Phản ứng bất ngờ của người lao động trước đề xuất cho F0, F1 đi làm
(Dân trí) - Trước đề xuất của Bộ Y tế cho phép F0, F1 trong thời gian bị cách ly được đi làm khi đáp ứng được các điều kiện đặt ra, đa số người lao động, công nhân có phản ứng khá bất ngờ.
Trên mạng xã hội, ngay sau khi thông tin Bộ Y tế đề xuất cho F0 không triệu chứng hoặc bệnh nhẹ được đi làm trực tuyến hoặc trực tiếp trong điều kiện không tiếp xúc ai, không chăm sóc người mắc Covid-19, khá nhiều người khẳng định bản thân đang mắc Covid-19 vẫn làm việc trực tuyến như bình thường.
Trên nhiều fanpage nhóm hội công nhân khu công nghiệp, nhiều công nhân cho biết tình trạng là F0 vẫn làm việc trực tuyến cho công ty hoặc làm việc tại nhà.
Tài khoản Nguyen Nhung Anh cho biết: "F0 ở nhà vẫn làm vắt chân lên cổ".
Trong khi đó, tài khoản Le Van Thang hài hước: "Đề xuất hơi muộn, F0, F1 vẫn làm việc gần hết tháng giêng rồi".
Tài khoản Thuy Van cho biết: "Phòng tôi có 4 người, thì 3 F0, mà chúng tôi ăn và ngủ trưa cùng nhau. Và tôi là F1, vẫn đi làm trực tiếp bình thường, đến giờ vẫn chưa được nghỉ".
"F1 vẫn đang đi làm đây, qua bao đời tiếp xúc với F0 rồi, vẫn chưa 2 vạch để nghỉ, hết người nên vẫn phải đi làm" - tài khoản có tên Vo Quoc Viet cho biết.
Chủ tài khoản Cẩm Ly phản ánh: "F1 đi làm từ đời nào rồi, cả cơ quan toàn F0, có vài mống F1, không làm thì đóng cửa luôn".
Tài khoản Nguyễn Thị Phương Anh bông đùa đôi chút: "Đi làm cũng được nhưng giảm giá xăng chút được không ạ, chứ tiền lương không đủ trả tiền xăng với tiền ăn".
Thực tế, tại Hà Nội những ngày qua, tỷ lệ người mắc Covid-19 rất lớn, tăng từ mức 2.000 ca mỗi ngày lên 3.000 ca/ngày và cả tuần qua còn "tằng tằng" 20.000 - 30.000 ca/ngày. Nhiều doanh nghiệp, công ty và văn phòng đại diện tại Hà Nội đều có F0, thậm chí tỷ lệ người F0 rất cao.
Tình trạng người lao động là F0 ở vừa phải theo dõi sức khỏe, vẫn duy trì làm việc lại vừa phải chăm sóc cho con cái, người thân xuất hiện ngày một nhiều khi mà chủng mới Omicron tại Hà Nội có mức độ lây lan cao hơn. Tỷ lệ người tiếp xúc gần với F0 là vợ hoặc chồng, bố mẹ, con cái hay đồng nghiệp bị nhiễm Covid-19 rất cao, nhiều gia đình cả nhà lần lượt thành F0, người mắc trước chăm người mắc sau.
Bên cạnh đó, một số lĩnh vực, ngành đặc thù, người lao động có thể tham gia vào công việc khi làm trực tuyến được như truyền thông, quản lý nhân sự, kế toán, quản lý kinh doanh... Chính vì thế, theo nhiều F0, việc người lao động mắc Covid-19 sau từ 2-4 ngày, sức khỏe ổn định là trực tiếp tham gia vào công việc được.
"Đề xuất cho F0 được đi làm bằng phương thức trực tuyến, hoặc không tiếp xúc với ai (làm trong phòng riêng, tuân thủ 5 K, đi lại bằng xe cá nhân) là rất hợp lý vì thực tế trong nhiều ngành, lĩnh vực, người lao động diện này đã làm từ lâu rồi. Hơn nữa, nếu việc cách ly F0 lâu quá, tâm lý người lao động cũng chán, nghỉ việc đấy nhưng việc không cho nghỉ, vẫn dồn ứ đợi người đến làm. Sau khi mắc Covid-19, ai cũng sợ hãi viễn cảnh sức khỏe chưa hồi đã sấp mặt chạy công việc", chị Hiền, người mắc Covid-19 đang làm quản lý nhân sự của công ty Hàn Quốc tại Hà Nội nói.