Hải quan ngăn chặn hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ trong xuất nhập khẩu

Toàn Thịnh

(Dân trí) - Trong thời gian qua, tình hình buôn lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, trong đó có giả mạo nhãn hiệu, trên các tuyến biên giới nói chung và tuyến chuyển phát nhanh nói riêng, có những diễn biến phức tạp.

Hàng buôn lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ thường xảy ra ở các mặt hàng như thuốc lá, rượu, hàng tiêu dùng, thực phẩm, thực phẩm chức năng, thuốc tân dược, mỹ phẩm, đông dược, các mặt hàng thời trang giả các nhãn hiệu nổi tiếng như quần áo, giày dép, túi ví, valy, đồng hồ đeo tay hay các mặt hàng bách hóa, điện, điện tử đồ gia dụng, máy móc thiết bị, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng, không có công bố hợp quy, sai quy định về nhãn mác, giả mạo xuất xứ…

Địa bàn trọng điểm thường xảy ra các vụ thẩm lậu hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ là Lạng Sơn, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội, Hà Tĩnh (cửa khẩu Cầu Treo), Quảng Trị (cửa khẩu Lao Bảo), Quảng Bình (cửa khẩu Cha Lo) và Đà Nẵng, các tỉnh thuộc tuyến biên giới Tây Nam, Tây Ninh, Bình Phước, địa bàn TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu…

Để kịp thời phòng ngừa và kiểm soát tốt tình hình, cơ quan hải quan đã ban hành Kế hoạch 1364 ngày 28/3/2023 về việc kiểm soát chống buôn lậu hàng giả, hàng hóa giả mạo quyền sở hữu trí tuệ và hàng xâm phạm quyền hữu trí tuệ năm 2023. Đồng thời, cơ quan này đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng kịp thời phát hiện và ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, góp phần đảm bảo an ninh, an toàn xã hội và chống thất thu ngân sách Nhà nước.

Hải quan ngăn chặn hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ trong xuất nhập khẩu - 1

Chi cục Hải quan Cửa khẩu Cảng Hải Phòng khu vực III - Cục Hải quan Hải Phòng kiểm tra danh mục hàng hóa nhập khẩu.

Riêng trong lĩnh vực thương mại điện tử, cơ quan hải quan chỉ ra rằng nhiều đối tượng thông qua các sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội để đặt hàng giả, giả mạo nhãn hiệu, hàng nhái... từ nước ngoài sau đó không khai, khai sai hoặc mang vác qua biên giới để nhập lậu vào Việt Nam tiêu thụ. Các đối tượng này lợi dụng chia tách hàng hóa thành nhiều đơn hàng, vận đơn thứ cấp, tờ khai hải quan với trị giá khai báo dưới một triệu đồng/tờ khai để đáp ứng điều kiện khai báo tờ khai giá trị giá thấp (MIC) và được miễn thuế.

Theo thống kê, lượng hàng hóa xuất nhập khẩu qua đường chuyển phát nhanh quốc tế về Việt Nam hiện phát triển nhanh chóng, lên tới hàng trăm nghìn gói, kiện mỗi ngày, kéo theo nguy cơ hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng trốn thuế tăng cao...

Các đối tượng cũng mạo danh tổ chức, doanh nghiệp hoặc cá nhân có uy tín, sử dụng hình ảnh bắt mắt, hình ảnh thật, chính hãng để thực hiện giao dịch thương mại điện tử nhằm chiếm đoạt tài sản, hàng hóa, đánh cắp thông tin tài khoản tín dụng, sau đó sử dụng thông tin lấy cắp được để mua bán hàng hóa trực tuyến hoặc rút tiền trong tài khoản để chiếm đoạt. Bên cạnh đó, hàng hóa được phân tán nhỏ lẻ, sử dụng nhà ở, chung cư trở thành nơi cất giấu, lợi dụng tính chất giao dịch giữa người mua và người bán không biết nhau, chỉ thông qua mạng internet, đặc điểm người mua thường phải thanh toán trước nên các đối tượng dễ dàng chiếm đoạt tiền của người mua hoặc chuyển hàng không đúng số lượng, mẫu mã chủng loại, hàng kém chất lượng cho người mua.

Theo báo cáo của lực lượng hải quan địa phương về kết quả phát hiện, xử lý các vụ việc liên quan đến hàng giả, giả mạo nhãn hiệu trong đó có lĩnh vực thương mại điện tử, trong năm 2023, toàn ngành Hải quan đã đấu tranh, bắt giữ xử lý 15.993 vụ việc, trị giá hàng hóa vi phạm 12.475 tỷ đồng.

Trong đó, 60 vụ việc vi phạm về hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và hàng giả xuất xứ, trị giá vi phạm ước tính 32,686 tỷ đồng. Hàng hóa vi phạm chủ yếu liên quan đến tiêu dùng như quần áo, giày dép, túi xách, thắt lưng, thuốc lá, hàng tiêu dùng là điện tử. Các nhãn hiệu thường bị giả mạo là LV, Gucci, Nike, Chanel, Adidas, Hermes,…

Xuất phát từ tình hình trên, để chủ động kiểm soát tình hình, kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn các hành vi buôn lậu các mặt hàng này, ngày 26/3 vừa qua, Tổng cục Hải quan tiếp tục ban hành Kế hoạch số 1244 về việc kiểm soát chống buôn lậu hàng giả, hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ năm 2024. Theo đó, Hải quan sẽ tập trung kiểm soát các loại hình xuất, nhập khẩu kinh doanh, sản xuất xuất khẩu, gia công xuất khẩu các mặt hàng tiêu dùng, may mặc, giày da...