Thị trường lao động Hàn Quốc: Đã khơi thông nhưng không ít nguy cơ tiềm ẩn

(Dân trí) - “Bản Mou 2016 được ký mở ra cơ hội xuất cảnh của lao động VN sang Hàn Quốc. Tuy nhiên, phía VN sẽ tăng cường các biện pháp làm giảm tỉ lệ lao động bỏ trốn và xem xét việc dừng tuyển lao động đi Hàn Quốc ở một số địa phương trong số 15/63 tỉnh, thành có số lao động bỏ trốn cao”.

Thị trường lao động Hàn Quốc: Đã khơi thông nhưng không ít nguy cơ tiềm ẩn - 1

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp trao đổi với báo giới nhân sự kiện Bộ LĐ-TB&XHXH VN và Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc ký kết lại Bản ghi nhớ bình thường về phái cử và tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS (Bản Mou 2016). Chương trình diễn ra sáng 17/5 tại Hà Nội.

Thưa ông, sau gần 4 năm tạm dừng, tại sao phía Hàn Quốc và VN quyết định triển khai lại việc ký kết Bản ghi nhớ bình thường về phái cử và tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS (Bản Mou 2016) vào thời điểm này?

Thời gian qua, hai bên đã phối hợp chặt chẽ trong việc triển khai các giải pháp giảm tỷ lệ lao động bất hợp pháp tại Hàn quốc. Đặc biệt, phía VN đã nỗ lực áp dụng nhiều biện pháp quyết liệt như: Ký quỹ với người lao động, thành lập Văn phòng quản lý lao động tại Hàn Quốc để tăng cường quản lý lao động, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động trong nước và tại Hàn Quốc để người lao động thực hiện đúng hợp đồng, về nước đúng thời hạn…

Đồng thời, các cơ quan chức năng tăng cường hỗ trợ người lao động tái hòa nhập, tìm việc làm mới trong nước, xử phạt vi phạm hành chính đối với lao động bất hợp pháp.

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp

Phía Hàn Quốc cũng thực hiện chính sách khuyến khích người lao động nước ngoài bất hợp pháp tại Hàn Quốc tự nguyện hồi hương. Từ tháng 5/2015, Hàn Quốc miễn phạt tiền và giảm thời hạn tái nhập cảnh với lao động tự nguyện hồi hương, không cấm tái nhập cảnh Hàn Quốc đối với lao động tự nguyện hồi hương trong thời gian từ 1/4/2016 đến 30/09/2016.

Chính phủ VN cũng đã có các Nghị quyết số 62/NQ-CP ngày 7-9-2015 và Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 09/5/2016 miễn xử phạt vi phạm hành chính đối với các lao động đang cư trú và làm việc không hợp pháp tự nguyện trở về nước trong thời gian từ ngày 1/9/2015 - 31/12/2015 và từ ngày 1/5/2016 - 30/9/2016.

Nhờ những nỗ lực của các cơ quan hai nước, tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước giảm từ 47% vào cuối năm 2013 xuống còn khoảng 35% vào cuối năm 2015, số lao động cư trú bất hợp pháp giảm từ 18.000 người xuống còn hơn 15.000 người.

Do những kết quả trên, hai Bộ trưởng ngành lao động của VN và Hàn Quốc đã thống nhất hai bên tiếp tục hợp tác thực hiện các giải pháp giảm tỷ lệ lao động cư trú và làm việc bất hợp pháp và chính thức ký kết Bản ghi nhớ bình thường về phái cử và tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS.

Vậy, Bản Mou năm 2016 có gì mới so với trước đây, thưa ông?

Về tổng thể, Mou 2016 giống các bản Mou được ký trước đây. Tuy nhiên, Bản MOU năm 2016 có một số điểm mới.

Bản MOU lần này mở ra cơ hội cho nhiều đối tượng lao động có nguyện vọng đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS, không bị hạn chế về đối tượng tham gia như MOU đặc biệt (chỉ những người đã thi tiếng Hàn năm 2011, đã có hồ sơ gửi sang Hàn Quốc và lao động về nước đúng hạn).

Bản Mou 2016 có thời hạn 2 năm/lần. “Năm 2016, Hàn Quốc có nhu cầu tuyển khoảng 52.000 lao động nước ngoài. Chỉ tiêu này chia đều cho 15 quốc gia có lao động phái cử. Như vậy, VN sẽ có 3.500 chỉ tiêu lao động sang làm việc tại Hàn Quốc trong năm 2016. Chỉ tiêu trên có trước khi Bản MOU 2016 được ký. Bản có hiệu lực ngay sau khi ký, thời gian triển khai cho giai đoạn đầu là 2 năm. số lượng tiếp nhận có thể tăng lên nếu công tác vận động của phía VN thực hiện tốt” - Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nói.

Thêm nữa, tất cả lao động sau khi thi đạt chứng chỉ tiếng Hàn sẽ phải tham gia kiểm tra tay nghề và đánh giá năng lực. Kết quả của kỳ kiểm tra tay nghề không phải là kết quả đỗ hay trượt mà chỉ nhằm mục đích bổ sung thông tin ứng viên vào hồ sơ tìm việc, cung cấp thêm thông tin cho chủ sử dụng lao động lựa chọn.

Hai bên cũng thống nhất kế hoạch và lộ trình thực hiện các giải pháp giảm lao động Việt Nam bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Hạn ngạch tiếp nhận lao động Việt nam sang làm việc tại Hàn Quốc phụ thuộc vào việc giảm số lao động Việt nam bất hợp pháp tại nước này.

Tuy nhiên, nguy cơ Hàn Quốc thực hiện hạn chế nhận lao động VN vẫn có thể trở lại, nếu để xảy ra kịch bản của năm 2012 - khi đó lao động VN bỏ trốn trên 55%. Vậy, Bộ LĐ-TB&XH sẽ có các giải pháp gì để ngăn chặn nguy cơ này, thưa ông?

