Bình Dương: Công nhân bị nghỉ việc phải cầm cự qua ngày

Hơn 80.000 lao động (LĐ) ở tỉnh Bình Dương bị ảnh hưởng việc làm bởi dịch bệnh COVID-19. Trong đó, trên 8.000 LĐ bị chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ), 38.000 LĐ bị ngưng việc hoặc tạm hoãn HĐLĐ, 38.500 LĐ bị giảm giờ làm.

Nhiều LĐ rơi vào cảnh khó khăn, thậm chí phải đi “vay nóng” lấy tiền trang trải.

Hơn 80.000 lao động (LĐ) ở tỉnh Bình Dương bị ảnh hưởng việc làm bởi dịch bệnh COVID-19. Trong đó, trên 8.000 LĐ bị chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ), 38.000 LĐ bị ngưng việc hoặc tạm hoãn HĐLĐ, 38.500 LĐ bị giảm giờ làm. Nhiều LĐ rơi vào cảnh khó khăn, thậm chí phải đi “vay nóng” lấy tiền trang trải.

Thắt chặt chi tiêu

Thị xã Tân Uyên là một trong những địa phương của tỉnh Bình Dương phát triển công nghiệp. Nhìn từ trên cao nhìn xuống, chỉ thấy những mái nhà lợp tôn, khu rộng là nhà xưởng, khu hẹp kéo dài là nhà trọ công nhân (CN).

Bình Dương: Công nhân bị nghỉ việc phải cầm cự qua ngày - 1
Nhóm công nhân mất việc làm ở phòng trọ chờ hết thời gian giãn cách xã hội đi tìm việc ở phường Hội Nghĩa, thị xã Tân Uyên, Bình Dương. Ảnh: Đình Trọng

Những ngày cuối tháng 4.2020, thị xã Tân Uyên không nhộn nhịp đông đúc như trước. Đi vào các nhà trọ ban ngày, nếu thấy có người ngồi trước cửa phòng trọ, gần như 100% là CN mất việc làm do ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Chúng tôi đến khu nhà trọ tại tổ 3B ấp 1, phường Hội Nghĩa, thị xã Tân Uyên vào buổi chiều cuối tháng 4. Lúc này, khoảng 20 LĐ (quê huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang) đang ở nhà trọ.

Vàng Mý Phùa (29 tuổi, quê Hà Giang) và 5 người khác ở chung phòng trọ chưa đầy 15m². Phùa cho biết, tại đây ban đầu có 100 người cùng quê anh ở trọ, nhưng do nghỉ việc vì dịch bệnh nên giờ phần đông đã về hết.

“Ở quê, tôi chỉ làm nương trồng ngô, lúa. Tôi vào đây từ ngày 12.2 vì nghe nói có công ty (Cty) nhiều việc làm, trả lương 8-9 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, tôi làm ở Cty gỗ được hơn nửa tháng thì do ảnh hưởng dịch bệnh, Cty hết việc nên phải nghỉ. Tôi không tìm được việc làm mới nên chỉ ở phòng trọ. Tiền mang theo từ quê đã tiêu hết. Tiền công làm việc được ít hôm mà Cty trả cũng không còn được bao nhiêu. Chúng tôi không dám chi tiêu nhiều vì còn phải giữ để phòng khi quá khó khăn” - Phùa chia sẻ.

Giống như Phùa, 20 LĐ khác ở trọ tại đây nghỉ việc từ ngày 29.3 đến nay vẫn chưa tìm được việc làm mới. Họ phải chi tiêu tiết kiệm, chờ hết thời gian cách ly đi tìm việc làm mới.

Dễ sập bẫy “tín dụng đen”

Từ giảm giờ làm, giảm thu nhập trong 2 tháng liên tiếp đến bị mất việc làm, ở phòng trọ chờ việc suốt 20 ngày, nhiều CN đã cạn tiền. Nhóm của anh Vàng Mý Phùa tại phường Hội Nghĩa, thị xã Tân Uyên phải cầu cứu gia đình ở quê gửi tiền vào để trang trải. Có người phải mang cầm cố xe máy hoặc “vay nóng” lãi suất cao để có tiền mua thức phẩm cầm cự qua ngày.

Tại các phường đông CN như Bình Chuẩn, Thuận Giao ở thị xã Thuận An, dịp này, hoạt động cho “vay nóng” lãi cao tái xuất hiện. Nhiều đối tượng đứng ra cho vay trả góp. Người bán hàng rong, CN và nhân viên dịch vụ mất việc là những người khó khăn phải đi “vay nóng” dễ sập bẫy “tín dụng đen”. 

Anh Trần Quốc Tuấn (40 tuổi, làm nhân viên tiếp thị) rất hiểu đời sống của NLĐ khó khăn ở địa bàn này. Theo anh Tuấn, do cần tiền chi tiêu, nhiều người phải tìm đến các đối tượng cho vay. NLĐ thường vay 1-2 triệu đồng mỗi lần. Nếu vay 1 triệu đồng thì trả lãi 40.000 đồng/ngày, 2 triệu đồng trả lãi 80.000 đồng/ngày, để lâu thì cứ thế “lãi mẹ đẻ lãi con”.

Trước nguy cơ CN ở thị xã Tân Uyên sập bẫy “tín dụng đen”, ông Lê Minh Hoàng - Phó Chủ tịch LĐLĐ thị xã Tân Uyên - cho hay, ngày 21.4, tổ chức công đoàn (CĐ) cùng UBND phường Hội Nghĩa đã trao quà hỗ trợ cho một nhà trọ có đông CN bị mất việc làm do ảnh hưởng dịch bệnh. Hiện tổ chức CĐ cùng địa phương đang tiếp tục rà soát nhiều cơ sở nhà trọ khác nắm bắt những hoàn cảnh CN gặp khó khăn để hỗ trợ kịp thời. 

Vừa qua, LĐLĐ tỉnh Bình Dương cũng đã quyết định trích ngân sách để hỗ trợ 500.000 đồng với mỗi đoàn viên bị mất việc làm. Tổ chức CĐ đang phối hợp với chính quyền địa phương nắm bắt đời sống LĐ trên toàn tỉnh. Khi có người khó khăn sẽ có hình thức hỗ trợ hoặc vận động quyên góp để kịp thời chia sẻ không để công nhân lao động sập bẫy “tín dụng đen”.

Theo Đình Trọng/Lao động