Tại sao năng suất lao động của Việt Nam còn thấp?

Trong chương trình Vấn đề hôm nay, ông Nguyễn Bích Lâm đã phân tích một số nguyên nhân dẫn đến năng suất lao động của chúng ta hiện nay còn thấp.

Vì sao năng suất lao động của Việt Nam còn thấp?

Trong 25 năm qua, năng suất lao động của Việt Nam chỉ tăng chưa tới 3 lần, gây cản trở đà tăng trưởng và năng lực cạnh tranh quốc gia. Được coi là chìa khóa tăng trưởng nhưng dường như năng suất lao động của Việt Nam vẫn đang là lực cản của phát triển.

Khi tăng trưởng dựa vào các nguồn lực tự nhiên đã không còn dư địa, khi kinh tế thế giới ngày càng biến động mạnh mẽ, nội lực để phát triển chính là năng suất lao động.

Thế nhưng có vẻ với chúng ta hiện nay "chiếc chìa khóa này" vẫn chưa được sử dụng đúng cách để mở được cánh cửa của phát triển, thậm chí đây còn được coi là cửa ải khó nhất để phát triển.

Cải thiện năng suất lao động của Việt Nam vẫn là bài toán nan giải khi hiện nay so sánh ngay trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đang đứng ở vị trí thứ 3 từ dưới lên.

Tại sao năng suất lao động của Việt Nam còn thấp? - 1

Năng suất lao động của Việt Nam chỉ bằng ~ 7,3% Singapore, ~ 19% Malaysia, ~ 37% Thái Lan, ~ 44,8% Indonesia, ~ 55,9% Philippines.

Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng Cục trưởng, Tổng Cục thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năng suất lao động chỉ ra trong một đơn vị thời gian có thể sản xuất ra bao nhiêu đơn vị sản phẩm hoặc giá trị sản phẩm. Nó thể hiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, từ đó thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế.

Tại sao năng suất lao động của chúng ta hiện nay còn thấp?

Theo ông Nguyễn Bích Lâm có một số nguyên nhân dẫn đến năng suất lao động của chúng ta hiện nay còn thấp.

Thứ nhất, năng suất lao động = GDP/số lao động thực tế tham gia vào quá trình hoạt động sản xuất. Hiện nay, GDP của chúng ta có quy mô rất nhỏ so với các nước trên thế giới. Nếu tính theo sức mua tương đương, GDP hiện nay của Việt Nam chỉ bằng GDP của Ấn Độ năm 1973, cửa Trung Quốc năm 1978, cảa Malaysia năm 2010, của Thái Lan năm 2001...

Lực lượng lao động thực tế tham gia vào quá trình sản xuất là trên 54 triệu người nên mức năng suất lao động thấp. Tuy nhiên, mức năng suất lao động thấp không phản ánh tay nghề hay trình độ của lao động Việt Nam thấp kém hơn các nước khác trên thế giới và trong khu vực.

Thứ hai, cơ cấu lao động chưa hợp lý vì hiện nay lao động làm việc trong lĩnh vực nông lâm nghiệp thủy sản còn chiếm tỷ lệ khá hơn (hơn 20 triệu lao động làm trong lĩnh vực này). Khu vực này, phần lớn là lao động giản đơn, mang tính chất mùa vụ, giá trị gia tăng tạo ra rất thấp.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, chuyển đổi cơ cấu lao động diễn ra rất nhanh, nhưng phần lớn lao động lĩnh vực nông nghiệp chuyển sang khu vực công nghiệp, dịch vụ làm ở những ngành có giá trị gia tăng thấp, trình độ công nghệ thấp.

Vì thế, năng suất lao động còn thấp.

Thứ ba, trong mấy năm vừa qua, chúng ta đã tập trung vào đào tạo nhưng theo số liệu thống kê, hiện nay chỉ có 21,9% lao động đã qua đào tạo.

Tại sao năng suất lao động của Việt Nam còn thấp? - 2

Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng Cục trưởng, Tổng Cục thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

 

Để tăng năng suất lao động cần trả lời câu hỏi đầu tiên là làm gì? Tức là, chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ các ngành năng suất lao động thấp sang ngành có năng suất lao động cao hơn như từ nông nghiệp sang các ngành công nghiệp dịch vụ, công nghệ.

Ví dụ, cùng làm ngành may mặc nhưng công nghệ tự động sẽ có năng suất khác với may thủ công. Cùng làm việc đó, cùng công nghệ thì trình độ người lao động ra sao? Cuối cùng đó là năng lực quản lý nhà nước, quản trị doanh nghiệp. Muốn năng suất lao động là chìa khóa để phát triển cần hoàn thiện tất cả những bước này.

Theo VTV.VN