Thu nhập cao bất ngờ từ loài vật được săn lùng ráo riết

Xuân Sinh

(Dân trí) - Mạnh dạn đầu tư, mua 12 cặp chồn hương, chồn mốc sinh sản về nuôi, anh Lê Hồng Cường đã có nguồn thu bất ngờ từ loài cầy rất được ưa chuộng, săn lùng này.

Trải qua nhiều công việc khác nhau nhưng đều không ổn định, sau chốt, anh Lê Hồng Cường (52 tuổi, ở thôn Vĩnh Phong, xã Hộ Độ, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) đã mạnh dạn đầu tư mua 12 cặp chồn hương, chồn mốc sinh sản. Trước đó, anh Cường đã tìm hiểu cách nuôi chồn tại các tỉnh phía Nam rồi về quê áp dụng.

"Tôi tình cờ xem được một phóng sự về mô hình nuôi chồn ở trong miền Nam. Thấy con vật có giá trị kinh tế, chi phí nuôi khá thấp nên quyết định thử nuôi xem sao", anh Cường cho biết.

Thu nhập cao bất ngờ từ loài vật được săn lùng ráo riết - 1

Chồn hương, chồn mốc được thuần hóa nên không còn nhút nhát.

Sau một thời gian tìm tòi, học hỏi, tích lũy vốn, kỹ thuật, cuối tháng 5/2021, anh Cường đã lập phương án và làm hồ sơ đề nghị cấp mã số cơ sở nuôi chồn gửi Hạt Kiểm lâm huyện Lộc Hà. Sau khi được sự cho phép của các cơ quan chức năng, bước đầu anh đã đầu tư mua 12 cặp chồn hương và chồn mốc sinh sản có nguồn gốc từ tỉnh Vĩnh Phúc, Bình Phước... về nuôi thử nghiệm

Chuồng nuôi chồn được chia theo từng ô vuông rộng khoảng 1m2, đan bằng lưới sắt. Mỗi chuồng thường chỉ nuôi 1 đến 2 con để chồn có không gian vận động. Là loài vật thích sạch sẽ, nên chuồng nuôi chồn phải được dọn vệ sinh hàng ngày, tránh ẩm thấp. Mỗi ngày cho chồn ăn 2 lần vào buổi sáng và chiều tối, thức ăn cho chồn chủ yếu là chuối chín, cá rô phi. 

Thu nhập cao bất ngờ từ loài vật được săn lùng ráo riết - 2

Thức ăn chính của chồn hương, chồn mốc là chuối và cá.

"Số vốn ban đầu tôi bỏ ra để làm chuồng trại, mua con giống hết hơn 300 triệu đồng. Thức ăn cho chồn rất dễ tìm, giá rẻ và có thể mua tại địa phương, như chuối chín, cá rô phi… Mỗi ngày, một con chồn chỉ ăn hết khoảng 2.000-3.000 đồng tiền thức ăn. Chồn hương, chồn mốc rất ít bệnh, thi thoảng có một vài con bị đau bụng, mình mua thuốc về chữa trị là được", anh Cường chia sẻ.

Sau hơn một năm, đàn chồn của anh Cường phát triển nhanh chóng. Đến nay, ngoài bán hàng chục con giống cho người dân, anh đã sở hữu 40 cặp giống bố mẹ (6 con đực, 34 con cái) và hơn 60 con chồn từ 3-5 tháng tuổi.

Thu nhập cao bất ngờ từ loài vật được săn lùng ráo riết - 3

Hệ thống chuồng nuôi khá đơn giản nhưng phải đảm bảo sạch sẽ, không ẩm thấp.

Cũng theo anh Cường, chồn hương, chồn mốc mỗi năm đẻ 2 lứa, mỗi lứa từ 2-4 con, sau 3 tháng bắt đầu xuất bán con giống. Mỗi cặp con giống được anh Cường bán với giá thấp nhất là 8 triệu đồng. Những con chồn mốc, chồn hương trưởng thành có cân nặng từ 4-7kg. Giá bán chồn thương phẩm dao động từ 1-1,5 triệu đồng/kg.

"Tôi chủ yếu là bán con giống, chứ chưa có chồn thương phẩm để bán. Trong năm đầu tiên tôi đã bán được gần 500 triệu đồng tiền con giống. Sau khi trừ hết các chi phí, tôi cũng thu về được hơn 300 triệu đồng tiền lãi", anh Cường nói và cho biết trong thời gian tới sẽ tiếp tục xin mở rộng quy mô trại nuôi.

Thu nhập cao bất ngờ từ loài vật được săn lùng ráo riết - 4

Chồn được khoảng 3-4 tháng là có thể xuất bán cho người mua về nuôi.

Lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lộc Hà cho biết, hiện nay, trên địa bàn có 2 hộ dân đang nuôi thử nghiệm loài chồn hương, chồn mốc và mô hình có chiều hướng phát triển tốt. Các hộ dân đều đã được các cơ quan chức năng cấp phép và đủ điều kiện để nuôi.

"Đây là một mô hình kinh tế mới trên địa bàn. Những hộ chăn nuôi mô hình này cho biết hiệu quả kinh tế rất tốt. Ưu điểm của mô hình này là không cần nhiều diện tích chuồng nuôi, chi phí đầu tư không quá cao. Hiện đơn vị đang cùng Hạt Kiểm lâm huyện Lộc Hà tích cực theo dõi, nếu con chồn thích ứng tốt ở môi trường Hà Tĩnh thì chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương để mở rộng số lượng, số đàn", lãnh đạo này cho biết.

Thu nhập cao bất ngờ từ loài vật được săn lùng ráo riết - 5

Nuôi chồn hương, chồn mốc đã mang lại nguồn thu nhập cao cho gia đình anh Cường.

Ông Nguyễn Xuân Mận, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Lộc Hà cho biết, chồn hương, chồn mốc là loài động vật quý hiếm nhưng được phép nuôi thương phẩm.

"Các hộ dân muốn được nuôi loài động vật này thì phải làm hồ sơ và được các cơ quan chức năng cấp phép và theo dõi sát sao. Nguồn gốc đầu vào, bán ra ở các mô hình chăn nuôi này được kiểm soát và theo dõi. Hiện trên địa bàn cũng đã có một số hộ dân được cấp phép nuôi. Việc nuôi các loài động vật này cũng góp phần để hạn chế nạn săn bắt loài vật này ngoài tự nhiên", ông Mận cho biết.