Việc ký lại Bản MOU này không có nghĩa là phía Việt Nam dừng triển khai quyết liệt những chính sách, biện pháp giảm lao động bất hợp pháp. Ngược lại, chúng tôi tiếp tục tăng cường những kế hoạch và lộ trình mà 2 bên đã thống nhất.

Bộ LĐ-TB&XH tiếp tục triển khai chính sách ân hạn đối với lao động cư trú, làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc tự nguyện về nước trong thời gian từ 01/5/2016 đến hết ngày 30/9/2016 mà Chính phủ vừa thông qua tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2016.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người lao động về nước đúng thời hạn hợp đồng và người lao động bất hợp pháp tại Hàn Quốc tự nguyện về nước. Đặc biệt tại 15 tỉnh, thành phố có nhiều người lao động ở Hàn Quốc (chiếm trên 80% tổng số lao động Việt Nam ở Hàn Quốc), Bộ LĐ-TB&XH kỳ vọng qua đó sẽ nâng cao nhận thức, trách nhiệm tuân thủ pháp luật của người lao động làm việc tại Hàn Quốc.

“Nếu tính tương quan với các thị trường XKLĐ khác, chỉ tiêu tuyển 3.500 lao động của Hàn Quốc không nhiều. Bù lại mức lương trung bình khá hấp dẫn, từ 1.000-1.500 USD/tháng. Năm 2015, riêng thị trường Nhật Bản đã tiếp nhận hơn 30.000 lao động VN, mức lương khởi điểm trung bình từ 800-1.000 USD/tháng” - Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nhận định.

Tăng cường công tác quản lý lao động tại Hàn Quốc thông qua các hoạt động cụ thể như tuyên truyền, tư vấn pháp luật, hỗ trợ người lao động khi gặp rủi ro, hướng dẫn và hỗ trợ người lao động thủ tục chuyển chủ, chấm dứt hợp đồng về nước... qua đó góp phần nâng cao nhận thức và ý thức tuân thủ pháp luật, tuân thủ hợp đồng của người lao động, hạn chế tình trạng người lao động bỏ hợp đồng.

Bộ LĐ-TB&XH sẽ xem xét tạm thời chưa tuyển chọn lao động tại các địa phương có số lao động bất hợp pháp cao và người lao động có thân nhân đang cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc.

Thưa ông, nhiều câu chuyện về thu phí quá cao, lừa đảo người lao động đi làm việc tại Hàn quốc theo chương trình EPS và không đi được. Bộ LĐ- TB&XH có cảnh báo gì đối với những người lao động có nguyện vọng đi làm việc tại Hàn Quốc thời gian tới?

Khi có nguyện vọng đi làm việc tại Hàn Quốc, người lao động cần tìm hiểu kỹ thông tin về chương trình EPS tại các trang thông tin điện tử của Bộ Lao động TBXH, Cục Quản lý lao động ngoài nước, Trung tâm lao động ngoài nước hoặc liên hệ trực tiếp tới các cơ quan này và cơ quan lao động địa phương.

Bộ sẽ công khai các thông tin về thời gian, phương thức kiểm tra tiếng Hàn, kiểm tra tay nghề, các tiêu chuẩn, điều kiện dự tuyển, kết quả kiểm tra, các khoản chi phí phải đóng góp để người lao động biết thông qua các trang thông tin điện tử này và các phương tiện thông tin đại chúng.

Trung tâm lao động ngoài nước thuộc Bộ Lao động TBXH là đơn vị duy nhất thực hiện chương trình này. Không tổ chức cá nhân nào can thiệp được vào qui trình tuyển chọn rất chặt chẽ theo Chương trình EPS. Người lao động không nên nghe thông tin không chính thống và nộp tiền cho các trung gian như thời gian vừa qua.

Nếu có thắc mắc gì về chương trình EPS, người lao động liên hệ trực tiếp với Cục QLLĐNN, Trung tâm Lao động ngoài nước để được hướng dẫn.

Xin cảm ơn ông

Nội dung chính của Bản Mou năm 2016

Về đối tượng: người lao động thuộc các đối tượng sau đây đều có cơ hội tham gia đăng ký đi việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS:

Những lao động mới: có độ tuổi từ 18-39, không có tiền án tiền sự hoặc thuộc diện bị trục xuất khỏi Hàn quốc, cấm xuất cảnh Việt nam, đủ sức khoẻ đi làm việc ở nước ngoài. Tuy nhiên, Bộ Lao động – TBXH sẽ xem xét tạm thời chưa tuyển chọn lao động tại các địa phương có số lao động bất hợp pháp cao và người lao động có thân nhân đang cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc.

Những người lao động đã hoàn thành hợp đồng tại Hàn Quốc về nước đúng hạn.

Những lao động bất hợp pháp tại Hàn Quốc tự nguyện hồi hương theo các chương trình ân xá của hai Chính phủ từ 1/4/2016 đến 30/9/2016.

Về quy trình: Quy trình đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS về cơ bản vẫn như trước đây. Người lao động phải nộp hồ sơ dự thi tiếng Hàn, những lao động đạt yêu cầu về tiếng Hàn sẽ phải tham dự kỳ kiểm tra tay nghề do cơ quan phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc (HRD) phối hợp với các cơ quan liên quan của Việt Nam tổ chức. Những lao động được người sử dụng lao động Hàn Quốc lựa chọn sẽ được bồi dưỡng kiến thức cần thiết và hướng dẫn, hỗ trợ làm các thủ tục, giấy tờ liên quan để xuất cảnh sang làm việc tại Hàn Quốc.

Hoàng Mạnh thực hiện