Thế hệ gây ám ảnh cho nhà tuyển dụng, có phải Gen Z đỏng đảnh?
(Dân trí) - Phía sau chuyện nhảy việc, nóng lòng làm lãnh đạo của nhân sự Gen Z không phải là sự đỏng đảnh, hời hợt như vẻ ngoài mà là hành trình khẳng định bản thân.
Muôn lý do nghỉ việc "trời ơi"
Nói không quá, nhân sự Gen Z (các bạn trẻ sinh trong khoảng thời gian 1995 - 2012) đang trở thành "nỗi ám ảnh bao trùm" ở khắp các doanh nghiệp, với mọi nhà tuyển dụng. Nhiều nhà quản lý cùng thốt lên một cảm thán "không hiểu nổi nhân sự Gen Z".
Hôm nay, có thể họ đang đi làm ở TPHCM, mai đã nghỉ việc, lên Đà Lạt, đi Sapa mà không một lời báo trước. Không ít liệt kê về các lý do "trời ơi": Gen Z ghét sếp - nghỉ, không vui - nghỉ, khó chịu với đồng nghiệp - nghỉ, chưa lên chức - nghỉ, thậm chí có người yêu mới cũng... nghỉ.
Mọi lý do vui buồn đều có thể đi đến nghỉ việc, lớp nhân sự này đẩy các nhà quản lý vào thế chỏng chơ, rối bời vì "chỗ trống" trong công việc cùng cảm giác không thể không ức chế.
Nói đến nhân sự Gen Z, ai cũng dễ buông ra những nhận xét tiêu cực như thiếu kỷ luật, thiếu cam kết, vô trách nhiệm... Chính góc nhìn này đẩy khoảng cách giữa các nhà quản lý với nhân sự Gen Z dường như ngày càng khó khỏa lấp.
Một shark trong lĩnh vực tài chính chia sẻ, ông từng phải phiền não vì nhân sự Gen Z, chỉ đỡ hơn khi... kệ, cứ chiều theo các bạn. Ông bàng hoàng không lý giải nổi việc các bạn không hiểu những điều cơ bản như cam kết trong công việc, nghỉ thì phải có kế hoạch hay cần hiểu rằng thăng tiến phải có quy trình. Họ rất nóng vội, rất vội vã trong việc nghỉ việc, trong chuyện thăng chức.
Sự phiền não và sự mặc kệ này phần nào cho thấy các nhà quản lý đang cực kỳ khó khăn trong khi làm việc với thế hệ này.
Gen Z: Ẩn ức và khát khao?
CEO Thi Anh Đào, một trong 30 gương mặt trẻ nổi bật của Việt Nam do Forber bình chọn nhấn mạnh, người trẻ hiện này tìm đến công việc nghĩa là công việc đó phải giúp người đó phát triển, giúp người đó mỗi ngày phải thấy hạnh phúc. Khác với thế hệ trước, mọi người thường chấp nhận hy sinh, cam chịu, không dám đánh đổi.
Ngoài ra, bà Thi Anh Đào đánh giá, gen Z có rất nhiều lợi thế như nhanh, đẹp về hình thể lẫn tư duy, có khả năng giao tiếp tốt... Để hiểu được đặc tính Gen Z thì chính các nhà quản lý cũng cần có sự điều chỉnh để phát huy được lợi thế của họ.
"Đây là một thế hệ cần sự động viên, cần được nhìn vào thế mạnh. Như tôi, bây giờ làm việc với các bạn trẻ, không dám la, không dám nói "Em có điên không?" như trước nữa đâu", bà Thi Anh Đào cho hay.
Ở quan điểm người trẻ hiện nay thường chỉ sống cho bản thân, biết bản thân, bà Thi Anh Đào kể, trong các lần giao lưu, bà hỏi nhiều học sinh, sinh viên thích điều gì, muốn điều thì nhận về câu trả lời vô cùng bất ngờ: chính các bạn cũng chưa từng hỏi mình thích gì, muốn gì. Nhiều em đau đớn vì được hỏi như vậy vì đã hơn 20 tuổi mà chưa một ai từng hỏi các em muốn điều gì?
Theo bà Đào, có thực tế là nhu cầu của đứa trẻ đã bị bỏ quên. Các em luôn bị bố mẹ đưa vào thế là nên thế này, thế kia, phải thế này, thế kia... Còn bản thân các em muốn gì, thích gì không ai quan tâm.
Lý giải về những biểu hiện nhảy việc bất chấp, nóng lòng làm lãnh đạo của nhân sự trẻ, Th.S Nguyễn Lê Thanh, chuyên gia tâm lý tại TPHCM cho hay đó, cũng biểu hiện của những khát vọng, những ẩn ức. Các em muốn được sống theo mong muốn của mình, muốn được làm chủ bản thân.
Với thế hệ trước, công việc đơn giản là mưu sinh, còn giờ đây, với các bạn trẻ, công việc phải gắn với hạnh phúc cá nhân, giá trị, lý tưởng sống.
Theo ông Thanh, nhìn bề ngoài dễ thấy những biểu hiện dường như khó chấp nhận nhưng có thể thế hệ nhân sự trẻ có những hoang mang, lo lắng trên hành trình khẳng định giá trị bản thân.
Áp lực được công nhận, được nổi bật
Tại chương trình "Đối thoại với Gen Z" cách đây không lâu, nhà giáo dục Nguyễn Thúy Uyên Phương, người sáng lập Học viện YES cho hay, không chỉ các nhà quản lý mà chính phụ huynh cũng bị "sốc" trước các đặc điểm Gen Z, từ cách ăn, quan điểm sống, hành xử, công việc... Người này phải thốt lên rằng, dường như chỉ có các nhãn hàng tiêu dùng, các thương hiệu rất nỗ lực để hiểu thế hệ này hơn là bố mẹ các em.
Bà Uyên Phương cho rằng, nhiều nhà tuyển dụng, phụ huynh và chính bản thân bà trước đây cũng từng không hiểu nổi Gen Z. Nhưng thực tế, với tác động của thời đại, xã hội, hoàn cảnh... Gen Z có những đặc điểm rất khác biệt. Họ có những kỳ vọng cao về môi trường làm việc mà với nhà tuyển dụng là rất phi thực tế. Và đặc biệt, áp lực được công nhận, được chú ý của Gen Z cực kỳ lớn.
Từ bố mẹ cho đến các nhà tuyển dụng, sử dụng nhân sự cần hiểu được những điều này để "giải mã" nhân sự Gen Z.
Trong một chương trình về việc làm, bà Nguyễn Thị Cẩm Thu, quản lý tài năng tại Heineken Việt Nam đưa ra góc nhìn, ai đi làm cũng muốn khẳng định vị trí của bản thân. Nhất là thế hệ Gen Z, khi không hoặc chậm được lên chức là nhanh chán nản, cho rằng mình không được ghi nhận và dễ buông.
Nhiều người đánh giá nhân sự Gen Z thiếu kiên nhẫn nhưng theo bà Thu, không hẳn giới trẻ dễ bỏ cuộc như mọi người đánh giá mà việc này xuất phát từ mong muốn được khẳng định bản thân. Nắm được đặc điểm này, các nhà quản lý hãy mạnh dạn trao quyền cho các bạn trẻ nhiều hơn để họ thấy mình trưởng thành, mình được đóng góp, tạo ra giá trị...
Đã từng có tổng kết xác đáng về Gen Z "ồn ào, náo nhiệt mà đầy những nỗi cô đơn" để nói về hành trình khẳng định bản thân của một thế hệ nhân lực trẻ trên thị trường lao động hiện nay.