1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

F0, F1 tình nguyện đi làm: Doanh nghiệp cần tri ân, hỗ trợ người lao động

An Linh

(Dân trí) - Theo đại diện các doanh nghiệp, phương án để F0, F1 Covid-19 tình nguyện đi làm trong bối cảnh hiện nay là hợp lý, phù hợp với thực tế và chiến lược bình thường hóa với đại dịch Covid-19.

Tuy nhiên, người lao động là F0 và người có rủi ro cao mắc bệnh vẫn là đối tượng được chăm sóc sức khỏe dù có hay không có triệu chứng. Vì vậy, doanh nghiệp cần hỗ trợ bằng cách này hay cách khác, đồng thời vẫn cần đảm bảo các quyền lợi, trợ cấp cơ bản đối với người bệnh.

Cần hỗ trợ cho F0, F1 tình nguyện đi làm việc

Chia sẻ với PV Dân trí, ông Bạch Thăng Long (Phó Tổng Giám đốc Công ty May 10) cho rằng, phương án cho F0, F1 đi làm với một số quy định kèm theo là hợp lý trong bối cảnh người lao động đã tiêm đầy đủ mũi vắc xin. Đồng thời khi đó phương án coi Covid-19 là bệnh đặc hữu, nhiều người mắc có triệu chứng nhẹ được thông qua.

"Doanh nghiệp thực sự mong muốn có chính sách để F0, F1 được đi làm mặc dù để đảm bảo các điều kiện cho họ đi làm (chế độ 5K, an toàn, phòng tránh lây nhiễm...) không phải doanh nghiệp nào cũng có thể đáp ứng được, đặc biệt đối với ngành sản xuất mang tính dây chuyền", ông Long nói.

F0, F1 tình nguyện đi làm: Doanh nghiệp cần tri ân, hỗ trợ người lao động - 1

Người lao động là F0, F1 dù tình nguyện đi làm nhưng cần có chính sách hỗ trợ từ cơ quan bảo hiểm, doanh nghiệp (Ảnh minh họa).

Cũng theo ông Bạch Thăng Long, nếu lao động bị nhiễm Covid-19 tăng cao, quy định nghỉ cách ly 10-15 ngày thì ảnh hưởng tới tiến độ của đơn hàng, khách hàng là bạn hàng của doanh nghiệp cũng không thể chia sẻ mãi được với doanh nghiệp.

Thực tế, bệnh nhân mắc Covid-19 tùy theo thể trạng mỗi người: Người không có triệu chứng, người có triệu chứng nhẹ, người có triệu chứng và nặng. Vì vậy, phương án Bộ Y tế đưa ra là người lao động làm việc trên cơ sở tình nguyện và được doanh nghiệp chấp thuận.

Tuy nhiên, vừa là bệnh nhân vừa phải đi làm việc, có thể sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, khả năng phục hồi, chống đỡ bệnh lý. Bên cạnh đó, cũng tùy thuộc vào ngành nghề, mức độ nặng nhọc, độc hại, người bệnh Covid-19 cần được doanh nghiệp, chủ sử dụng hỗ trợ bằng vật chất, tiền; cơ quan bảo hiểm xã hội, công đoàn cũng cần đảm bảo chế độ cho người lao động.

Theo ông Bạch Thăng Long: "Cần có hỗ trợ của bảo hiểm xã hội cho người lao động trong thời gian họ bị F0, F1 mà tình nguyện đi làm. Còn đối với chi phí hỗ trợ thêm của doanh nghiệp, cũng cần có, nhưng tùy theo khả năng của từng doanh nghiệp nhằm động viên, chia sẻ và tri ân họ".

Cũng chia sẻ với PV Dân trí, ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp TPHCM (HBA), phương án hỗ trợ, bảo đảm quyền lợi cho F0 đi làm tại doanh nghiệp cũng nên cân nhắc từ nhiều phía.

