1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

"Sinh viên ra trường cái gì cũng biết, chỉ không biết.... làm việc"

Hoài Nam

(Dân trí) - Nói về bài toán trên thị trường lao động hiện nay, TS Nguyễn Cao Trí nhắc đến thực trạng "sinh viên ra trường cái gì cũng biết, chỉ không biết... làm việc".

Vấn đề tưởng như nghịch lý này được TS Nguyễn Cao Trí, Chủ tịch hội đồng Trường ĐH Văn Lang nhấn mạnh tại tọa đàm "Sự chuyển mình của giáo dục đại học để đáp ứng các năng lực cần thiết của lực lượng lao động tương lai" trong khuôn khổ lễ công bố nhận diện thương hiệu mới của trường này diễn ra vào ngày 22/12. 

Sinh viên ra trường cái gì cũng biết, chỉ không biết.... làm việc - 1

Các chuyên gia trao đổi về chất lượng nguồn lao động trong thời đại công nghệ (Ảnh: M.N).

Đau đáu với những đánh giá của các doanh nghiệp về việc đào tạo "thầy không ra thầy, thợ không ra thợ", TS Nguyễn Cao Trí chỉ ra thực tế, sinh viên Việt Nam hiện vẫn có tâm lý thiếu tự tin khi bước vào môi trường công việc chuẩn quốc tế. 

"Có một bài toán trên thị trường lao động là các em sinh viên ra trường cái gì cũng biết, chỉ không biết... làm việc", TS Nguyễn Cao Trí nói. 

Theo ông Trí, có một nghịch lý là đào tạo để cung cấp nhân lực cho thị trường tương lai nhưng 4 - 5 năm trên ghế nhà trường, các em chủ yếu được học về những gì xảy ra ở quá khứ hoặc hiện tại. Điều này dẫn đến thực trạng "sinh viên vừa ra trường đã lạc hậu". 

Theo ông Trí, để vượt qua những thách thức, thay đổi không ngừng của xã hội hay công nghệ là cần có kế hoạch, dự báo trước. Việc đào tạo phải chuyển từ dạy một kỹ năng cụ thể sang sự sáng tạo và thích ứng, cơ sở đào tạo đối sánh với doanh nghiệp để có sự tương tác, dự báo, nắm được các yêu cầu kỹ năng của thị trường để bổ sung liên tục cho sinh viên. 

Sinh viên ra trường cái gì cũng biết, chỉ không biết.... làm việc - 2

TS Nguyễn Cao Trí: "Sinh viên ra trường cái gì cũng biết, chỉ không biết... làm việc" (Ảnh: N.M).

Bà Phan Tú Quyên, Giám đốc điều hành Microsoft Việt Nam thông tin, 70% công việc hiện tại sẽ bị thay thế bởi máy móc, công nghệ trong tương lai. 65% các em học sinh đang học tiểu học trong tương lai sẽ làm những công việc chưa tồn tại. 

Trong vòng 3 năm tới, khoảng 77% lực lượng lao động của các doanh nghiệp cần có kỹ năng số. Sự thay đổi nhanh chóng và tiềm ẩn nhiều bất ngờ của tương lai đặt ra yêu cầu về kỹ năng số đối với người lao động. 

Bà Quyên cho biết, tiếp nhận sinh viên ra trường thấy vấn đề không phải ở khả năng học, hầu hết các bạn sinh viên học rất nhanh, thi chứng chỉ rất tốt. Vấn đề nằm ở các kỹ năng giải quyết vấn đề và đặc biệt là các bạn sinh viên ra trường còn thiếu chủ động trong công việc. 

Nữ giám đốc cũng chỉ ra thực trạng doanh nghiệp sa thải khi nhân viên không theo kịp yêu cầu. Điều này đặt ra bài học cho người lao động là cần học cách chấp nhận sự thay đổi. 

Bà Tôn Nữ Thị Ninh, Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển TPHCM nêu quan điểm thị trường lao động có trách nhiệm kép của hai bên là doanh nghiệp và người lao động. Doanh nghiệp bên cạnh việc bồi dưỡng tiếp cho nhân viên cũng cần tạo điều kiện cho nhân viên du nhập và hiểu tính hệ thống của vị trí làm việc, về lộ trình phát triển. 

Nhà ngoại giao này cũng bày tỏ, trong biển cả kiến thức toàn cầu hiện nay, kỹ năng xã hội và cảm xúc vô cùng quan trọng. Khi còn đi học, sinh viên cũng cần phải hiểu biết, được trang bị kiến thức, kỹ năng đúng cách. Giáo dục đại học phải cung cấp tư duy cho người học để người học biết được hướng đi nào đúng.

Các chuyên gia đều đồng tình có nhiều cách đánh giá về chất lượng đào tạo nhưng quan trọng nhất vẫn là đánh giá từ các doanh nghiệp, về tỷ lệ việc làm, sự thích nghi của sinh viên với môi trường làm việc. 

Sinh viên ra trường cái gì cũng biết, chỉ không biết.... làm việc - 3

Việt Nam cần nâng cao nguồn nhân lực chất lượng cao (Ảnh: M.N).

Theo đánh giá của Bộ LĐ-TB&XH, so với các nước trong khu vực và thế giới, Việt Nam là nước có tỷ lệ lao động qua đào tạo thấp, đến quý 2/2022 mới chỉ đạt 26,2%.

Theo Tổng cục Thống kê, năng suất lao động Việt Nam hiện vẫn rất thấp so với các quốc gia khác trong khu vực. Năng suất lao động Việt Nam Chỉ bằng 8,4% mức năng suất của Singapore, 23,1% của Malaysia, 41,5% của Thái Lan, 55,5% của Indonesia và 62,8% của Philippines, chỉ cao hơn năng suất lao động của Campuchia (gấp 1,8 lần).

Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), năm 2021, lao động Singapore đóng góp vào GDP cả nước 73,7 USD trong 1 giờ lao động, trong khi lao động Việt Nam đóng góp khoảng 7,3 USD/giờ vào GDP.