Hà Nội: Nhiều nhà xưởng, dây chuyền vắng lặng vì "bão" F0

An Linh

(Dân trí) - Dây chuyền 12 người, có 9 người là F0, nghỉ đồng loạt; một tổ có 25 công nhân thì chỉ còn 5 "nhân mạng" đi làm. Bốn ngày nay, anh Vũ Phạm Hưng phải gánh việc của hai người cùng tổ đang ở nhà điều trị.

Theo lời kể của anh Hưng, hiện đang làm việc cho liên doanh Việt - Nhật tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long, Nội Bài, Hà Nội, bình thường tổ anh có 25 công nhân bốc dỡ và kiểm tra sản phẩm. Nhưng hiện nay, 3/4 số lao động của tổ phải nghỉ cách ly do dịch Covid-19, phần lớn là F0, F1, tiếp xúc gần trong lúc ăn uống.

Một người làm việc bằng ba

"Nếu tình hình F1 chi chít "thăng hạng" thành F0 tiếp diễn, chắc chắn những anh em còn khỏe mạnh chỉ cáng đáng được công việc 10 ngày nữa. Hiện, các tổ, dây chuyền khác cũng bổ sung cho chúng tôi 10 người, nhưng công việc nhiều, vẫn không làm xuể", anh Hưng cho biết.

Hà Nội: Nhiều nhà xưởng, dây chuyền vắng lặng vì bão F0 - 1

Công nhân nhà xưởng của một doanh nghiệp tại Hà Nội chỉ đủ duy trì một dây chuyền.

Tương tự chỗ anh Hưng, tại một doanh nghiệp làm hạt nhựa xuất sang Nhật ở Khu Công Nghiệp Bắc Thăng Long, Nội Bài, ông Nguyễn V. T - Giám đốc cho biết, công ty phải bố trí làm việc cả ngày nghỉ, phương án là làm cuốn chiếu đơn hàng.

"Trước nổ 10 máy làm hạt, nay chuyển làm 6 máy thôi, tăng năng suất và chạy đơn hàng của những máy hiện hữu và cố gắng chờ anh em hết cách ly. Cơ bản những người F1 thuộc diện rủi ro thấp, tiếp xúc ít với F0 và sức khỏe bình thường sau 3 ngày, sẽ được bố trí đi làm và tách riêng một tổ để tránh lây nhiễm cho tổ khác", ông T nói.

Theo ông T, với hơn 2.000 công nhân, tính đến nay, công ty đang cho nghỉ cách ly trên 500 lao động, ảnh hưởng lớn đến kế hoạch kinh doanh. Rất may hiện 30% số cách ly đã phục hồi đi làm trở lại, nhưng ông T cũng như nhiều doanh nghiệp bạn cho rằng, cần có quy định rõ ràng để F1 đi làm bình thường. Ông nhấn mạnh, F0 không triệu chứng, F1 đi làm là phù hợp trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 hiện nay rất lớn, nếu cách ly nhiều, doanh nghiệp đối mặt với nguy cơ thiếu công nhân làm việc.

"Chúng tôi làm đóng gói, theo dây chuyền và máy chạy nên không thể thiếu công đoạn nào. Dù đã tự động hóa nhiều khâu nhưng mỗi dây chuyền cần đến 20 người, trong đó đứng máy cần ít nhất 5 người, còn lại là bốc dỡ hàng, đóng gói, dán tem...", ông T cho biết.

Nghỉ ở nhà điều trị Covid-19 hơn 7 ngày nay, chị Vũ Thị Hiền (Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cảm thấy sức khỏe bình thường, nhưng xét nghiệm nhanh vẫn dương tính, hai vạch đậm. Nghỉ nhà mà tâm trạng thấp thỏm lo công việc bởi chị là tổ trưởng, trong khi công ty nhiều người cũng nghỉ, công việc đình trệ.

"Giờ mình chỉ ước âm tính và đi làm, công việc là nguồn sống. Dù mắc Covid-19 nhưng chắc đã tiêm 3 mũi nên mình chỉ đau đầu, rát họng chút chứ không quá nặng. Thậm chí ở nhà phục vụ ba bố con nó còn mệt hơn đi làm", chị Hiền kể.

Người lao động sợ bệnh, sợ thiếu lương, sợ mất việc

Theo chị Hiền, mong ước nhanh khỏi và âm tính luôn thường trực trong đầu chị và nhiều công nhân khác bởi hiện nay công việc là nguồn sống của chị và của nhiều người.

"Cách ly 1 tuần ở nhà, thú thực tôi rất mong được đi làm, một phần vì công việc, kế hoạch của mình, một phần vì đồng nghiệp, vì công ty. Tôi có thâm niên làm việc tại đây 10 năm và rất sốt ruột vì thấy đơn hàng về nhiều mà không có người làm. Nhiều chỗ khác, họ không có việc để làm, công ty mình đơn hàng về nhiều mà lại không có người làm. Nhìn cảnh nhiều xưởng, dây chuyền vắng tanh, công nhân còn sốt ruột chứ đừng nói đến quản lý cấp cao", chị Hiền bày tỏ.

Hà Nội: Nhiều nhà xưởng, dây chuyền vắng lặng vì bão F0 - 2

Một bộ phận dây chuyền để đèn nhưng không có công nhân làm việc do F1, F0, phải cách ly hết.

Nguyện vọng của chị Hiền là mong có quy định, chính sách giảm thiểu thời gian cách ly, các thủ tục đi làm hoặc cho F0, F1 làm theo nhóm riêng để duy trì sản xuất.

Cũng theo chị Hiền, việc người lao động bị Covid-19 nghỉ việc sẽ ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch và năng suất hoạt động của doanh nghiệp. Chính vì thế, nhiều công nhân rất lo lắng, ai diện F1 cũng muốn đi làm ngay.

"Ai cũng sợ nếu nghỉ nhiều sẽ mất thưởng, giảm lương, thậm chí có thể mất việc. Đồng lương đã thấp, hai năm nay, dịch bệnh lại liên miên nên mọi người rất lo lắng. Không đi làm, ở nhà vẫn phải ăn, trong khi đó giá cả cái gì cũng tăng. Chúng tôi rất mong, nếu F0 không có triệu chứng, bệnh nhẹ đi làm, sẽ được tạo điều kiện để hưởng các chính sách bảo hiểm khác", chị Hiền tâm niệm.