp, tiền chẳng còn, không còn cách để cầm cự nên anh phải chạy xe máy về quê mặc dù biết hành trình chẳng dễ dàng.

Chuyến hồi hương bão táp của lao động miền Tây: Quên Sài Gòn rồi! - 4

Để tiếp sức cho người đi đường, lực lượng trực chốt kiểm dịch còn nấu mì mang cho người dân ăn lót dạ (Ảnh: Bảo Kỳ).

 "5h chiều ngày 30/9, tôi chạy xe máy từ Bình Dương về đến trạm kiểm soát ở Long An và kẹt ở đó cả đêm. Đến khi test nhanh có kết quả âm tính tôi mới được qua chốt, lúc đó trời cũng đã sáng. Trên đường đi không có một hàng quán nào dọc đường, may nhờ có các anh công an ở chốt cho đồ ăn, nước uống để cầm hơi. Tôi rất xúc động vì những quan tâm của mọi người dành cho mình", anh Lên chia sẻ.

Những người về được tới cửa ngõ vào Cần Thơ thở phào vì TPHCM, Bình Dương đã ở sau lưng, họ hài hước trêu đùa: "Quên" Sài gòn, Bình Dương rồi!

Nói về tương lai, những lao động hồi hương trầm tư, giờ về quê chưa biết sẽ kiếm nghề gì để làm nhưng ở lại thành phố cũng không xong. Mấy tháng thất nghiệp, tiền ăn không còn, tiền đóng nhà trọ cũng không có và về quê là con đường, là chỗ dựa duy nhất của những người tha hương, lỡ bước lúc này.

Chuyến hồi hương bão táp của lao động miền Tây: Quên Sài Gòn rồi! - 5

CSGT Cần Thơ hướng dẫn người dân hồi hương các thủ tục trước khi về nhà (Ảnh: Bảo Kỳ).

Được biết, trong 2 ngày qua, có khoảng một trăm người dân chạy xe máy về từ các tỉnh Đông Nam bộ về Cần Thơ đã được về địa phương.

Ông Nguyễn Thực Hiện - Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết, quan điểm của TP Cần Thơ là sẽ đón hết công dân ở các địa phương trở về.

Sau khi vào Cần Thơ, người dân sẽ được kiểm tra sức khỏe và đưa cách ly tập trung tại Ký túc xá Khu 1 trường Đại học Cần Thơ. Thành phố đã giao cho ngành y tế tham mưu, quyết định về thời gian cách ly theo quy định của Bộ Y tế.