1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Thương lái mang đủ loại nông sản giả mạo đến Đà Lạt để "ép" nông dân

Minh Hậu

(Dân trí) - Ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, không riêng gì khoai tây Trung Quốc, nhiều loại nông sản khác được thương lái nhập về, giả mạo nông sản Đà Lạt.

Ngày 26/9, tại Lâm Đồng diễn ra tọa đàm Giải pháp bảo vệ thương hiệu nông sản Đà Lạt.

Ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, Lâm Đồng là địa phương có sự khác biệt trong sự phát triển nông nghiệp với nhiều loại cây trồng đặc trưng.

Thương lái mang đủ loại nông sản giả mạo đến Đà Lạt để ép nông dân - 1

Toàn cảnh buổi tọa đàm (Ảnh: An Chi).

Thời gian qua, địa phương đã xây dựng các thương hiệu nông sản nhằm quảng bá, thúc đẩy sự cạnh tranh, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Đặc biệt, thương hiệu "Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành" có giá trị lớn và tập trung quảng bá cho ngành sản xuất rau, hoa, cà phê arabica, du lịch canh nông của Đà Lạt và vùng phụ cận.

Theo ông Phạm S, trái ngược với nỗ lực xây dựng, phát triển thương hiệu nông sản đặc trưng Đà Lạt, thời gian qua nhiều cơ sở kinh doanh có hành vi gian lận thương mại. Nhiều loại nông sản như: khoai tây, cà rốt, dâu tây từ nơi khác được thương lái đưa về địa phương để giả mạo nông sản Đà Lạt rồi cung ứng ra thị trường.

Đặc biệt, khoai tây Trung Quốc được thương lái nhập về, trộn đất đỏ rồi giả mạo nông sản Đà Lạt lừa người tiêu dùng.

Theo ông Phạm S, hành vi gian lận thương mại, biến các nông sản không xuất xứ thành nông sản Đà Lạt diễn ra từ năm 2016 và đây là những "hạt sạn" không đáng có, cần phải xử lý triệt để.

Thương lái mang đủ loại nông sản giả mạo đến Đà Lạt để ép nông dân - 2

Ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng phát biểu tại cuộc hội thảo (Ảnh: An Chi).

Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó tổng biên tập báo Pháp luật TPHCM cho biết, nông sản của thành phố Đà Lạt và các vùng phụ cận thành phố này đã trở thành đặc trưng với thương hiệu "Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành". Thương hiệu nông sản Đà Lạt đang được cơ quan chức năng thực hiện các thủ tục đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại các quốc gia: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore.

Tuy nhiên, tình trạng xâm phạm các thương hiệu nông sản còn diễn ra; các hành vi này ngày càng tinh vi, phức tạp.

"Những hành vi xâm hại đến thương hiệu nông sản Đà Lạt không chỉ có dấu hiệu vi phạm phát luật, lừa dối người tiêu dùng, gây thiệt hại nặng nề cho bà con nông dân sản xuất, các doanh nghiệp làm ăn chân chính mà còn xâm phạm nghiêm trọng đến thương hiệu nông sản Việt nói chung, Đà Lạt nói riêng.

Việc này làm mất uy tín thương hiệu nông sản, khiến người tiêu dùng hiểu lầm, ảnh hưởng đến tính cạnh tranh trên thị trường", ông Hiển nói.

Ông Nguyễn Đình Thiện, Phó trưởng Phòng Kinh tế thành phố Đà Lạt đề xuất cơ quan chức năng tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về lĩnh vực sở hữu trí tuệ.

Theo ông Thiện, cần thực hiện tốt công tác hậu kiểm, sớm phát hiện và ngăn chặn tình trạng giả mạo thương hiệu; cùng với các giải pháp trên, việc xây dựng thương hiệu sản phẩm, mở rộng quy mô sản xuất, chế biến, bảo quản sau thu hoạch cũng cần được quan tâm, thực hiện.

Thương lái mang đủ loại nông sản giả mạo đến Đà Lạt để ép nông dân - 3

Lực lượng Công an tỉnh Lâm Đồng kiểm tra cơ sở hô "biến" khoai tây Trung Quốc thành khoai tây Đà Lạt (Ảnh: V. Tùng).

Lãnh đạo Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kiến nghị các bộ liên quan tập trung nguồn lực, hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý của Việt Nam tại thị trường nước ngoài.

Các địa phương thực hiện xây dựng nhãn hiệu sản phẩm; tuyên truyền, nâng cao nhận thức pháp luật, tăng cường thanh tra, kiểm tra, phòng chống hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng giả, hàng nhái để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Tiến sĩ Dương Thái Trung, Chuyên viên cao cấp Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết, tình trạng khoai tây Trung Quốc "biến" thành khoai tây Đà Lạt là hành vi giả mạo xuất xứ, hàng hóa, bao bì. Tùy tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc hình sự.

Ông Trung đề xuất xử lý triệt để vi phạm, quản lý chặt nguồn cung bằng các quy định chặt chẽ; tăng cường truy xuất nguồn gốc nông sản, tuyên truyền pháp luật về thương hiệu, sở hữu trí tuệ.