Ông này cho rằng, người lao động là F1 đi làm phải thực hiện chế độ 5K theo đúng quy định của Bộ Y tế, tình nguyện đi làm trong thời gian bị bệnh (không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ). Trường hợp tăng quyền lợi cho người lao động cũng cần cân nhắc tùy theo điều kiện mỗi doanh nghiệp, theo thực tế nhu cầu của cả doanh nghiệp, người lao động.

Theo vị đại diện của HBA, lao động là F0, F1 (đã tiêm đủ mũi vaccine, không triệu chứng) tình nguyện đi làm để có lương mà doanh nghiệp cần thì các bên phải giải quyết và đảm bảo quyền lợi cho họ. Trường hợp người lao động có triệu chứng nhẹ, vẫn mệt, tình nguyện đi làm và doanh nghiệp rất cần, không thể thiếu được họ thì cũng xem xét, cân nhắc.

Người lao động là F0, F1 cũng cần làm việc

Theo ông Bé, việc hỗ trợ quyền lợi thêm cho người lao động là do bản thân mỗi doanh nghiệp, không đưa quy định cứng nhắc bởi có thể khiến tình trạng xin hỗ trợ ồ ạt, ảnh hưởng đến chi phí doanh nghiệp.

F0, F1 tình nguyện đi làm: Doanh nghiệp cần tri ân, hỗ trợ người lao động - 2

Nhà nước và các ban ngành chức năng cần có chính sách để đảm bảo cả doanh nghiệp lẫn người lao động đều được hưởng lợi (Ảnh minh họa).

Theo anh Phí Thanh Phương, làm việc tại doanh nghiệp công nghệ cao ở Khu Công nghiệp Bắc Thăng Long, Nội Bài, Hà Nội: "Người lao động là F0, F1 có quyền được nghỉ theo đúng chế độ nghỉ ốm đau. Hơn nữa, Covid-19 là loại bệnh dịch truyền nhiễm nhóm A, rủi ro cao. Nếu người lao động là F0, F1 trong thời gian cách ly, được nghỉ chế độ mà tình nguyện đi làm thì cần có chính sách giải quyết chế độ cho họ. Không thể coi họ là lao động bình thường được bởi người lao động đã đánh cược, chấp nhận rủi ro để đi làm việc vì gia đình, vì công việc".

Cũng theo anh Phương, dù nghỉ do dịch bệnh Covid-19 nằm trong quy định của Nhà nước, của chế độ nghỉ việc bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp vẫn đánh giá xếp loại nhân viên theo tiến độ công việc, ngày nghỉ.

Nếu nghỉ hết phép năm, thời gian còn lại họ phải xin nghỉ phép không lương sẽ bị đánh giá xếp loại, ảnh hưởng chế độ. Hơn nữa, việc nghỉ việc dài ngày ảnh hưởng năng suất, sẽ bị đánh giá vào KPI sản phẩm. Chính vì vậy, thực chất của việc "tình nguyện" đi làm cũng bởi vì công nhân, người lao động luôn nhiều áp lực, ràng buộc khác nhau.

Mới đây, Bộ Y tế đề xuất F0, F1 đi làm trong thời gian cách ly, trong đó trường hợp F0 không có triệu chứng, đang trong thời gian cách ly, tự nguyện quay lại làm việc có thể làm việc trực tuyến, chăm sóc người bệnh Covid-19. F1 được phép tham gia các công việc trực tiếp và trực tuyến...

Các đơn vị, địa phương có thể xem xét bố trí thực hiện các công việc trực tuyến, không tiếp xúc trực tiếp với người xung quanh; hoặc được phép tham gia hỗ trợ chăm sóc, theo dõi, điều trị người nhiễm Covid-19. F0 được phép di chuyển bằng phương tiện cá nhân đi thẳng từ nơi cách ly đến khu vực làm việc được bố trí sẵn và ngược lại.