Hà Nội: Chưa có việc đều, nhiều công nhân nhận làm mi giả, chạy xe ôm

Do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp buộc phải cho người lao động nghỉ chờ việc.  Để thêm thu nhập cho bản thân và trang trải cuộc sống nhiều công nhân đã nhận làm thêm một số việc thời vụ như thêu, may vá, làm mi giả...

Do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp buộc phải cho người lao động nghỉ chờ việc.  Để thêm thu nhập cho bản thân và trang trải cuộc sống nhiều công nhân đã nhận làm thêm một số việc thời vụ như thêu, may vá, làm mi giả...

Công nhân xoay xở kiếm sống giữa đại dịch

Căn phòng trọ cấp bốn, mái tôn, rộng khoảng 10m2 ở thôn Bầu, xã Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội, là nơi tá túc của vợ chồng chị Hoàng Thị Bình (sinh năm 1985, công nhân Công ty Panasonic - khu công nghiệp xã Kim Chung, huyện Đông Anh, TP Hà Nội).

Vừa gấp lại mấy bộ quần áo của 2 con, chị Bình cho hay, khi chưa có dịch, công việc công nhân của chị làm việc dù vất vả nhưng có tiền lương đều đặn hàng tháng gửi về cho gia đình.

Tuy nhiên, những ngày được nghỉ vì dịch Covid-19, chị Bình chỉ ở phòng, đến bữa thì nấu mớ rau, quả trứng vịt ăn cho qua ngày. 15 năm làm công nhân, quen với guồng quay làm việc 8 - 12 tiếng/ngày, bỗng dưng được nghỉ nhiều... vì dịch khiến chị cảm thấy bứt dứt không yên.

Hà Nội: Chưa có việc đều, nhiều công nhân nhận làm mi giả, chạy xe ôm - 1

Chị Hoàng Thị Bình mong muốn sớm ổn định cuộc sống Ảnh: Lan Nhi

Chị tâm sự, để đỡ buồn, nhiều chị em trong công ty rủ chị tìm thêm các công việc tại nhà để làm, kiếm thêm thu nhập như: Thêu thùa, may vá, bán hàng online, làm mi giả, còn các anh con trai thì gia nhập đội quân ship hàng, xe ôm,... một ngày làm năng suất cũng kiếm được từ 200.000 -300.000 nghìn đồng.

“Hai vợ chồng đều là công nhân nên đợt dịch này cũng ảnh hưởng rất nhiều. Ở nhà chỉ quanh quẩn chuyện cơm nước, đến giờ thì gọi facetime về quê nhắc con học bài là hết ngày. Công nhân chúng tôi chỉ mong dịch bệnh nhanh chóng tan, công việc đi vào ổn định để khỏi phải lo nghĩ nhiều. Trong thời gian nghỉ 30.4 - 1.5, hai vợ chồng chỉ tranh thủ về chơi 1 -2 hôm với ông bà và thăm hai con nhỏ” - chị Bình nói thêm.

Bán rau... chờ việc

Cạnh phòng trọ của chị Bình, gia đình anh Vũ Văn Tuấn (sinh năm 1985, quê ở huyện Tam Nông, Phú Thọ) cũng đang tất bật chuẩn bị bữa cơm cho gia đình. Căn phòng trọ chỉ rộng chưa đầy 10m2, chật kín đồ đạc này là mái ấm tạm của gia đình suốt 7 năm qua.

Hà Nội: Chưa có việc đều, nhiều công nhân nhận làm mi giả, chạy xe ôm - 2

Căn phòng chật hẹp của gia đình anh Tuấn. Ảnh: Lan Nhi

Chỗ ở chật chội, không gian dành cho con gần như không có, vợ chồng anh Tuấn phải thay phiên nhau chăm con nhỏ. Khó khăn là vậy nhưng anh chị vẫn cố tạo điều kiện tốt nhất để cho con được học tập đến nơi đến chốn.

Anh Tuấn tâm sự: “Từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên cháu lớn được nghỉ học tại nhà. Vợ tôi thì công việc cũng bị gián đoạn, đợt vừa rồi công ty cho nghỉ suốt. Con còn nhỏ mà nhà trọ lại chật và nóng quá, nhiều lúc nghĩ cũng thương con lắm, muốn tìm thuê phòng khác nhưng thu nhập không đủ chi trả nên cũng đành chấp nhận”.

Hà Nội: Chưa có việc đều, nhiều công nhân nhận làm mi giả, chạy xe ôm - 3

Chị Tuyển (vợ anh Tuấn) tranh thủ thời gian chăm sóc cho hai con nhỏ. Ảnh: Lan Nhi

Hai vợ chồng anh Tuấn đều làm công nhân, chi tiêu hàng tháng của gia đình phụ thuộc hoàn toàn vào quỹ lương eo hẹp. Do dịch bệnh, gần đây công ty quyết định cho công nhân nghỉ việc luân phiên, cũng vì thế sinh hoạt của gia đình bị ảnh hưởng rất nhiều.

Hễ có việc gì làm là chị Nguyễn Thị Tuyển (sinh năm 1989, vợ anh Tuấn) sẵn sàng nhận. Nhiều công nhân ở cùng xóm trọ đã chuyển sang bán rau củ quả, bán hàng online... kiếm thêm thu nhập lo cho gia đình trong khi chờ công ty thông báo đi làm trở lại.

Vì có quá ít đơn hàng nên một số công ty, xí nghiệp đành phải cho công nhân nghỉ việc luân phiên hoặc cắt giảm nhân sự. Trong những ngày công nhân nghỉ, doanh nghiệp vẫn trả lương 70%, bảo đảm theo đúng mức lương tối thiểu. Công nhân gần như không tăng ca, chỉ làm giờ hành chính, thời gian còn lại cũng chỉ biết quanh quẩn ở xóm trọ.

Theo Phạm Đông - Lan Nhi/ Báo Lao động