Nhọc nhằn nghề "ngâm nước biển" đãi ngao

Nguyễn Cường

(Dân trí) - Để kiếm được vài trăm nghìn đồng tiền công, mỗi ngày những người phu đãi ngao phải lội bùn chừng một giờ đồng hồ mới đến bãi nuôi. Họ ngụp lặn từ chiều đến đêm, hứng sóng biển lạnh giá đánh qua đầu.

Cứ chiều chiều, khi mặt trời sắp lặn, trên bãi biển Tân Thành (xã Tân Thành, Gò Công Đông, Tiền Giang) lại có hàng trăm người đứng chờ sẵn. Hầu hết mọi người đều mặc áo mưa, trên đầu đeo một chiếc đèn pin, tay ôm rổ nhựa, sàng lưới và bao tải.

Nhọc nhằn nghề "ngâm nước biển" đãi ngao

Khi thủy triều rút xuống dưới đầu gối, đoàn người bắt đầu nối đuôi nhau đi ra phía biển. Những người đãi ngao tiến xa cho đến khi nước biển ngập đến hông thì dừng lại rồi đồng loạt ngồi xuống, chỉ chừa phần đầu nhô lên trên mặt sóng.

Chị Nguyễn Thị Lan (40 tuổi, ngụ tại xã Tân Thành), phu đãi  ngao thuê cho biết: "Phải đãi ngao buổi chiều mới không bị hao nhiều. Ngoài ra, việc này cũng phải chờ triều rút vì nước ngập đầu thì không đãi được. Việc đãi ngao cũng theo con nước, triều lên cao thì đãi gần bờ, triều càng xuống thì phải lội càng xa".

Nhọc nhằn nghề ngâm nước biển đãi ngao - 1

Đoàn người nối đuôi nhau đi ra phía biển (Ảnh: Nguyễn Cường).

Tương tự chị Lan, bà Lê Thị Hoa (52 tuổi) kể vợ chồng bà đã làm nghề đãi ngao thuê nhiều năm. Mỗi ngày, ngoài 5 giờ đồng hồ phải ngụp lặn mò ngao trong nước lạnh thì phu đãi ngao còn phải lội bùn cả giờ đồng hồ từ bờ biển ra bãi.

"Nghề này cực lắm. Có những hôm vì nước lên nhanh hay ngao thưa, chỉ bắt được vài chục ký thì không kiếm đủ tiền cơm. Ngày nào lội về toàn thân cũng đau ê ẩm nhưng phu ngao chúng tôi cũng vẫn theo nghề vì không biết làm gì khác", bà Hoa chia sẻ.

Nhọc nhằn nghề ngâm nước biển đãi ngao - 2

Ngụp lặn giữa biển nhưng ai cũng mặc áo mưa để tránh cảm lạnh (Ảnh: Nguyễn Cường).

Ông Phạm Văn Lặc (57 tuổi, ngụ tại xã Tân Thành) cho biết, gia đình ông không có bãi ngao. Từ trước đến nay, ông theo nghề đãi ngao thuê kiếm sống và nuôi gia đình. Những người làm nghề đãi ngao thường ở những ấp cách bờ biển vài cây số, ít ruộng, ít vốn và hầu hết không có nghề nghiệp khác.

"Công việc này ngày nào cũng có, ai cũng làm được. Cứ 17h chiều bắt đầu đãi, đến hơn 21h đêm thì nghỉ. Tiền công dao động khoảng 5.000 đồng/kg, mỗi ngày một người kiếm được khoảng 200 nghìn đồng", ông Lặc chia sẻ.

Nhọc nhằn nghề ngâm nước biển đãi ngao - 3

Những người làm nghề đãi ngao chấp nhận vất vả vì không có nhiều lựa chọn (Ảnh: Nguyễn Cường).

Bãi ngao là một vùng bãi bồi ven biển, rộng mênh mông. Trên bãi là những tháp canh và hàng cọc cao thấp, ngang dọc để phân định sân ngao của các chủ khác nhau.

Một chủ ngao cho biết sân ngao của gia đình anh rộng 18ha, cách bờ khoảng 3km. Thời gian nuôi mỗi lứa ngao khoảng 10 tháng. Ngao thương phẩm được bán ngay dưới bãi, thương lái sẽ tự thuê phu đến khai thác. Thường khi mua một bãi ngao, thương lái sẽ thuê khoảng 30 người đãi cùng lúc mới kịp xong việc trong thời gian nước rút.

Nhọc nhằn nghề ngâm nước biển đãi ngao - 4

Phu đãi ngao chỉ là những chấm nhỏ giữa biển nước mênh mông (Ảnh: Nguyễn Cường).

Lãnh đạo UBND xã Tân Thành cho biết nuôi ngao là nghề truyền thống của địa phương. Bãi nuôi của xã rộng khoảng 1.800ha, trải dài theo bờ biển. Sản lượng ngao trung bình khoảng 17 tấn/ha/năm. Hiện giá bán ngao tại bãi nuôi là 22 triệu đồng/tấn. Công việc thu hoạch ngao cần khoảng 300 nhân công mỗi ngày, giúp giải quyết số lượng lớn lao động của xã.

Nhọc nhằn nghề ngâm nước biển đãi ngao - 5

Nếu may mắn, những người đãi ngao sẽ được làm việc dưới trăng sáng, nhưng nếu trời mưa gió thì họ vẫn phải hoàn thành công việc của mình (Ảnh: Nguyễn Cường).