Bình Phước:

Quy định lương tối thiểu giờ chưa phù hợp với thực tế

Thanh Xuân

(Dân trí) - Người lao động làm việc theo giờ có tính chất đa dạng về công việc, phức tạp về cường độ, năng suất lao động. Vì vậy, nên để người sử dụng thỏa thuận trả lương cho lao động phù hợp.

Về lương tối thiểu theo tháng, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Phước cho biết, các doanh nghiệp thực hiện đúng Nghị định 38, đảm bảo bằng và hầu hết cao hơn quy định.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng thực hiện đầy đủ các nội dung đã thỏa thuận, cam kết trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc các thỏa thuận hợp pháp khác có lợi hơn cho người lao động theo quy định.

Đối với lương tối thiểu theo giờ, Sở này rà soát và nhận thấy hầu hết các doanh nghiệp không áp dụng trả lương theo giờ . Một số doanh nghiệp thực hiện chủ yếu đối với hoạt động mang tính thời vụ, dịch vụ hoặc có tính chất đặc thù. Cụ thể như 1 công ty tại địa bàn thị xã Bình Long trong lĩnh vực cung cấp vệ sĩ áp dụng trả cho nhân viên là 38.362 đồng/giờ, cao hơn quy định.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Phước, nhìn chung, việc quy định lương tối thiểu giờ hiện nay dựa trên nguyên tắc lấy mức tuyệt đối của lương tối thiểu theo vùng chia cho số ngày và số giờ làm việc tiêu chuẩn là chưa phù hợp thực tế.

Sở này cho biết, lương tối thiểu theo tháng là mức lương thấp nhất trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường. Trong khi người lao động làm việc theo giờ thường có đặc điểm chung là tính chất đa dạng về công việc và phức tạp về cường độ, năng suất lao động, trình độ, kỹ năng lao động và điều kiện lao động… Căn cứ vào đó, để người sử dụng lao động sẽ thỏa thuận trả lương cho người lao động phù hợp.

Hơn nữa, mức lương tối thiểu theo giờ hiện hành chưa bao gồm cả việc trả lương cho người lao động làm công việc đòi hỏi qua học nghề, đào tạo nghề cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu. Do vậy tiền lương tối thiểu giờ theo quy định hiện hành chưa phản ánh và tính toán đầy đủ các yếu tố trên.

Về Rà soát đánh giá địa bàn phân vùng hiện hành, tỉnh Bình Phước đang áp dụng: Vùng II là thành phố Đồng Xoài, thị xã Chơn Thành, huyện Đồng Phú; Vùng III gồm thị xã Phước Long, Bình Long, huyện Hớn Quản, Lộc Ninh, Phú Riềng; Vùng IV là huyện Bù Đốp, Bù Đăng, Bù Gia Mập.

Sở Lao động  - Thương binh và Xã hội Bình Phước dự báo, thời gian tới tình hình hoạt động của các doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, do đó địa phương này vẫn áp dụng mức lương tối thiểu vùng được quy định như trên cho năm 2024 và không có đề xuất điều chỉnh phân vùng.

Đối với tình hình lao động, việc làm, đơn hàng của các doanh nghiệp quý I/2023, đa số các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đều gặp khó khăn về đơn hàng, nhất là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực da giày, may mặc, đồ gỗ, do đó doanh nghiệp không tổ chức làm thêm giờ, thu nhập của người lao động đều giảm.

Điển hình là Công ty TNHH Yakjin Sài gòn cho công nhân nghỉ 2 tháng. Công ty TNHH Long Fa cho công nhân nghỉ luân phiên tháng 2 và tháng 3 và Công ty TNHH Top Factory Việt Nam ngưng hoạt động và đang chờ làm thủ tục giải thể.