1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Đà Nẵng:

Thợ sửa xe làm việc không ngơi tay sau ngày được mở lại tiệm

Nguyễn Tri

(Dân trí) - Sau khi Đà Nẵng trở lại trạng thái bình thường mới, các tiệm sửa xe trên địa bàn tấp nập khách, nhân viên tất bật không ngơi tay.

Tất bật không ngơi tay

Đã 12h trưa nhưng ông Lê Trung Thịnh - chủ tiệm sửa xe Thành Hưng trên đường Trần Kế Xương (quận Hải Châu, Đà Nẵng) cùng 3 người thợ chưa được nghỉ tay ăn cơm trưa.

4 thầy trò tất bật sạc điện, thay bình điện, thay nhớt, thay dầu, bảo dưỡng xe máy… cho khách. Nhiều khách tranh thủ giờ trưa dắt xe đến sửa, ông Thịnh cũng chỉ xua tay bảo khách qua tiệm khác hoặc để xe lại rồi chiều ra lấy.

Thợ sửa xe làm việc không ngơi tay sau ngày được mở lại tiệm - 1
Ông Phạm Duy Chư (bên trái) cùng các nhân viên luôn tay kiểm tra xe cho khách (Ảnh: Nguyễn Tri).

"Dạo này là khách bớt đông rồi. Mấy ngày đầu nới giãn cách, tiệm thường xuyên không còn chỗ xếp xe của khách chờ sửa. Đông vậy nhưng tôi cũng không từ chối người ta được vì tiệm nào cũng đông, nhiều hôm nhân viên trong quán chỉ nhai tạm bánh mì qua trưa để ráng làm cho xong", ông Thịnh nói.

Sau hơn 2 tuần mở cửa trở lại, hiện trung bình mỗi ngày, tiệm của ông Thịnh nhận sửa khoảng 20 - 30 xe/ngày. Tuy không còn đông như mấy hôm đầu nhưng ông Thịnh và nhân viên vẫn khá tất bật.

"Được mở tiệm lại là tôi mừng rớt nước mắt. Nghỉ dịch, hết tiền ăn, nhà tôi phải đập ống heo tiết kiệm của con để trang trải. Tiệm sửa xe đóng, vợ cũng nghỉ việc, tiền đâu mà lo cho gia đình 4 miệng ăn", ông Thịnh kể.

Thợ sửa xe làm việc không ngơi tay sau ngày được mở lại tiệm - 2
Sau nhiều ngày "ở yên", đa phần xe máy của người dân đều bị hư hỏng, gặp sự cố (Ảnh: Nguyễn Tri).

Từ khi Đà Nẵng cho phép mở các hoạt động dịch vụ chăm sóc, bảo dưỡng, sửa chữa xe gắn máy, xe ô tô, các tiệm sửa xe trên tuyến đường lớn như: Hải Phòng, Hùng Vương, Trần Cao Vân, Trần Kế Xương… đều đông khách, thợ sửa phải làm việc không ngơi tay.

Tiệm sửa xe của ông Phạm Duy Chư - Chủ tiệm Duy Chư (đường Hải Phòng, quận Thanh Khê) lúc nào cũng nườm nượp khách. Ông chủ cùng các nhân viên luôn tay tra dầu, thay nhớt, kiểm tra bình điện…

"Sau 20 ngày "ở yên", đa phần xe máy của người dân đều bị hư hỏng, gặp sự cố. Các lỗi chủ yếu là xẹp lốp, hư bình điện do để lâu ngày không sử dụng, chuột cắn dây điện… Đa phần xe nào tới cũng yêu cầu thay dầu, thay nhớt luôn, kèm sửa lỗi nên lượng công việc khá nhiều", ông Chư cho hay.

Mỗi ngày, tiệm của ông nhận sửa khoảng 15 - 20 xe máy. "Những ngày sau khi phong tỏa, tiệm cũng kiếm khá hơn ngày thường, giúp trang trải được các khoản tiền thuê mặt bằng, lương nhân viên…", ông Chư nói.

"Cháy" linh kiện, phụ tùng xe máy

Dựng chiếc xe máy ở khu vực chờ, chị Lê Thanh Nhàn (quận Thanh Khê, Đà Nẵng) dặn chủ tiệm bơm lại lốp xe và thay bình nhớt mới để xe chạy tốt hơn. Chị cũng "than" với chủ tiệm quen rằng mấy ngày nay lúc nào ghé cũng đông nghịt.

"Lúc ở nhà, cứ 3-5 ngày, tôi nổ máy xe một lần để tránh tình trạng hết bình điện. Nên sau khi được phép đi làm lại, xe tôi vẫn có thể chạy tạm được. Thời điểm đó khách đông quá, tôi lại đi làm giờ hành chính, không chờ lâu được nên đến giờ mới có thể đi sửa xe", chị Nhàn cho hay.

Thợ sửa xe làm việc không ngơi tay sau ngày được mở lại tiệm - 3

Các nhân viên trong tiệm sửa xe của ông Phạm Duy Chư luôn tất bật bảo dưỡng xe cho khách (Ảnh: Nguyễn Tri).

Tất bật, đông khách là vậy nhưng các chủ tiệm sửa xe đều có chung nỗi lo về phụ tùng, linh kiện. Do tình hình giãn cách của các địa phương trên cả nước nên phụ tùng, linh kiện đang khan hiếm và bắt đầu tăng giá, nhất là bình điện cho xe ga.

Theo ông Chư, nguồn hàng được nhập chủ yếu từ TPHCM, tuy nhiên thành phố này đang có dịch bệnh nên việc lưu thông hàng hóa gặp rất nhiều khó khăn.

"Trước dịch tôi có trữ một số lượng phụ tùng nhất định để bán. Nhưng hiện khách hàng cũng không có sự lựa chọn trong việc thay thế linh kiện phụ tùng, đa phần là có gì dùng đó", ông Chư chia sẻ.

Thợ sửa xe làm việc không ngơi tay sau ngày được mở lại tiệm - 4
Tại nhiều tiệm sửa xe, phụ tùng, linh kiện đang khan hiếm và bắt đầu tăng giá (Ảnh: Nguyễn Tri).

Tương tự, tiệm sửa xe của ông Thịnh hiện cũng đang "cháy" bình điện, linh kiện thì thiếu. Đặc biệt, một số mặt hàng để phục vụ sửa xe cũng bắt đầu tăng giá. Tuy nhiên, vì muốn chia sẻ những khó khăn với khách, ông Thịnh chấp nhận không tăng giá sửa xe mà còn giảm giá cho khách.

"Tôi sửa xe lấy giá cũ, nhưng đi mua phụ tùng thì giá cao hơn, từ đó khiến thu nhập sẽ giảm lại. Nhưng kệ, trong lúc dịch bệnh ai cũng khó khăn hết, mình cũng phải giảm giá chút ít để giữ khách", ông Thịnh tâm sự.