Thu nhập thấp, công nhân tính chuyện bỏ phố về quê
Phần lớn công nhân làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất đều phải đi thuê trọ. Cùng với mức thu nhập thấp nên dù đã đi làm nhiều năm, song đời sống của họ vẫn rơi vào tình cảnh bấp bênh.
Phần lớn công nhân làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất đều phải đi thuê trọ. Cùng với mức thu nhập thấp nên dù đã đi làm nhiều năm, song đời sống của họ vẫn rơi vào tình cảnh bấp bênh.
Không dám mơ tới chuyện làm nhà
Nằm sâu trong một con ngõ nhỏ ở thôn Hậu Dưỡng, xã Kim Chung (Đông Anh, Hà Nội), dãy trọ của vài gia đình công nhân hiện lên lụp xụp và chật hẹp.
Ở phía trong, dưới tấm bạt được căng thêm để lấy không gian sinh hoạt chung của dãy trọ, vợ chồng anh Tạ Văn Dũng (sinh năm 1990), quê ở Nam Định đang chơi với cậu con trai mới 22 tháng tuổi.
Phía sau là căn phòng rộng chừng 10m2, có giá thuê 600.000 đồng/tháng, kê vừa đủ một chiếc giường, cái bàn để bếp nấu và vài vật dụng khác; không gian bí bách, u tối,...
Con của công nhân không có chỗ vui chơi. Ảnh: Trần Kiều
Anh Dũng là công nhân Công ty TNHH KAI Việt Nam đã tròn 5 năm. Vợ anh làm khác công ty và đang mang bầu đứa con thứ hai, chỉ ít tháng nữa là sinh.
Bỏ qua những ngại ngần ban đầu, anh Dũng chia sẻ, gia đình anh đã gắn bó với nơi trọ này được 5 năm. Tính ra tổng thu nhập một tháng của hai vợ chồng cũng khoảng 10 triệu. Mặc dù vậy, đời sống vẫn luôn trong cảnh bấp bênh, làm nay lo mai. Còn chuyện xây nhà thì chưa dám nghĩ tới.
Từ khi có con, mức chi tiêu hàng tháng của gia đình rơi vào ngưỡng 7 triệu đồng nên gần như hai vợ chồng anh Dũng không có tích luỹ. "Nếu không nhờ ông bà hai bên nội ngoại hỗ trợ thì hai vợ chồng không thể nào kham nổi" - anh Dũng nói.
Sắp tới vợ anh Dũng sinh con nhưng sẽ phải về quê vì trên này điều kiện thiếu thốn, lại không có người chăm sóc.
Với đồng lương ít ỏi, anh Dũng chưa biết đến bao giờ mới có thể xây được một ngôi nhà để ra ở riêng. Ảnh: Trần Kiều
Tính chuyện bỏ nghề
Ở cuối dãy trọ là phòng của vợ chồng chị Vui và anh Thắng, quê ở Thanh Hoá. Hai anh chị mới chuyển đến được mấy tháng. Chị Vui làm việc tại Công ty TNHH Canon Việt Nam được 3 năm và cũng đang mang bầu con thứ hai, tháng 6 này sẽ sinh. Anh Thắng - chồng chị là lao động tự do.
Tháng vừa rồi, ảnh hưởng của dịch nên chị Vui được công ty cho nghỉ nhiều, tổng thu nhập chỉ được hơn 3 triệu. Còn anh Thắng thì ở nhà cả tháng, hoàn toàn không có thu nhập.
Ở quê, anh chị phải vay mượn ngân hàng 100 triệu đồng để dựng căn nhà ở. Vừa phải trả nợ ngân hàng, vừa phải ăn uống, sinh hoạt trên này và gửi tiền nuôi con ở quê nên tiền cứ về đến đâu là vợ chồng anh "giải ngân" hết ngần đó; không còn được chút tích luỹ nào.
Anh Thắng lo lắng chi phí sinh đẻ sắp tới của vợ. Ảnh: Trần Kiều
Anh Thắng tâm sự: "Mấy hôm nữa vợ về nghỉ sinh tôi sẽ trả phòng về cùng. Về tìm việc nào làm quanh ở quê để còn chăm vợ và con. Lâu dài hai vợ chồng cũng tính sẽ làm thêm mấy năm trên này rồi về quê, chứ đi làm lương thấp mà ở trọ như thế này không dư ra được mấy đồng".
Có thâm niên làm công nhân đã 8 năm nay, nhưng cuộc sống của vợ chồng chị Hạnh (quê ở Vĩnh Phúc) cùng dãy cũng không khá khẩm hơn là bao. Vợ chồng chị và hai đứa con vẫn phải sống chung với bố mẹ chồng.
Mức thu nhập thấp, chi tiêu luôn phải dè xén nên chồng chị Hạnh đã tính đến chuyện bỏ làm công nhân. Gần một năm nay, cứ 5 giờ chiều sau khi tan ca làm ở công ty, chồng chị Hạnh lại đi học thêm nghề làm tóc. Ngày nào được nghỉ thì tranh thủ học cả ngày.
Chị Hạnh tâm sự, tính chất công việc phụ thuộc nhiều vào công ty nên chỉ biết làm được đến đâu thì làm rồi cân đối.
Theo Trần Kiều/ Báo Lao động