1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Qua 11 tháng: 98.748 lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài

(Dân trí) - Số liệu do Cục Quản lý Lao động Ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) công bố về tình hình lao động Việt Nam được phái cứ sang làm việc tại 15 thị trường lao động quốc tế, sau 11 tháng của năm 2014. Thị trường Đài Loan vẫn tiếp tục dẫn đầu về thu hút lao động.

Lao động Việt Nam chờ xuất cảnh (ảnh TL)
Lao động Việt Nam chờ xuất cảnh (ảnh TL)

Riêng trong tháng 11.2014, các doanh nghiệp xuất khẩu lao động đã đưa 7.605 lao động đi làm việc nước ngoài, gồm các thị trường: Đài Loan: 3.972 lao động, Nhật Bản: 1.937 lao động, Hàn Quốc: 394 lao động, Malaysia: 293 lao động, Ả rập - Xê út: 422 lao động, Macao: 231 lao động và các thị trường khác.

Trong đó, tỉ lệ lao động nữ chiếm gần 50 % trong số lao động tham gia làm việc ở nước ngoài.

Tính tổng trong 11 tháng đầu năm 2014, Cục Quản lý lao động ngoài nước thống kê số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đạt 98.748 lao động, trong đó có 37.761 lao động nữ.

Kết quả này vượt 13,5% so với kế hoạch năm 2014 và bằng 125,37% so với cùng kỳ năm ngoái.

Điểm nóng nhất trong lĩnh vực xuất khẩu lao động của Việt Nam là tình trạng lao động bỏ trốn tại Hàn Quốc. Số lao động Việt Nam bỏ trốn tại Hàn Quốc đã vào khoảng 16.000 người, chiếm 39% số lao động phải về nước theo hợp đồng.

Mặc dù các cơ quan chức năng Việt Nam đã triển khai nhiều biện pháp nhưng tình hình chưa có nhiều khả quan: Đưa cán bộ tới 13 tỉnh, thành có nhiều lao động bỏ trốn để vận động gia đình lao động kêu gọi con, em về nước; xử phạt hơn 300 trường hợp không về nước; yêu cầu lao động xuất cảnh sang Hàn Quốc đóng ký quỹ 100 triệu đồng/người

Được biết, trong phiên trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 8 (Quốc hội khóa 8) vừa qua, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền đề xuất với Chính phủ cho phép cử đại diện sang Hàn Quốc để tới tuyên truyền, vận động từ phía các doanh nghiệp đang sử dụng lao động Việt Nam bỏ trốn.

Tới thời điểm hiện nay, Bản thỏa thuận đặc biệt ký giữa Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam và Bộ Lao động Hàn Quốc năm 2013 đã gần hết hạn. Trong khi đó, tỷ lệ lao động Việt Nam bỏ trốn còn khá cao. Điều này khiến cơ hội cho những lao động Việt Nam chờ xuất cảnh sang làm việc tại Hàn Quốc khá bấp bênh.

Hoàng Mạnh