1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Kiến trúc sư Việt bị chê "quê", việc ngon lương khủng vào tay nhân sự ngoại

Hoài Nam

(Dân trí) - Thực tế, các công trình, dự án đô thị lớn hiện nay vẫn đang "cậy nhờ" các nhà thiết kế, kiến trúc sư từ nước ngoài.

TS Phan Thị Việt Nam, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Hoa Sen khái quát về năng lực của kiến trúc sư Việt tại hội thảo "Kiến trúc đô thị thông minh" do trường này tổ chức.

Hội thảo là hoạt động giúp sinh viên ngành thiết kế có điều kiện tiếp cận với những kiến thức trên thế  giới, hiểu sâu hơn về ngành nghề mà mình đang học, qua đó nắm bắt cơ hội việc làm.

Kiến trúc sư Việt bị chê quê, việc ngon lương khủng vào tay nhân sự ngoại - 1

TS Phan Thị Việt Nam: "Nhiều công trình, dự án lớn phải "cậy" nhân sự nước ngoài" (Ảnh: Y.N)

TS Việt Nam cho hay, để góp phần vào quá trình phát triển đô thị thông minh, giáo dục cần phải đi đầu để cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao với đầy đủ tư duy, kiến thức, kỹ năng trong thời đại 4.0.

Làm thế nào để nhân lực ngành thiết kế và kiến trúc có tiếng nói hơn trong các dự án lớn, theo bà Nam, đó chính là bài toán các cơ sở đào tạo cần phải giải quyết.

GS.Robyn Dowling, Hiệu trưởng trường Kiến trúc và Quy hoạch Đô thị, Đại học Sydney (Úc) so sánh về thành phố thông minh giữa các quốc gia khác nhau như Ấn Độ, Úc… để chỉ ra sự khác biệt kiến trúc.

GS Robyn Dowling cho rằng, giảng dạy về kiến trúc đô thị cần sự bài bản và liên tục đổi mới, cần bắt đầu với giáo dục và đào tạo nâng cao nhận thức. Chương trình phải tạo điều kiện thuận lợi cho sự tương tác của người học với các dự án thành phố thông minh cũng như các đối tác. 

Còn sinh viên là nhân sự tương lai phải không ngừng học hỏi từ các chuyên gia trong nước và quốc tế. 

Kiến trúc sư Việt bị chê quê, việc ngon lương khủng vào tay nhân sự ngoại - 2

GS Robyn Dowling (Ảnh: Y.N)

Việt Nam có tốc độ đô thị hóa chóng mặt của khu vực. Theo thống kê của Bộ Xây dựng, 6 tháng đầu năm 2022, tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc đạt 41%, với 883 đô thị, tăng 0,6% so với năm 2021. 

Để đạt mục tiêu trở thành nước công nghiệp vào năm 2030 thì mức độ đô thị hóa phải đạt đến con số 50-60%. Theo các chuyên gia, đây chính là "thời điểm vàng" của ngành kiến trúc xây dựng. Tuy nhiên, thực tế chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực này hiện vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển.

Sau đại dịch Covid-19, ngành kiến trúc xây dựng cần thêm khoảng 400.000 - 500.000 lao động mỗi năm. Với tốc độ phát triển như hiện nay thì số lượng lao động làm việc trong ngành xây dựng vào năm 2030 có thể đạt tới con số khoảng 12-13 triệu người. 

Không chỉ gia tăng về số lượng, ngành xây dựng cũng đặt mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Hiện nay, tỷ lệ nhân lực ngành xây dựng qua đào tạo ở Việt Nam đạt khoảng 65%. Mục tiêu đến năm 2030 là tăng tỷ lệ lao động ngành kiến trúc xây dựng qua đào tạo đạt mức khoảng 75%.

Kiến trúc sư Việt bị chê quê, việc ngon lương khủng vào tay nhân sự ngoại - 3

Nhu cầu nhân lực chất lượng ngành thiết kế, xây dựng hiện rất cao (Ảnh: Y.N).

Trao đổi với PV Dân trí, Hiệu trưởng hệ thống một trường tư thục tại TPHCM cho biết, bộ phận nào trường cũng có thể tuyển dụng nhân sự Việt. Nhưng riêng với bộ phận thiết kế, kiến trúc, trường phải tuyển nhân viên nước ngoài hoặc chí ít là du học sinh từ nước ngoài về.

Bà thẳng thắn: "Nhân lực ngành này trong nước làm còn khó coi lắm, vẽ vừa rườm rà, vừa xấu lại rất thiếu ý tưởng, sản phẩm nhìn rất "quê". Thiết kế của nhân sự nước ngoài với chúng ta khác nhau nhiều lắm".

Theo bà, có thể việc đào tạo trong lĩnh vực này trong nước chưa theo kịp với sự phát triển của thế giới. Hoặc vấn đề còn nằm ở tư duy của người học, luôn khuôn mẫu, thiếu sự sáng tạo, bay bổng từ bé. 

"Nhiều doanh nghiệp phải "đánh bắt xa bờ" tìm nhân sự trong lĩnh vực thiết kế kéo theo chi phí rất cao. Mức lương của một nhân sự nước ngoài đến làm việc cao gấp 3 - 7 lần nhân sự trong nước, chưa kể nhiều chi phí phát sinh", nữ Hiệu trưởng cho hay.