Thừa Thiên Huế: Cán bộ xã làm việc ban đêm phục vụ chi gói 62.000 tỷ đồng
(Dân trí) - Do lượng hồ sơ nộp rất lớn, nhiều cán bộ UBND cấp xã ở Thừa Thiên Huế trong các ngày qua phải làm việc vào buổi đêm để thống kê, rà soát đối tượng bị ảnh hưởng bởi Covid-19.
Theo Sở LĐ,TB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế, những ngày này đang là cao điểm của việc rà soát, thống kê các đối tượng bị ảnh hưởng Covid-10.
Lượng hồ sơ được các đối tượng nộp về UBND cấp xã rất lớn. Trên cơ sở đó, cán bộ tiếp nhận phải tiến hành số hóa, nhập vào phần mềm dịch vụ công trực tuyến.
Theo chỉ đạo từ lãnh đạo tỉnh, tất cả các UBND cấp xã, huyện đều thành lập tổ thẩm định hồ sơ. Đối với cấp xã, thành phần ngoài lãnh đạo và công chức cấp xã thì còn có một số cán bộ bán chuyên trách.
Công việc nhiều đã tạo áp lực không nhỏ cho cán bộ tiếp nhận hồ sơ tại cấp xã. Để đảm bảo tiến độ, các thành viên tổ thẩm định hồ sơ cấp xã phải làm việc thường xuyên, làm đến đêm, kể cả ngày nghỉ cho kịp.
Hiện tại, các địa phương đã tiếp nhận hồ sơ của 21.404 người ở 4 nhóm đối tượng là: Người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; Người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; Hộ kinh doanh; Người lao động làm việc không giao kết hợp đồng lao động với tổng kinh phí hỗ trợ là hơn 21,6 tỷ đồng.
Nguyên nhân của việc hồ sơ được số hóa chậm là do các địa phương khi tiếp nhận hồ sơ giấy của đối tượng đã phải tiến hành các quy trình, thủ tục theo quy định tại Quyết định 15/2020/QĐ-TTg trước khi thực hiện theo quy trình nội bộ của UBND tỉnh.
Căn cứ quy quy trình tiếp nhận hồ sơ của UBND tỉnh, hiện tại các địa phương đã số hóa, nhập vào phần mềm hành chính công chỉ mới 274 hồ sơ trên tổng số 21.404 hồ sơ của 4 nhóm đối tượng trên.
Bắt đầu từ ngày 26/5, hồ sơ liên thông từ cấp xã sẽ chuyển lên cấp huyện để thẩm định trước khi trình UBND tỉnh.
Trước vấn đề áp lực cho cán bộ xã thẩm định hồ sơ, lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, tỉnh vẫn chưa có cơ chế hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho công tác thẩm định hồ sơ bao gồm chi phí hành chính cũng như thù lao.
“Do đây là công việc đột xuất, đòi hỏi phải giải quyết trong khoảng thời gian ngắn cho các đối tượng nên Sở LĐ-TB&XH đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tài chính tham mưu, hướng dẫn hỗ trợ kinh phí văn phòng phẩm do in ấn biểu mẫu, tờ khai phát cho người dân…" - bà Phan Minh Nguyệt, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế trao đổi.
Bên cạnh đó, bà Nguyệt kiến nghị bồi dưỡng thêm các thành viên tổ thẩm định các cấp, có quy định về mức hỗ trợ kinh phí cho 1 hồ sơ được thẩm định, tạo điều kiện để các địa phương hoàn thành nhiệm vụ.
Theo bà Nguyệt, do tình hình bệnh Covid-19 cơ bản đã được kiểm soát, các thành phần kinh tế đã hoạt động trở lại và người lao động đã quay lại làm việc. Do vậy, số lượng đối tượng được hỗ trợ sẽ thấp hơn so với dự kiến ban đầu.
Dự kiến, tổng số đối tượng được hỗ trợ của Thừa Thiên Huế theo lũy kế đến hết tháng 6/2020 sẽ là 33.970 người với tổng kinh phí hơn 35,1 tỷ đồng.
Đại Dương