Thủ tục hành chính đang trói buộc năng suất lao động
Ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, thủ tục hành chính đang là một trong những rào cản lớn cho sự phát triển của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến năng suất lao động.
Theo báo cáo mới đây của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Trường ĐH Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, năng suất lao động của Việt Nam hiện rất thấp so với các nước trong khu vực. Năm 2017 năng suất lao động Việt Nam đạt 10.232 USD, chỉ bằng 7,2% mức năng suất lao động của Singapore; 18,4% của Malaysia; 36,2% của Thái Lan…
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, chênh lệch về mức năng suất lao động giữa Việt Nam với các nước vẫn tiếp tục gia tăng, điều này cho thấy khoảng cách và thách thức nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt để có thể bắt kịp mức năng suất lao động của các nước.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). |
PV: Năng suất lao động Việt Nam hiện nay có cơ hội bắt kịp với các nước trong khu vực không, thưa ông?
Ông Vũ Tiến Lộc: Việt Nam là một trong những quốc gia có năng suất lao động thấp nhất trong các nước ASEAN. Khả năng bắt kịp năng suất của các nền kinh tế hàng đầu trong các nước ASEAN là rất khó khăn.
Hiện nay, phần lớn nguồn lao động đang hoạt động trong khu vực nông lâm thủy sản. Với mọi nền kinh tế, khu vực này có năng suất lao động thấp nhất, do đó, trong thời gian tới cần tiếp tục chuyển dịch lao động từ khu vực nông nghiệp sang công nghiệp dịch vụ thông qua việc thúc đẩy phát triển mạnh mẽ cộng đồng doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, những biện pháp cải tiến công nghệ, tăng cường đầu tư, bắt kịp những thành tựu của CM 4.0 để nâng cao năng suất trong nội ngạch. Đây là những giải pháp hết sức quan trọng.
Muốn đạt được định hướng nâng cao năng suất thì phải cải cách mạnh mẽ thể chế, mở cửa hội nhập. Trong đó cần tạo điều kiện thuận lợi hơn cho sự ra đời và phát triển của các doanh nghiệp mà trước hết phải cải tiến mạnh mẽ các thủ tục hành chính để khuyến khích sự ra đời của doanh nghiệp. Chúng ta đặt ra mục tiêu rất cao là đến năm 2020 có 1 triệu doanh nghiệp và sau đó hướng tới mục tiêu cao hơn.
Tôi cho rằng một trong những hướng đi hết sức quan trọng là phải chính thức hóa khu vực kinh doanh cá thể, khu vực hộ kinh doanh và thúc đẩy họ thành doanh nghiệp.
Đó chính là một trong những giải pháp để nâng cao năng suất lao động. Chúng ta đang tiến hành quá trình công nghiệp hóa theo hướng 4.0 nên tăng cường nghiên cứu phát triển nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để trang bị những công cụ mới nhất đối với các ngành sản xuất là biện pháp rất quan trọng để nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh.
PV: Vậy Việt Nam đang gặp những khó khăn nào trong chuyển dịch từ cơ cấu nông nghiệp sang công nghiệp, thưa ông?
Ông Vũ Tiến Lộc: Có 2 lý do gây cản trở cho sự chuyển dịch lao động từ khu vực nông nghiệp sang công nghiệp dịch vụ, trước hết là vấn đề thị trường.
Thị trường phụ thuộc rất lớn vào năng lực cạnh tranh của khu vực công nghiệp. Do vậy phải nâng cao được năng lực cạnh tranh của khu vực công nghiệp mới có khả năng mở rộng thị trường. Chỉ khi thị trường mở rộng mới có thể thu hút thêm nhiều lao động sang khu vực công nghiệp.
Vấn đề thứ 2 là cần có các chính sách cởi trói cho danh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để thành lập doanh nghiệp mới và phát triển những doanh nghiệp hiện có.
Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn rất nhiều rào cản cho sự ra đời và phát triển của doanh nghiệp. Phải nói là thủ tục hành chính đang là điều quan ngại, rào cản cho sự phát triển của doanh nghiệp.
Muốn phát triển thương mại dịch vụ, cần tập trung vào chủ thể là các doanh nghiệp. Cho nên thúc đẩy doanh nghiệp và hướng tới đạt mục tiêu phát triển doanh nghiệp như nghị quyết của Đảng, Chính phủ đề ra là cả nước có nhiều hơn 4, 5 triệu doanh nghiệp thì lúc đó mới hoàn thành nhiệm vụ chuyển dịch lao động từ khu vực nông nghiệp sang công nghiệp dịch vụ để nâng cao năng suất lao động của nền kinh tế.
Hiện nay, Việt Nam đã có những nỗ lực rất quan trọng trong việc mở rộng thị trường. Chúng ta đang là một trong những nền nền kinh tế sở hữu nhiều hiệp định thương mại tự do nhất nên không gian thị trường là toàn cầu.
Tuy nhiên, môi trường cạnh tranh rất gay gắt, chúng ta chỉ có thể thắng lợi trong thị trường rộng mở nếu nâng cao năng lực cạnh tranh. Đó chính là cách thức để thúc đẩy thị trường lao động từ khu vực nông nghiệp sang khu vực công nghiệp dịch vụ trong thời gian tới.
PV: Ngoài những chính sách cởi mở của Nhà nước, doanh nghiệp cần làm gì để tăng năng suất lao động trong thời gian tới, thưa ông?
Ông Vũ Tiến Lộc: Chúng ta đang trong bối cảnh mở cửa, hội nhập, chịu tác động mạnh mẽ của cuộc CMCN 4.0. Nó đòi hỏi các doanh nghiệp phải vươn tới chuẩn mực quốc tế và hướng tới ứng dụng những công nghệ hiện đại để nâng cao năng lực cạnh tranh.
Chỉ khi các doanh nghiệp nâng cao được năng lực cạnh tranh thì lúc đó mới có khả năng thu hút thêm được lao động, tạo thêm được nhiều việc làm trong lĩnh vực công nghiệp dịch vụ, đó là cách đóng góp vào năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Tôi cho rằng, khu vực doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ bao giờ cũng là động lực chủ yếu của tăng trưởng, là xương sống của nền kinh tế.
Do đó, việc nâng cấp được khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ vươn tới được chuẩn mực quốc tế thì đó là điều kiện để nâng cao năng xuất lao động ở khu vực này và để tăng cường thu hút lao động trong khu vực này và đóng góp vào tăng trưởng về năng suất cho nền kinh tế.
Chúng ta cần bỏ ngay quan niệm chỉ có doanh nghiệp lớn mới vươn tới chuẩn mực toàn cầu, mà các doanh nghiệp siêu nhỏ với sự trợ giúp của thương mại điện tử thì cũng hoàn toàn có thể vươn ra thị trường thế giới.
Tham gia vào thương mại điện tử, kết nối với thị trường toàn cầu, vươn tới các chuẩn mực thế giới là những chiến lược, định hướng rất căn bản để doanh nghiệp Việt Nam có thể nâng cao năng suất lao động. Tất nhiên hiện nay chúng ta hiểu chuẩn mực của nền kinh tế toàn cầu không chỉ là chuẩn mực về công nghệ và quản trị mà còn là chuẩn mực về trách nhiệm xã hội, văn hóa kinh doanh.
PV: Xin cảm ơn ông!
Theo Nguyễn Trang/VOV.VN